Bảo đảm quyền lợi công chúng và giá trị xã hội trong xuất bản

Ngày đăng: 14/03/2018 - 08:03

Bài 1: “Kiểm duyệt” hay biên tập xuất bản?

Việc một tác phẩm sau khi xuất bản bị thu hồi hoặc đình chỉ phát hành lâu nay thường được lấy làm lý do biện minh cho một số ý kiến cá nhân trong và ngoài nước cho rằng, xuất bản ở Việt Nam không có tự do, phải chịu sự “kiểm duyệt” khắt khe từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó những góc khuất hoặc sai phạm của cuốn sách lại bị lờ đi hoặc không được nhìn nhận đúng mức. Điều này đặt ra yêu cầu nên có sự đánh giá công bằng, khách quan về việc xuất bản ở Việt Nam hiện nay.

Nhiều năm qua, trung bình mỗi năm ngành xuất bản nước ta cho ra mắt bạn đọc gần 25 nghìn đầu sách. Cụ thể: năm 2015 toàn ngành xuất bản được hơn 24 nghìn đầu sách với hơn 270 triệu bản; năm 2016 xuất bản được 30 nghìn đầu sách với 400 triệu bản; năm 2017, xuất bản 25.431 đầu sách với 293 triệu bản sách in. Như vậy, trung bình mỗi ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản tiếp nhận lưu chiểu khoảng 100 tên sách. Khoản 1 Điều 28 của Luật Xuất bản năm 2012 quy định: “Tất cả xuất bản phẩm phải nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản chậm nhất là 10 ngày trước khi phát hành”. Như vậy, sau 10 ngày nộp lưu chiểu, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến gì thì cuốn sách được lưu hành và tiếp tục chịu sự kiểm định chất lượng của công luận, cũng như sự chi phối của quy luật thị trường với tư cách là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt.

Trên thực tế, với số lượng đầu sách lớn như vậy, cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện việc hậu kiểm theo phương pháp xác suất mà không thể đọc toàn bộ số sách đã nộp lưu chiểu. Công luận, thị trường và chính bạn đọc mới là nơi thẩm định có quyền lực nhất đối với mọi tác phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số đầu sách chất lượng thấp, thậm chí sai phạm, vẫn được phát hành đến bạn đọc trong thời gian vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, xảy ra tình trạng này là do cơ quan quản lý nhà nước đã không làm tốt việc “kiểm duyệt” nội dung trước khi sách được phát hành ra thị trường. Ý kiến đó là không thỏa đáng, vì cần phải khẳng định ngay rằng về mặt luật pháp, trước khi xuất bản, tác phẩm không bị kiểm duyệt bởi cơ quản quản lý nhà nước về xuất bản. Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Xuất bản: “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản”, và đó chính là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam, đã thể hiện từ rất sớm trong Hiến pháp năm 1946 về quyền tự do xuất bản của công dân (quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946), tiếp đó là Sắc luật 003/SLT ngày 18-6-1957 về Quyền tự do xuất bản do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, ban hành với Điều 1 quy định: “Quyền tự do xuất bản của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Tất cả các xuất bản phẩm đều không phải kiểm duyệt trước khi xuất bản, trừ trong tình thế khẩn cấp, nếu Chính phủ xét cần”. Trong các lần sửa đổi, bổ sung sau đó (vào các năm 1993, 2004, 2008, 2012) quy định không kiểm duyệt trước khi xuất bản được giữ nguyên, và luôn được thực thi trong hoạt động của các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách tư nhân.

Thực tế sách là một loại hàng hóa đặc biệt, do đó với tư cách là khách hàng, người đọc cần được bảo vệ quyền lợi khi tiêu dùng. Trong quá trình sách đến tay người đọc, chất lượng sách phụ thuộc vào hai chủ thể là tác giả, đội ngũ biên tập cũng như cán bộ quản lý của các nhà xuất bản. Thời nào cũng vậy, tác phẩm hay trước hết phụ thuộc vào tài năng và đạo đức của tác giả. Tài năng, tri thức uyên bác và sâu sắc, vốn sống phong phú, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, ý thức công dân nghiêm túc và lành mạnh,... luôn là các yếu tố cơ bản nhất bảo đảm cho sự ra đời những tác phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, dù không kiểm duyệt nhưng vì xuất hiện những “vùng cấm” và một số vấn đề “nhạy cảm” cho nên người viết muốn in được sách đều phải tự kiểm duyệt. Thực tiễn hoạt động xuất bản nhiều năm qua cho thấy đã không hề có vùng cấm hoặc vấn đề nhạy cảm nào được đưa ra khiến người viết bắt buộc phải né tránh bởi quy định của cơ quan Đảng hoặc Nhà nước. Có thể thấy rõ điều này qua một số tác phẩm viết về nhân vật lịch sử, về cải cách ruộng đất ở miền bắc nước ta, về những tiêu cực khi chuyển sang cơ chế thị trường như Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh), Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư),... dù đưa vào tiểu thuyết những chi tiết gây tranh luận sôi nổi một thời, nhưng vẫn được phát hành bình thường. Có cuốn sách phát hành đến hàng chục nghìn bản và thậm chí Đội gạo lên chùa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Cánh đồng bất tận được trao giải thưởng văn học ASEAN. Vừa qua, nhân Ngày Thơ Việt Nam năm 2018, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: “Bây giờ thì ở đâu cũng là chân trời cả, chân trời ở ngay dưới chân mỗi người. Vấn đề là người đó có bay được không thôi”. Đúng vậy, chân trời sáng tạo đang rộng mở với mọi người cầm bút, miễn là họ thật sự tài năng, có tâm và nỗ lực lao động sáng tạo vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân,… Đó là cơ sở bảo đảm chắc chắn để tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.

Mặt khác, chất lượng sách còn phụ thuộc vào chất lượng biên tập viên, cán bộ quản lý của nhà xuất bản. Nhiều năm trước đây, đội ngũ biên tập viên và cán bộ quản lý của một số nhà xuất bản có uy tín như Sự thật (nay là Chính trị quốc gia - Sự thật), Giáo dục, Văn học, Kim đồng, Phụ nữ, Măng non (sau này là NXB Trẻ) đều là các tên tuổi được nể trọng với tư cách là tác giả như các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu: Tô Hoài, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Đoàn Giỏi, Tế Hanh, Phạm Hổ, Nguyễn Văn Phú, Thúy Toàn… Họ là đối tác chững chạc và tin cậy, trong nhiều trường hợp được người viết coi như đồng tác giả trong hoạt động sáng tạo của mình. Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng kể lại câu chuyện cách đây gần 40 năm về quá trình xây dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Khoái trong một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có nguồn gốc từ ý kiến góp ý của biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng là nhà văn Hoàng Nguyên Cát. Ông Cát đề nghị nên để tướng Nguyễn Khoái, một người không xuất thân từ hoàng tộc nhà Trần bắn trúng Toa Đô. Như vậy, cuộc chiến tranh chống quân Nguyên xâm lược sẽ mang tính toàn dân hơn, bởi chính sử không khẳng định ai bắn trúng viên tướng giặc. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã chấp nhận ý tưởng của biên tập viên và đưa vào tác phẩm của mình. Đó là một thí dụ nhỏ cho thấy biên tập là công việc thầm lặng, mang tính sáng tạo cao của những biên tập viên, góp phần tôn thêm vẻ đẹp và chiều sâu của tác phẩm. Phải có sự hiểu biết sâu sắc, vốn văn hóa rộng, trách nhiệm công dân và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng mới có thể đồng hành cùng tác giả trong một loại lao động rất đặc thù.

Ngày nay, vai trò của tác giả và mối quan hệ với nhà xuất bản đã có sự thay đổi so với trước đây. Sự xuất hiện của nhiều đơn vị xuất bản tạo điều kiện thuận lợi cho người viết trong việc lựa chọn địa chỉ phù hợp để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Nếu góp ý của biên tập viên hoặc lãnh đạo nhà xuất bản không đủ sức thuyết phục, tác giả có thể đưa tới nhà xuất bản khác. Sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường đặt ra những yêu cầu khắt khe buộc các nhà xuất bản phải hết sức tôn trọng, lắng nghe tác giả, nếu thật sự tác phẩm của họ có giá trị và hứa hẹn sẽ được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Vì vậy, cho rằng biên tập viên chính là thực hiện “kiểm duyệt” tác phẩm e rằng đánh giá đó thiếu hợp lý. Bởi nếu vậy các biên tập viên chắc chắn không thể hợp tác được với tác giả, nhất là tác giả đã thành danh và tạo được sức mua lớn trên thị trường. Việc một số đầu sách có vi phạm, bị cơ quan chức năng xử lý thời gian qua là do vi phạm các điều cấm trong hoạt động xuất bản, quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản, cụ thể như: Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản; in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm… Đây là những điều cấm không chỉ có trong quy định pháp luật với hoạt động xuất bản ở Việt Nam, mà được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, nhằm bảo vệ quyền lợi của độc giả trong việc tiếp cận những tác phẩm có chất lượng và tuân thủ quy trình xuất bản.

Xuất bản dù ở thời đại nào cũng đều hướng tới mục đích thông qua tác phẩm để giúp người đọc trau dồi trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc bản lĩnh, giúp con người hướng thiện và hướng thượng, vượt qua thách thức để sinh tồn và nâng cao chất lượng cuộc sống… Có thể coi đó là “thiên chức” của ngành xuất bản và nếu ngành xuất bản xa rời “thiên chức” của nó, thì chắc chắn cuộc sống sẽ là nơi kiểm duyệt khắt khe nhất thông qua quy luật đào thải khắc nghiệt, công bằng, không loại trừ một ai.

Báo Nhân dân điện tử

(Còn nữa)

NGUYỄN KIỂM

Bình luận