Dấu ấn trong quan hệ song phương Việt - Triều

Ngày đăng: 07/03/2019 - 15:03

"Việc ông Kim Jong Un thăm chính thức Việt Nam sẽ là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương, vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên tới Việt Nam kể từ chuyến thăm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tới Hà Nội năm 1964 (đây là chuyến thăm không chính thức - PV)", tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) tại Singapore, nhận định.

Một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam

Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31/1/1950, Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm Triều Tiên vào tháng 7/1957 trong khi Chủ tịch Kim Nhật Thành hai lần thăm Việt Nam vào các năm 1958 và 1964.

Trong ảnh, ông Kim Nhật Thành (phải) và ông Lê Duẩn (giữa, không đội mũ) trên tàu thăm phong cảnh vịnh Hạ Long, Quảng Ninh vào năm 1964. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Dấu mốc tương tự năm 1958

Cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức nói rằng lần cuối cùng một nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên thăm Việt Nam là năm 1958, tức đã hơn 60 năm, quan hệ Việt - Triều mới có một dấu mốc tương tự.

"Lần duy nhất ông Kim Nhật Thành thăm chính thức Việt Nam là năm 1958. Sau đó, ông Kim Yong Nam, chủ tịch Thường vụ Quốc hội - chức danh được xem là nguyên thủ, có thăm chính thức Việt Nam vào năm 2001, nhưng chuyến thăm của một người lãnh đạo đảng, người cao nhất và tương đương với ông Kim Nhật Thành năm xưa thì phải đợi đến lần này", ông Thức nói với Zing.vn.

Trong ảnh, Người dân thủ đô chào đón đoàn xe chở lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ông sang thăm Việt Nam từ ngày 28/11-2/12/1958. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Dấu ấn trong quan hệ song phương

"Việc ông Kim Jong Un thăm chính thức tới Việt Nam sẽ là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương, vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên tới Việt Nam kể từ chuyến thăm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tới Hà Nội năm 1964 (đây là chuyến thăm không chính thức - PV)", tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) tại Singapore, nhận định với Zing.vn.

Quan hệ thương mại song phương

Hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng như, gần đây có Hiệp định thương mại (tháng 5/2002), Hiệp định tương trợ tư pháp (tháng 5/2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 5/2002).

Về thương mại, kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2014 của Việt Nam và Triều Tiên đạt 8 triệu USD, năm 2015 đạt 11,6 triệu USD (trong đó xuất khẩu sang Triều Tiên là 6,13 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên là 5,47 triệu USD). Năm 2016, tổng giá trị thương mại đạt 2,99 triệu USD và toàn bộ số đó là kim ngạch xuất khẩu của ta sang Triều Tiên.

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo); 9 tháng đầu năm 2018, xuất sang Triều Tiên 497.000 USD và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên.

Truyền thông Triều Tiên đưa tin về kết quả hội nghị Mỹ - Triều

Báo Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên hôm 1/3 đã dành 2 trang đầu để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội. Bài viết đăng nhiều hình ảnh về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói sự kiện "có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng lòng tin".

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) đề cập nhiều lần đến các mục tiêu của hội nghị như xây dựng mối quan hệ mới và "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên.

Cuộc đàm phán ngày 28/2 "là dịp quan trọng để làm sâu sắc sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới", và hai bên cũng sẽ "tiếp tục các cuộc đối thoại để giải quyết các vấn đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội", KCNA tường thuật.

BT: Tấn Đức

(Theo Thông tấn xã Việt Nam – Truyền thông Triều Tiên)

Bình luận