Chống “chạy chức, chạy quyền” - một giải pháp chống tham nhũng trong công tác cán bộ

Ngày đăng: 11/10/2018 - 19:10

“Chạy chức, chạy quyền” là hình thức biểu hiện cụ thể của tham nhũng trong công tác cán bộ, phản ánh một phương diện của suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Vì vậy, chống “chạy chức, chạy quyền” là một hoạt động cơ bản của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong công tác cán bộ.

“Chạy” vốn hàm nghĩa chỉ một trạng thái vận động cơ học của động vật và con người, nhưng khi được gắn với “chức”, “quyền” thì “chạy chức, chạy quyền” lại mang tính chính trị - xã hội với ý nghĩa tiêu cực của xã hội loài người. Bản chất của “chạy chức, chạy quyền” là dùng các thủ đoạn, mánh lới, quan hệ, tiền bạc, vật chất... để đạt được mục đích mang tính vụ lợi.

Ảnh minh họa - Nguồn: vov.vn

“Chạy chức, chạy quyền” tạo ra một tiền lệ xấu trong công tác cán bộ, làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng ta rất chú trọng đến các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, đặc biệt là “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã xem tình trạng “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”, “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đề ra nhiệm vụ: “hoàn thiện các quy định, quy chế; đồng thời, cương quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, không có “vùng cấm””. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, về Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng đã khẳng định quyết tâm: “Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền”; “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”.

“Chạy chức, chạy quyền” - tệ nạn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhức nhối trong xã hội

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xem việc xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề hệ trọng, là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tuy vậy, trong những năm gần đây, các biểu hiện “chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tệ nạn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhức nhối trong xã hội. Tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn khi các đối tượng không chỉ “chạy” cho mình mà khi đã tìm được “chỗ đứng” còn “chạy” cho cả những người thân quen... “Chạy chức, chạy quyền” nhiều lúc, nhiều nơi diễn ra có hệ thống, có tổ chức, có đường dây, bằng cả trao đổi các yếu tố vật chất và phi vật chất... Hệ quả là các đối tượng tham gia “chạy chức, chạy quyền” liên kết thành bè cánh, phe nhóm, đường dây, “nhóm lợi ích”, “cánh hẩu”. Đó chính là các nhóm lợi ích kinh tế có quan hệ chặt chẽ với nhóm lợi ích chính trị kiểu “chủ nghĩa gia tộc” hay “chủ nghĩa thân hữu”. Tình trạng “chạy chức, chạy quyền” diễn ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức, mức độ, phạm vi, tính chất khác nhau:

“Chạy chức, chạy quyền” diễn ra ở phạm vi rộng: Nó không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế mà còn hiện hữu ở các lĩnh vực khác, như chính trị, tư pháp, giáo dục... Mục tiêu của “chạy chức, chạy quyền” là hướng tới chức vụ, quyền hạn có khả năng mang lại lợi ích cá nhân, cục bộ. Nhưng khi không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thì trước đó người ta phải “chạy bằng cấp”, “chạy thành tích”, thậm chí cả “chạy tuổi”... để có một hồ sơ nhân sự “đẹp”. 

“Chạy chức, chạy quyền” ở mọi cấp độ: Chúng ta đã chứng kiến những trường hợp “chạy” điểm từ khi đi học, “chạy” việc, “chạy” hợp đồng, “chạy” biên chế, “chạy” chỗ trước khi quy hoạch, “chạy” chức trước khi bổ nhiệm, “chạy” để lên vị trí cao hơn, “chạy” luân chuyển sang chỗ nhiều “lộc” hơn, nhiều quyền hơn, “chạy” tuổi để kéo dài thời gian công tác, “chạy” tội khi bị điều tra, xét xử... Vụ việc sửa điểm thi ở một số địa phương trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 vừa qua là một minh chứng cho thấy tệ “chạy” đã trở nên hết sức nghiêm trọng. Đây không chỉ đơn thuần là “chạy” điểm thi để tốt nghiệp phổ thông trung học, mà bản chất sâu xa là “chạy” điểm cao để được vào học các trường đại học danh tiếng, làm “bệ đỡ” cho cả một quá trình công tác lâu dài sau này, thậm chí có tính quyết định đến sự nghiệp của cả đời người. Hay việc một số cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc” thời gian qua đã tạo ra tâm lý bước vào quan lộ càng sớm càng có cơ hội lên cao, cơ hội làm giàu sớm. Từ cấp cơ sở ở địa phương đến Trung ương đã có không ít những trường hợp như vậy. 

“Chạy chức, chạy quyền” diễn ra ở nhiều khâu trong công tác cán bộ: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã chỉ ra hiện tượng: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu thẳng vấn đề: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?...”. Rõ ràng, việc “chạy chức, chạy quyền”, tệ tham nhũng đã chi phối tới nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn đối tượng đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm. Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình của tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”. Vốn chưa phải là một cán bộ có năng lực nhưng nhờ “chạy thành tích” mà được công nhận các danh hiệu thi đua, rồi từ các thành tích, danh hiệu này lại tiếp tục “chạy chức, chạy quyền”. Rõ ràng, việc đánh giá cán bộ ở đây là không thực chất, việc quy hoạch cán bộ, đưa đi luân chuyển cũng chưa đúng quy trình... 

Những hệ lụy của tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”

Hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” phản ánh những lỗ hổng, khiếm khuyết trong công tác cán bộ đã phát sinh tiêu cực. “Chạy chức, chạy quyền” khi chúng trở nên phổ biến, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, tập quán tốt đẹp, thì biến thành tệ nạn xã hội và khi gây tác hại nghiêm trọng, đe dọa đến các nguyên tắc luật lệ, trật tự kỷ cương, luật pháp, ổn định chính trị - xã hội, thì chuyển hóa thành tội phạm xã hội. Tệ nạn này diễn ra trong một thời gian dài không được chấn chỉnh kịp thời đã dẫn đến tình trạng một số cán bộ vốn là sản phẩm của “chạy chức, chạy quyền” và khi có quyền cao, chức trọng họ lại tiếp tục “bảo kê”, dung dưỡng tệ “chạy chức, chạy quyền”. Con đường “chạy chức, chạy quyền” mà họ đã từng trải qua trở thành “quan lộ” tất yếu mà họ mặc nhiên ấn định cho cấp dưới, nếu ai không theo thì bị loại khỏi “cuộc chơi”. Tình trạng mất sức chiến đấu của cấp ủy đảng nhiều nơi làm cho thói độc đoán, chuyên quyền không bị ngăn chặn, kiểm soát; những người có trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị bị vô hiệu hóa; những người làm công tác tổ chức cán bộ trở nên bị động, mất đi tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm được giao. Hệ quả của nó là người có đức, có tài, có kỹ năng quản lý bị chối bỏ và tệ “chạy chức, chạy quyền” có điều kiện bùng phát ngày càng nghiêm trọng trong xã hội...

1- Làm suy giảm năng lực lãnh đạo của Đảng và đánh mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ.

Công tác cán bộ là nhằm chọn ra những người ưu tú, vượt trội, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức. Đây là một công việc đòi hỏi danh dự, nhân phẩm, lương tri của những người có thẩm quyền trước Đảng, trước Tổ quốc, trước nhân dân... nhưng khi vướng vào tình trạng “chạy chức, chạy quyền” lại trở thành “bạn đồng minh” của tệ nạn xã hội. Tham nhũng trong công tác cán bộ đã làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng. Theo lô-gíc thông thường, cán bộ là đội ngũ tinh hoa của xã hội, trở thành người lãnh đạo và dẫn đạo quần chúng, nhưng khi được hình thành thông qua quan lộ “chạy chức, chạy quyền” thì họ không xứng đáng với danh hiệu tinh hoa, bị xã hội lên án, không đủ uy tín trước nhân dân. Vì vậy, suốt một thời gian dài, nhiều cán bộ chưa đủ năng lực, thiếu phẩm chất đạo đức lại được đề bạt, bổ nhiệm “thần tốc”. Do đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy: (1) Đối với công việc, cán bộ lên chức nhờ chạy chọt vốn không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc nên hiệu quả công tác thấp, thậm chí mắc sai lầm. Do lên chức quá dễ dàng, không phải bằng năng lực của chính mình, nên họ dễ sa vào lộng quyền, lạm quyền, rồi nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong thực thi công vụ, tạo bức xúc trong xã hội, làm mất lòng tin trong quần chúng nhân dân vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; (2) Đối với đồng nghiệp, họ làm mất động lực phấn đấu của những cán bộ nghiêm túc làm việc, khiến không ít cán bộ chán nản, không tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, mà tìm cách “chạy” để được lên chức. Ngay kể cả cán bộ có khả năng cũng mai một trình độ chuyên môn, không tự tin vào năng lực của bản thân mình, rồi nảy sinh tính cơ hội... (3) Đối với các tổ chức, họ coi thường và công khai vi phạm các nguyên tắc tổ chức, làm suy yếu tổ chức đảng, mất uy tín của tập thể; (4) Đối với bản thân, họ không phải trải qua quá trình rèn luyện nên tính tự cao, tự đại, tự mãn nảy nở, dễ sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô cho thấy, chính những sai lầm về công tác cán bộ đã tác động đến ý thức hệ tư tưởng, tạo cơ sở cho “diễn biến hòa bình” diễn ra nhanh chóng ngay trong đội ngũ cán bộ cấp cao. 

Khi số lượng người “chạy chức, chạy quyền” ngày càng đông thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt đối với tầm vĩ mô, khi cán bộ cấp chiến lược không phải là những người tinh hoa sẽ kéo tụt sự phát triển của xã hội, thậm chí trở thành nguồn cội của những sai lầm trong các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.

2- Làm mất sức chiến đấu của đảng viên và suy yếu tổ chức đảng

Trước hết, đối với các tổ chức đảng: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu yếu kém của các tổ chức đảng vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả, góp phần không nhỏ khiến tệ “chạy chức, chạy quyền” ngày càng trầm trọng. Không ít trường hợp, các tổ chức đảng chỉ còn là nơi để cá nhân người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị, hợp thức hóa các quyết định vụ lợi của cá nhân. 

Thứ hai, đối với đảng viên: Sức chiến đấu của chi bộ yếu kém cũng đồng nghĩa với sự giảm sút sức chiến đấu của từng cá nhân đảng viên. Một khi đảng viên có tâm lý “dĩ hòa vi quý”, “ngại va chạm”, nể nang, né tránh thì tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ chỉ còn mang tính hình thức. Tình trạng phổ biến ở không ít nơi là thấy người đứng đầu nói gì cấp dưới cũng nhất trí, cá nhân thủ trưởng quyết gì tập thể đều “đồng thuận”, kể cả biết đó là quyết định sai trái, nên vai trò tập thể bị vô hiệu hóa, vô hình chung tiếp tay, “đồng lõa” với những quyết định sai lầm. 

Giải pháp chống “chạy chức, chạy quyền” trong thời gian tới

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và bảo vệ chính trị nội bộ

Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đề cao lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không “chạy chức, chạy quyền”. Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tham nhũng trong công tác cán bộ làm băng hoại đạo đức xã hội, kỷ luật, kỷ cương và luật pháp, nhất là đối với tính chính đáng cầm quyền của Đảng... để đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi “chạy chức, chạy quyền”. 

Hoàn thiện quy chế bảo vệ chính trị nội bộ trong từng cơ quan, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ cương lĩnh và đường lối của Đảng, giữ vững nền tảng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Khi có dư luận không tốt về cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược, cần nhanh chóng thẩm tra, kết luận nhằm bảo vệ sự trong sạch cho cán bộ, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng cơ hội chính trị.

Hai là, đổi mới các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ để tiền lương thực sự trở thành thu nhập chính gắn với ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các lợi ích phi chính thức, bất hợp pháp có được nhờ chức vụ, quyền hạn, chống đặc quyền, đặc lợi. 

Các đối tượng “chạy chức, chạy quyền” được ví như các “nhà đầu tư” vận hành theo các nguyên lý của “kinh tế ngầm”. Theo kinh tế học, khi ai đã bỏ ra chi phí nào đó cho mục đích “đầu tư” thì đều phải giải quyết bài toán lợi ích. Nói giản đơn, chỉ khi có lợi nhuận thì mới quyết định đầu tư. Những người muốn được lên chức nhanh cũng bởi họ thấy hấp dẫn trước những lợi ích giành được khi “chạy chức, chạy quyền” thành công. Do cơ chế vận hành của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện và chính sách đối với cán bộ (tiền lương, tiền thưởng, dưỡng liêm, nhà ở...) chưa dung nạp được mục tiêu phòng, chống tham nhũng, thậm chí còn tạo lỗ hổng khuyến khích cán bộ “chạy chức, chạy quyền”, vì kết quả mang lại là những lợi ích to lớn và được “hợp pháp hóa”. Vì vậy, để chống “chạy chức, chạy quyền” trước hết phải đổi mới căn bản chính sách tiền lương theo nguyên tắc tiền lương phải trở thành thu nhập chính, bảo đảm cán bộ nuôi chính bản thân mình và gia đình; chính sách khen thưởng phải đúng người, đúng việc gắn với mức thưởng xứng đáng, khắc phục chủ nghĩa bình quân, hình thức. Ban hành chính sách nhà ở thống nhất trên toàn quốc đối với cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy chạy” và gây bất bình đẳng giữa đội ngũ cán bộ, công chức tồn tại bấy lâu. Nghiên cứu chế độ dưỡng liêm, dưỡng đức đối với cán bộ, công chức như trong quan chế nhà nước quân chủ hay kinh nghiệm nhiều nước đã áp dụng thành công. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ thu nhập, tài sản thông qua một cơ chế minh bạch, bảo đảm mọi tài sản của cán bộ, công chức đều phải bị giám sát, xử lý theo quy định pháp luật nếu không có khả năng giải trình. Đó là cơ sở cho kiểm soát các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để kiếm chác các lợi ích phi chính thức, bất hợp pháp của cán bộ, công chức. Sửa đổi cơ chế, chính sách, chấm dứt các đặc quyền, đặc lợi - môi trường dung dưỡng cho chạy chức, chạy quyền - thông qua tiền lương hóa mọi chế độ, chính sách đãi ngộ. Chỉ khi chức vụ, quyền hạn không mang lại lợi ích “kinh tế ngầm”, phi pháp dưới dạng vật chất hay phi vật chất, thì mới ngăn chặn được từ gốc các tệ nạn, trong đó có tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”. 

Ba là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ bằng thể chế, cơ chế

Đó là xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế không chỉ tạo điều kiện, môi trường cho cá nhân tự giác tuân thủ pháp luật, nguyên tắc tổ chức, mà còn dựng lên một hành lang pháp lý để không ai có thể vượt qua. Đó cũng là những thể chế, cơ chế đủ sức trừng trị, răn đe, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Thể chế, cơ chế càng cụ thể càng giúp mọi thành viên tổ chức và xã hội dễ kiểm soát hành vi bản thân, đồng thời thuận lợi cho xử lý các vi phạm.

Hệ thống thể chế, cơ chế đó phải đột phá vào những khâu còn tạo lỗ hổng cho “chạy chức, chạy quyền”. Công khai, minh bạch các khâu, các hoạt động của công tác tổ chức và cán bộ, xóa bỏ quan niệm xem công tác cán bộ là bí mật, nhạy cảm - điều kiện cho giám sát công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, của tập thể cấp ủy, của người giới thiệu, của cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức - cán bộ, đối với các trường hợp được bổ nhiệm, luân chuyển, điều động. Đẩy nhanh việc bố trí bí thư cấp ủy tỉnh, huyện không phải là người địa phương để hạn chế, khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, dòng họ, cục bộ địa phương. Trên cơ sở thí điểm, cần sớm đẩy mạnh và mở rộng áp dụng hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thứ trưởng trở xuống. 

Bốn là, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và phát huy dân chủ rộng rãi

Một trong những quan điểm cơ bản được nhấn mạnh gần đây là Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, từng khâu trong công tác cán bộ phải gắn với trách nhiệm từng tập thể cấp ủy, từng cá nhân người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị:

Người tiến cử, giới thiệu: Vấn đề này cần được công khai hóa, minh bạch hóa và thể chế hóa. Ban hành một quy chế, quy định riêng về tiến cử, bảo cử, giới thiệu với đầy đủ các quy định chặt chẽ về tư cách, hiệu quả làm việc, uy tín của người giới thiệu, tiến cử; các điều kiện, tiêu chuẩn, tư cách, phẩm chất, hiệu quả công việc trước đây được lượng hóa của người được giới thiệu, tiến cử; các quy định cụ thể người tiến cử, bảo cử không được có quan hệ thân tộc, thân hữu..., đồng thời có cơ chế xử lý người giới thiệu nếu cán bộ do mình giới thiệu không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng,... Tức là, buộc người tiến cử, bảo cử phải lấy danh dự, nhân phẩm và chức vụ của chính mình ra để bảo đảm. 

Xây dựng cơ chế để nhân dân phát hiện, tiến cử những người có đức, có tài, có nguyện vọng cống hiến làm việc cho các cơ quan đảng, nhà nước và đoàn thể.

Người đánh giá cán bộ: Cần có quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân và tập thể trong đánh giá cán bộ (gồm cả đánh giá cán bộ cấp trên và cấp dưới). Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cả cá nhân và trách nhiệm đứng đầu tập thể. Nếu có dấu hiệu thiên lệch, trù úm, đánh giá thiếu chính xác vì mục đích cá nhân thì phải có biện pháp xử lý, đồng thời có đánh giá lại để bảo đảm tính công bằng, minh bạch đối với cán bộ, bảo đảm cơ sở về lâu dài cho công tác cán bộ. Có quy định cụ thể thì cán bộ mới phát huy được vai trò cá nhân, tránh được tình trạng độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu.

Người ký quyết định luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ: Quy định trách nhiệm cụ thể để người ký quyết định có trách nhiệm với công tác cán bộ như đối với chính bản thân mình. Bộ phận tham mưu giúp việc cũng phải phát huy hết trách nhiệm tìm hiểu rõ về cán bộ trước khi đưa vào danh sách luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các quy định, như quy định về cấm các hành vi đưa và nhận hối lộ trong mọi khâu của công tác cán bộ; quy định chế độ hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; quy định về xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm hoặc tiếp tay cho sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao theo tinh thần không có “vùng cấm”. Nhìn chung, việc luân chuyển, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ phải được bảo đảm các yếu tố cần thiết để thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Đảng, các tổ chức đoàn thể.

Năm là, quản lý chặt chẽ cán bộ gắn với tăng cường trách nhiệm các cấp theo thẩm quyền phân công, phân cấp

Xác định rõ từng cấp quản lý cán bộ, trong đó nhấn mạnh quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm. Bộ Chính trị đã ban hành quy chế quản lý cán bộ, quy định về phân cấp quản lý cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với các cấp ủy, các tổ chức đảng(6). Theo đó, cấp ủy, cấp ủy viên và thủ trưởng quản lý cán bộ phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và thủ trưởng cấp trên về việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ thuộc quyền quản lý của mình. Chi bộ, đảng bộ có trách nhiệm quản lý cán bộ là đảng viên thuộc chi bộ, đảng bộ mình (kể cả đảng viên là cán bộ cấp cao), đây là các cấp có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, phát hiện hành vi “chạy chức, chạy quyền”, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Trách nhiệm đối với công tác cán bộ theo phân cấp, bao gồm cả trách nhiệm xử lý các sai phạm. Nếu ở các khâu trên đây thể hiện tính phòng ngừa, ngăn chặn thì xử lý ở hành vi sai phạm khi đã bị phát hiện chính là thể hiện thái độ kiên quyết, đấu tranh trực diện để tạo nên tính răn đe đối với tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”. Khi phát hiện sai phạm, bất luận ở cấp nào, đều không được bưng bít thông tin, mà phải công khai cho báo chí tiếp cận và xử lý kỷ luật Đảng không được thay thế cho xử lý của Nhà nước theo pháp luật. Chức vụ càng cao càng phải xử lý nghiêm minh theo nguyên tắc “không có vùng cấm”. 

Sáu là, thường xuyên thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan dân cử, của xã hội, của báo chí đối với công tác cán bộ, đấu tranh chống “chạy chức, chạy quyền”. 

Đây phải được xem là công tác đặc biệt quan trọng, phải tiến hành hai chiều: cấp trên kiểm tra đối với cấp dưới và cấp dưới giám sát đối với cấp trên. Hoạt động kiểm tra, thanh tra phải vừa thường xuyên, liên tục, vừa định kỳ, đột xuất theo chuyên đề..., đặc biệt, phải song hành với từng bước, từng khâu của toàn bộ quy trình công tác cán bộ. Trong bối cảnh hiện nay, phải đặc biệt phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt coi trọng các phản ứng xã hội từ phía quần chúng đối với các biểu hiện “cả họ làm quan” hay tình trạng “chạy chức, chạy quyền” theo “dây” trong công tác cán bộ. Giám sát của xã hội bao gồm từ hành vi của người có thẩm quyền trong luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm đến những người tham mưu công tác cán bộ, các đối tượng “chạy chức, chạy quyền”, những đối tượng “đứng sau hậu trường” giật dây kiểu “lợi ích nhóm”. Đồng thời, phải đề cao vai trò của báo chí trong giám sát, đấu tranh với tệ “chạy chức, chạy quyền”, tạo ra áp lực dư luận đối với các hành vi sai trái cả về mặt pháp lý và đạo lý, cổ vũ, tuyên dương những mô hình, cách làm mới phản ánh dân chủ trong công tác cán bộ, trọng dụng nhân tài.

Nguyễn Thị Mai Anh

TS. Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả