Chống "bệnh nêu gương giả tạo"

Ngày đăng: 01/11/2018 - 16:11

Kết quả thực hiện nêu gương thời gian qua chưa đạt yêu cầu do một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những lãnh đạo cấp cao thiếu gương mẫu trong học tập, rèn luyện, không giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó đã xuất hiện biểu hiện "nêu gương giả tạo" và đang ngày càng lan rộng.

Ðó là bề ngoài giữ lối sống giản dị, nhà cửa, xe cộ bình thường, ăn mặc xuề xòa nhưng có tài sản rất lớn do tham nhũng, đục khoét công quỹ, ăn chia dự án. Ở cơ quan thì khiêm tốn, giản dị, nhưng đến nơi khác thì ăn chơi xa hoa. Có những cán bộ luôn đi làm đúng giờ, kêu gọi cơ quan đoàn kết, hô hào đổi mới tác phong làm việc nhưng bên trong ganh ghét, đố kỵ, hãm hại người có năng lực. Một số người đi đâu cũng nói về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng bản thân vơ vét công quỹ vào túi riêng, bao che, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng tham nhũng. Có nhiều biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp khiến cho nhân dân mất lòng tin. Ðó là những người "nêu gương giả tạo".

Những biểu hiện "nêu gương giả tạo" đã được chỉ ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QÐ/TW (ngày 25-10-2018) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định này nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện tám nội dung và phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tám nhóm biểu hiện lệch lạc. Trong đó có yêu cầu, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ; không được sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí. Người lãnh đạo phải nêu gương về dân chủ, khách quan, công tâm khi giải quyết công việc, có quyết tâm làm việc cao, kể cả việc mới, việc khó…

Việc nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trực tiếp góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức xã hội. Quan điểm, cách làm này được đông đảo đảng viên và các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, thành thói quen, giá trị xã hội thì cần chú trọng xây dựng môi trường (chính trị, đạo đức, làm việc, pháp lý…) và tạo các điều kiện thuận lợi để việc nêu gương khả thi, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần hành động quyết liệt, thực chất, cần có sự giám sát chặt chẽ, sự hưởng ứng và làm theo của các tầng lớp nhân dân.

Hà Hồng Hà

Theo Báo Nhân dân

Bình luận