Hình ảnh con lợn trong văn hóa Việt Nam

Ngày đăng: 19/03/2019 - 15:03

Con lợn (heo, ỉn, trư, hợi) là loại vật đã gắn bó lâu đời, có sự gần gũi với đời sống con người, là con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, ca dao, hội họa dân gian, và là một biểu tượng. Trong văn hóa phương Đông, lợn đứng cuối cùng trong 12 con giáp, biểu tượng cho sự phồn thực, nhàn nhã, sung túc. Người ta còn dùng hình ảnh con lợn như một biểu tượng về sự sung túc tài chính. Ngoài ra, thịt lợn với nhiều cách chế biến cũng là món ăn quan trọng trong văn hóa ẩm thực thường ngày hay ở những buổi lễ long trọng của người dân Việt Nam.

Lợn nói chung là một chi động vật móng guốc có nguồn gốc ở đại lục Á - Âu được gộp nhóm tổng thể với danh pháp khoa học là Sus, thuộc họ Lợn (Suidae). Lợn rừng đã được thuần hóa và được nuôi như một dạng gia súc để lấy thịt cũng như da. Theo giới nghiên cứu, ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng có 2 loại lợn rừng chủ yếu: Lợn bạc má (Sus Vittatus) và lợn sọc dưa (Sus Cristatus). Răng nanh lợn lòi, lợn cỏ, lợn rừng được con người từ ngàn xưa đến nay, từ Tây Bắc, Tây Nguyên, Việt Bắc... dùng chế tác làm đồ trang sức (mài, cưa, đục, xuyên lỗ, xâu dây...) đeo trên cổ (vòng cổ); ngoài ra còn được dùng như một thức bùa (tín ngưỡng dân gian) hay làm thuốc chữa bệnh.

Thời tiền sử (Đá cũ), con người đã săn bắt/bắn (bằng bẫy, bằng cung tên, bằng lao gỗ/đá) lợn rừng. Ở di chỉ Kẻo Lẻng (Lạng Sơn) có niên đại 5-10 vạn năm, giới khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy cái “thủ” (sọ) lợn bị đập vỡ. Cũng giai đoạn này (khoảng 4 vạn năm cách ngày nay) đã tìm thấy trên vách nhiều hang động thời tiền sử hình ảnh lợn rừng được tả thực trong sắc thái hung dữ. Người tiền sử thường dùng công cụ đá cứng, nhọn đục, chạm khắc đường viền con lợn lòi trên vách hang đá vôi rồi bôi thổ hoàng (Ocre - một loại đá son, mài hòa với nước hay mỡ động/thực vật) vào phần thân con vật.

Đến thời Đá mới, nông nghiệp bước đầu phát triển (khoảng 10.000-6.000 năm cách ngày nay), loài người đã thuần phục (bắt lợn rừng, lợn cỏ, lợn bị thương nhẹ do mũi tên bắn, lợn rừng con... nhốt vào một hàng rào khép kín) rồi thuần dưỡng, biến loài lợn rừng thành lợn nhà (nuôi trong chuồng hay thả rông). Thịt lợn nhà được nấu nướng bằng các cách nướng chả, giã giò, hay luộc. Cách thức chế biến, nấu nướng các món ăn từ thịt các con vật, trong đó có thịt lợn được thể hiện sinh động, rất dí dỏm trong bài ca dao:

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng.

Ngoài ra, thịt lợn còn được dùng để ăn tái (thịt luộc thái mỏng vắt chanh, ngâm dấm kiểu Tày - Thái) hay nhúng lẩu (kiểu Sài Gòn - Ba tàu). Thịt lợn còn được dùng làm nhân các loại bánh giò, bánh cuốn, bánh bao, bánh chưng, nem (người miền Nam gọi là chả giò), hay góp mặt trong các món bún bò giò heo, thịt kho tàu, thịt nấu đông... tất cả đều là món khoái khẩu của cả 3 miền Bắc Trung Nam. Và trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu bát canh bóng chế biến từ da lợn.

Lợn là con vật đã đi vào nghi lễ - phong tục người dân Việt. Có làng, xã nuôi lợn thờ, ngày lễ hội tế thành hoàng làng mới đem “Ông Ỷ” ra tế sinh. Phổ biến hơn là mâm xôi - con lợn (luộc/quay) trong tế đám, đám giỗ, đám tang, và cả đám cưới. Trong các dịp lễ tết, có bốn thứ ẩm thực không thể thiếu là xôi, bánh chưng, thịt lợn và rượu. Bánh chưng bao giờ cũng có nhân đậu xanh và thịt lợn ba chỉ. Xôi thường ăn với thịt lợn luộc/quay. Rượu vừa kích thích ăn ngon miệng, vừa giúp chống ngấy, lại giúp tiêu hóa tốt, lưu thông khí huyết. Bốn thứ trên thường nằm trên mâm cúng thần linh, tổ tiên. Trong các nghi lễ trọng đại đều có các món đó. Trong bài ca dao Xin áo, chàng trai hứa trả công cho cô gái khâu áo bằng chính lễ vật “xin cưới” của một chàng rể tương lai:

Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến lúc có chồng anh giúp của cho

Giúp em một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rượu tăm.

Dân gian thường nói “ngu như lợn”, có đúng không? Hẳn vì lợn nhà “hiền quá hóa ngu” chăng? Dân gian lại nói “bẩn như lợn” là vì tập quán của loài lợn (cả lợn rừng lẫn lợn nhà) là chúng thích đầm mình trong bùn, kể cả trong nước tiểu và phân nhão của chính mình thải ra? Nhưng ở dân tộc Tày vùng Cao Bằng, có nơi lợn (tương đối sạch và khô) được ngủ bên cạnh người cho thêm ấm trong những ngày đông giá rét. Một số nước phát triển trên thế giới, người ta nuôi lợn cảnh trong nhà và ôm ấp, cho ngủ chung giường như chó cảnh. Đặc biệt ở Đức, ngày lễ giáng sinh người ta chạm khắc hình những con vật, trong đó có con lợn vì lợn được coi là biểu tượng của hạnh phúc. Trong khi đó, người Hồi giáo lại có tục kiêng ăn thịt lợn.

Hiện nay, tục “ăn đụng lợn” - một nét văn hóa đẹp của làng quê Việt Nam mỗi dịp tết đến, xuân về vẫn được duy trì ở nhiều vùng quê. Mổ lợn vất vả một chút nhưng lại có thịt lợn ngon để ăn tết, bà con, anh em, láng giềng quây quần, tụ họp tạo nên không khí vui vẻ, đầm ấm...

Tựu trung lại, dù là trong văn hóa dân gian, hay tín ngưỡng Á Đông, hình ảnh con lợn đều mang những ý nghĩa tốt lành và may mắn vì nó là con vật có sự gần gũi với đời sống con người. Ở Việt Nam, lợn là con vật mà hình ảnh của nó đi sâu vào đời sống của mỗi người dân và cũng là biểu tượng đặc sắc trong văn hóa Việt, điều đó có lẽ xuất phát từ vẻ hiền lành và đáng yêu của chúng, một loài vật nuôi và cũng là bạn thân thiết của con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://vi.wikipedia.org

2. Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, 1990.

3. Trần Quốc Vượng: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.

4. Nguyễn Thị Bảy, Phạm Lan Oanh: Văn hóa ẩm thực qua tục ngữ người Việt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016. 

TS. Nguyễn Thị Bảy

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Bình luận