Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ngày đăng: 23/04/2018 - 09:04

IMG 20180321 101245Có thể nói, xây dựng Nhà nước pháp quyền là một yêu cầu tất yếu khách quan ở nước ta và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến nay đã đạt được những thành tựu bước đầu. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một yêu cầu mang tính quy luật, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Cuốn sách Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là một tài liệu chuyên khảo có giá trị, vừa được ra mắt bạn đọc.

Đề cập, đi sâu nghiên cứu một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đó là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với sự đầu tư một cách công phu, tác giả cuốn sách - PGS.TS. Vũ Trọng Lâm đã giúp người đọc có một nguồn tài liệu chuyên khảo hữu ích, cũng như những kiến thức vừa cơ bản, vừa chuyên sâu về vấn đề này.

Toàn bộ nội dung cuốn sách được trình bày một cách hệ thống, với bố cục gồm 3 phần chính: Chương I - Cơ sở lý luận về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chương II - Thực trạng sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay; Chương III - Quan điểm và giải pháp chủ yếu về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ở chương I, thông qua trình bày cơ sở lý luận về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tác giả cuốn sách giúp cho độc giả trả lời được những câu hỏi như: Thế nào là đảng chính trị? Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được thực hiện như thế nào? Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Vì sao phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng? Những tiêu chí, yêu cầu cơ bản để đánh giá đổi mới sự lãnh đạo của Đảng?...

Trong chương II, qua những phân tích sâu sắc của tác giả về thực trạng sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, người đọc có được những hiểu biết cơ bản về quá trình hình thành và phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nắm bắt được những thành tựu cùng những hạn chế trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Từ cơ sở lý luận và những phân tích về thực trạng sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ở chương III, tác giả đưa ra những quan điểm và giải pháp chủ yếu về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cơ sở 6 quan điểm cơ bản yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng phải nhằm: (1) bảo đảm thực hiện các nguyên tắc, yêu cầu cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) bảo đảm sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa sự lãnh đạo của Đảng và chức năng, thẩm quyền của Nhà nước trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật; (3) đáp ứng yêu cầu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội của Nhà nước; (4) bảo đảm thực hiện quyền lực nhân dân, quyền con người, quyền công dân; (5) phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị; (6) bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tác giả đưa ra 8 giải pháp chủ yếu gồm:

1) Đổi mới nhận thức, xác định và thực hiện đúng đắn chức năng, thẩm quyền, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, giữa Đảng và các tổ chức xã hội.

2) Những giải pháp về xây dựng Đảng.

3) Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.

4) Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

5) Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật.

6) Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.

7) Đổi mới xây dựng, ban hành, học tập, nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp ủy đảng.

8) Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi to lớn với rất nhiều cơ hội và thách thức đan xen, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Giao Linh

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả