Chặn đứng tình trạng thao túng công tác cán bộ, lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người nhà, người thân

Ngày đăng: 20/04/2018 - 09:04

Mấy năm gần đây, tình trạng cán bộ lãnh đạo ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương thao túng trong công tác cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân, người quen của mình vào những chức vụ quan trọng, vị trí công tác dễ “sinh lời”, dù được biện minh là “đúng quy trình” nhưng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến việc xây dựng bộ máy công quyền liêm chính, vì dân, và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Lợi dụng kẽ hở chính sách, bất chấp quy định của Đảng

Trong số 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra hai biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên liên quan đến giải quyết mối quan hệ với người nhà, người thân, đó là: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”[1] (thuộc diện suy thoái về tư tưởng chính trị); và: “Thao túng trong công tác cán bộ;... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”2 (thuộc diện suy thoái về đạo đức, lối sống).

Nhận định trên đây là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì, chưa bao giờ những cụm từ như: “Cả nhà làm quan, cả họ làm quan”, “Bổ nhiệm thần tốc”, “Lên chức siêu nhanh”, “Thăng chức như diều gặp gió”, “lại bổ nhiệm đúng quy trình”... liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như thời gian gần đây. Thậm chí, người dân tỏ ra rất “dị ứng” với cụm từ “đúng quy trình” vì hầu hết các trường hợp “con ông cháu cha” được bổ nhiệm đều được che giấu, biện minh bởi tấm bình phong “đúng quy định, đúng quy trình” nhưng ẩn chứa không ít điều khuất tất, tiêu cực.

Chỉ trong năm 2016, theo thanh tra Bộ Nội vụ, sau khi kiểm tra, rà soát, xác minh các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các trường hợp theo thông tin báo chí phản ánh, cơ quan này đã phát hiện 58/60 cán bộ được bổ nhiệm có quan hệ ruột rà, họ hàng thân thích với cán bộ lãnh đạo. Việc bổ nhiệm “cả nhà làm quan” xảy ra nổi cộm ở 9 địa phương, đơn vị, bao gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

Đó là chưa kể lợi dụng quyền hạn của mình trước khi về hưu, một số cán bộ lãnh đạo đã bổ nhiệm hàng loạt người thân quen vào các vị trí cao hơn. Điển hình như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương trong cơ quan này cách đây 6 năm. Hay vào dịp tháng 3-2014, ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng hai tuần trước khi nghỉ công tác đã ký 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc.

Gần đây nhất, dư luận bất bình trước việc “bổ nhiệm thần tốc” đối với một công chức ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều sai sót cả về quy trình, nguyên tắc và đây là một trong những vụ việc “nổi cộm” về tình trạng thao túng, lộng hành trong công tác cán bộ của một số cá nhân có chức, có quyền ở đây.

Tại sao lại xảy ra tình trạng cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, chị bổ nhiệm em, bác bổ nhiệm cháu, lãnh đạo tùy tiện bổ nhiệm người thân quen, “cánh hẩu” với mình... khiến dư luận bức xức? Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra, đó là: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tiên phong, gương mẫu... Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở... Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”[2].

Đáng nói hơn, hầu hết các trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân “siêu tốc” bị dư luận phanh phui đều liên quan đến những cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Những người này không chỉ lợi dụng các kẽ hở của chính sách, pháp luật, lợi dụng quyền lực của mình để tác động, can thiệp, chi phối, thao túng công tác cán bộ, mà còn bất chấp các quy định của Đảng về việc giải quyết mối quan hệ với người nhà, người thân. Tại Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, đã quy định cán bộ, đảng viên không được: “can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học... trái quy định”; và: “tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi”. Tại Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” cũng nêu rõ: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt “không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi”.

Cần có cơ chế đủ mạnh, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm

Tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân tràn lan không chỉ là biểu hiện nổi cộm của “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, mà còn xuất phát từ tư tưởng phong kiến “cha truyền con nối” vẫn tồn tại dai dẳng trong cán bộ, đảng viên. Hệ lụy gây ra là người tài, người tốt không có cơ hội được sử dụng, đề bạt tương xứng với trình độ, năng lực, cống hiến của họ; còn những người chưa đủ tiêu chí, chưa đạt tiêu chuẩn, ít có đóng góp cho cộng đồng lại được “đãi ngộ” quá sớm, trên mức bình thường. Nguy hại hơn, tình trạng này sẽ tạo thành những “ê kíp” lãnh đạo cục bộ, khép kín, dựng lên những “cánh hẩu” bao che, dung túng khuyết điểm cho nhau, từ đó làm méo mó các mối quan hệ trong nội bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và tác động tiêu cực đến việc xây dựng bộ máy công quyền liêm chính, của dân, do dân, vì dân.

Để góp phần xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền trong sạch và củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ, việc cấp bách hiện nay là sau khi dư luận phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc và có kết luận rõ ràng những trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân sai nguyên tắc, trái quy định, hoặc “đúng quy trình” nhưng thiếu tính thuyết phục, thì phải kiên quyết thu hồi các quyết định bổ nhiệm, đề bạt đó. Điều nhân dân đòi hỏi, mong muốn là phải sớm xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với những cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thao túng công tác cán bộ, bổ nhiệm người nhà, người thân tràn lan; đồng thời, cũng phải có hình thức kỷ luật thích hợp đối với bộ phận tham mưu, thẩm định những quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ tiêu chí, chưa đạt tiêu chuẩn, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Chỉ có siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm cán bộ mới có thể làm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Công tác cán bộ liên quan đến tập thể cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cấp ủy mạnh, có sức chiến đấu cao, có tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thực chất và đặc biệt là có ý thức công tâm, vô tư, liêm khiết trong việc đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ sẽ góp phần ngăn ngừa được tình trạng người đứng đầu lạm dụng quyền hạn trong việc đề bạt người nhà, người thân. Mặt khác, phải sớm nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền trong việc bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, phải phân định rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và mỗi cấp ủy viên trong các quy trình giới thiệu, thẩm định, lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Kiên quyết khắc phục tình trạng khi có khuyết điểm về công tác cán bộ thì đổ lỗi cho tập thể cấp ủy, dẫn tới tình trạng “hòa cả làng”, không ai chịu trách nhiệm cá nhân và “gánh” hậu quả pháp lý khi có sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Từ khi đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Chính phủ (từ năm 2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân khiến dư luận bức xúc; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật cá nhân vi phạm pháp luật và có khuyết điểm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Sau khi nhấn mạnh rằng, yêu cầu công tác cán bộ phải đi tìm người tài chứ không phải tìm người nhà, Thủ tướng cũng mong muốn phải làm sao để con em nông dân, công nhân, người lao động có cơ hội được học tập, phấn đấu để trở thành lãnh đạo đất nước trong tương lai. Thông điệp đó của người đứng đầu Chính phủ không chỉ là lời thức tỉnh, cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai đã, đang lạm dụng quyền hạn của mình để làm sai lệch, biến tướng, thao túng công tác cán bộ, mà còn thể hiện ý chí, cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc nỗ lực hướng tới làm lành mạnh hóa công tác cán bộ, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thiện Văn

Bài viết trích trong cuốn Đẩy mạnh đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr.30, 31-32.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr.26-27.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả