Giới thiệu một số sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 07/05/2018 - 14:05

Đây là các tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách của các học giả uy tín, của những người thân cận với Bác Hồ viết về Người. Qua những kỷ niệm, sự kiện, những mẩu chuyện được góp nhặt, chuyển tải bằng những cảm xúc, tình cảm dạt dào, bằng tất cả lòng kính trọng, ngưỡng mộ nhưng rất chân thành, toàn bộ chân dung một con người vĩ đại mà thật gần gũi, cao cả mà thật bình dị dường như được khắc họa lại thật rõ ràng, nổi bật.

Cuốn sách Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm có tính định hướng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thời đại mới, được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết trong thời gian tập trung chuẩn bị cho Chiến dịch Thu Đông, đến tháng 10-1947 thì hoàn thành và được Nhà xuất bản Sự thật (tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hiện nay) xuất bản lần đầu tiên năm 1948 với bút danh X.Y.Z. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc với quan điểm cốt lõi: coi cán bộ là gốc của mọi công việc và huấn luyện, giáo dục tư cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ phải là công việc gốc của Đảng. Trong tác phẩm, Bác chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, những thói hư tật xấu của một số cán bộ, đảng viên lúc đó, đến nay, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn, là bài học bổ ích, thiết thực trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Cuốn sách Về tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” gồm tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số bài viết của các nhà khoa học nghiên cứu về tác phẩm quan trọng này, đã được công bố nhân dịp kỷ niệm 40 năm tác phẩm ra đời. Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân là di huấn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho công bố trên báo Nhân dân đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1969). Nội dung tác phẩm đề cập hai vấn đề lớn là đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân. Nêu bật những ưu điểm của cán bộ, đảng viên, Người cũng chỉ rõ những khuyết điểm, thiếu sót của họ, thẳng thắn vạch rõ sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biện pháp cụ thể, toàn diện và kiên quyết nhằm khắc phục những ảnh hưởng xấu của chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bên cạnh việc giới thiệu tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bằng nhiều cách tiếp cận khoa học, các bài viết trong cuốn sách Về tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đã làm rõ hơn lịch sử ra đời, vai trò, ý nghĩa của tác phẩm và khẳng định:Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một di huấn tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay.

Ngoài những tác phẩm nổi tiếng do chính Người viết, còn có nhiều tác phẩm cũng được viết lại từ chính những người đã từng được làm việc, tiếp xúc với Người như: Vừa đi đường vừa kể chuyệncủa tác giả T. Lan, tác phẩm Phong cách Bác Hồ đến công sở của nhà báo Hồng Khanh.

Vừa đi đường vừa kể chuyện ghi lại một số mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Người kể trên đường ra mặt trận trong chiến dịch Biên giới 1950. Đó là những câu chuyện giản dị, đầy xúc động, giúp người đọc hình dung về dòng chảy hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác khoảng từ năm 1923 đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.

Phong cách Bác Hồ đến công sở được viết qua lời kể của các đồng chí nhiều năm được sống và làm việc cùng Bác, nhà báo Hồng Khanh đã ghi lại những câu chuyện với những lời dặn dò ăn cần thăm hỏi, sự quan tâm sâu sắc của Bác khi đi thăm cơ sở, từ trên mặt trận, ra cánh đồng, vào xưởng máy, dự lớp học đến vui đón Tết. Mỗi câu chuyện đều toát lên phong cách giản dị, gần gũi nhưng rất tinh tế của Người, làm nổi bật lên hình ảnh, chân dung của một vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước.

Đặc biệt, gắn liền với mỗi quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tên gọi, bí danh hay bút danh khác nhau. Cuốn sách Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh tập hợp, đã phần nào góp phần phản ánh nhân cách, tư tưởng lớn lao của Người về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi tên gọi, bí danh hay bút danh của Người đều có một ý nghĩa riêng, đều gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước, với cột mốc, chặng đường cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách đã tập hợp và giới thiệu đến bạn đọc 174 tên gọi, bí danh và bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số thông tin cần thiết xoay quanh mỗi tên gọi đó.

Đây chỉ là con số rất ít những tác phẩm hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt trong thời gian qua. Bạn đọc còn có thể tìm thấy rất nhiều những câu chuyện vui, cảm động, những phác họa chân thực, những phẩm chất cao đẹp, đáng học tập từ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều tác phẩm khác của Người và các tác phẩm viết về Người do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản. Để phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của mình, độc giả có thể tìm mua ở các nhà sách trên toàn quốc cũng như có thể tìm đọc, nghiên cứu tại Thư viện quốc gia và thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả