Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII

Ngày đăng: 31/10/2018 - 15:10

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 132/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cán bộ là nhân tố quyết định

Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. 

Nghị quyết yêu cầu thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Mục tiêu Nghị quyết đề ra là: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó là kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; Thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu. Xác minh, xử lý kịp thời, hiệu quả, hợp lý thông tin phản ảnh từ các tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm; Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm"; Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hoá không chạy chức, chạy quyền. 

Nghị quyết yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khẩn trương thể chế hoá các nội dung Nghị quyết, nhất là những việc cần phải làm ngay; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.

Kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 132/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06-6 năm 2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. 

Mục tiêu đề ra là tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW và Kế hoạch số 10-KH/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 26-NQ/TW và những việc cần phải làm ngay theo Kế hoạch số 10-KH/TW.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; xây dựng Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác quản lý cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền...

Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật, nghị quyết có liên quan đến tổ chức bộ máy và công tác cán bộ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua trong năm 2018, 2019. Trong đó, chú trọng tới các quy định về: thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ; kiểm soát quyền lực; kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức; làm rõ nguyên tắc, cơ chế liên thông trong công tác cán bộ nhằm bảo đảm sự liên thông trong hệ thống chính trị, nhất là liên thông giữa hệ thống các cơ quan đảng và chính quyền, giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công với nguồn nhân lực ở khu vực tư; xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiến tới bỏ chế độ “công chức suốt đời”; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững; các nội dung về thi đua, khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, khắc phục tình trạng chia tỷ lệ, cào bằng.

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình rà soát đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý để xác định các đối tượng trong từng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đáp ứng được các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, phù hợp về độ tuổi, tỉ lệ nữ và dân tộc thiểu số, có tính đến kế thừa và chuyển tiếp trong từng giai đoạn cụ thể.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên, đồng thời chú trọng tạo lập môi trường làm việc dân chủ, cạnh tranh, bình đẳng, tạo mọi điều kiện để phát huy trí tuệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các cơ quan thuộc hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau tạo sự liên thông trong công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu trong việc tiến cử người có đức, có tài để đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình; hoàn thiện cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm"... trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Duy Duẩn

Theo Tạp chí Cộng sản

 

Bình luận