Biết ơn các thế hệ cha anh

Ngày đăng: 20/02/2019 - 15:02

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, hàng nghìn chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ và nhân dân vùng biên đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ, gìn giữ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Sự hy sinh anh dũng của họ đã viết nên khúc tráng ca bất tử, khẳng định sức mạnh, tinh thần yêu nước và tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Khẳng định tính chính nghĩa cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, đất nước thu về một mối. Đất nước độc lập, thống nhất nhưng thân mình đầy thương tích bởi hậu quả chiến tranh. Người dân Việt Nam không có nguyện vọng nào hơn là xếp vũ khí lại, bắt tay xây dựng cuộc sống mới từ trong đổ nát của chiến tranh. Tuy nhiên, cuộc sống thanh bình như ước vọng của người dân đã không trọn vẹn. Máu lại đổ và thành phố, làng mạc lại bị tàn phá.

Vào rạng sáng 17/02/1979, quân Trung Quốc đã mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Đáp Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến.

Khi đất nước bị đe dọa, khi sơn hà nguy biến thì câu “Nam quốc sơn hà” lại vang động mọi thôn làng, ngõ phố và người lính là những người đầu tiên và cuối cùng sẵn sàng đón nhận hòn tên mũi đạn. Và tất cả là chí khí độc lập, tự do, hòa bình và chủ quyền lãnh thổ, tự lực tự cường luôn truyền đời, hiện hữu trong mỗi người dân Việt Nam. Chính nghĩa và khát vọng ấy đã được đường lối sáng suốt và tài tổ chức của Đảng ta biến thành sức mạnh toàn dân tộc để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Ngay những ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, tất cả những đơn vị, những người lính của chúng ta đều đã thể hiện tinh thần quyết đánh và quyết thắng như lớp lớp ông cha để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta không thể quên hình ảnh những chiến sĩ công an, dân quân, những người mẹ, người chị, những thầy, cô giáo vác từng ống bương, vầu khoét rỗng đựng nước tiếp tế cho bộ đội trên những điểm cao ở Cao Lộc, Tràng Định. Cũng chính các mẹ là những người đưa tiễn các anh đến nơi yên nghỉ trong những nghĩa trang nằm ven các ngọn đồi, cánh đồng biên ải… Chúng ta vẫn nhớ những tháng năm ấy là những đoàn người ra trận trong đó có những người lính từng vượt Trường Sơn năm xưa tái ngũ sát cánh cùng những chàng trai mười tám, đôi mươi. Lại có những người đã vào độ tuổi 50, 60 cũng làm đơn tình nguyện ra mặt trận… 

Cuộc chiến đấu diễn ra trong vòng một tháng. Tuy nhiên, những xung đột còn kéo dài 10 năm sau đó, cho đến năm 1989.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, hàng nghìn chiến sỹ Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân vùng biên đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ, gìn giữ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Sự hy sinh anh dũng của họ đã viết nên khúc tráng ca bất tử, khẳng định sức mạnh, tinh thần yêu nước và tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam.

Mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam

“Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam” - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định tại buổi gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cũng tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định: “Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với trách nhiệm đó, hệ thống chính sách ưu đãi người có công luôn được bổ sung hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ và điều kiện kinh tế của đất nước”.

Những người còn sống, những thương, bệnh binh tuy mang thương tật trên mình vẫn đã và đang không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm là để khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo ấy; tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân, nhất là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Theo TTXVN

Bình luận