Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế

Ngày đăng: 16/04/2018 - 08:04

Tư tưởng kinh tế lớn nhất của Hồ Chí Minh là phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Người khẳng định: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì!”[1]. Trong bản Di chúc bất hủ, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”[2].

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều luận điểm, tư tưởng chỉ đạo sáng suốt, có tính nguyên tắc về phát triển kinh tế.

Một là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Phân tích đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội... có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”[3].

Hai là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phải quan tâm phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp trong thời kỳ quá độ.

Người chỉ rõ: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp (...) hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”2.

Ba là, trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế.

Người khẳng định: ở thời kỳ quá độ, nền kinh tế nước ta còn tồn tại bốn hình thức sở hữu chính: “Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân. Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Sở hữu của người lao động riêng lẻ. Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”[4].

Về thành phần kinh tế, theo Hồ Chí Minh, trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau: “A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân). B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội). C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội). D- Tư bản của tư nhân. E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh)”[5].

“Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”3.

Bốn là, tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, thời gian, sức lao động.

Người chỉ rõ: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho Nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”[6].

Năm là, trong phát triển kinh tế, phải quan tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đó là những thứ “giặc nội xâm”, đồng minh với giặc ngoại xâm.

Những tư tưởng về xây dựng, phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị đối với Đảng và Nhân dân ta trong nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững hiện nay.

Bài viết trích trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh (Chương trình bồi dưỡng chuyên đề dành cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.612.

[3], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.412, 162.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.373.

[5], 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.293, 294.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.311.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả