Hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát

Ngày đăng: 27/12/2018 - 14:12

Sau một thời gian tiến hành đào tạo, bồi dưỡng thông qua các khóa học tập trung và ngắn hạn, nhìn chung, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã có những chuyển biến tích cực nhất định so với các năm trước, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính cũng như tin học, ngoại ngữ dần được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định.

Chính vì vậy trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, cần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong phạm vi được phân cấp đòi hỏi chúng ta phải chú trọng, quyết tâm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, cần bám sát một số định hướng cơ bản sau đây:

Một là, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là một bộ phận của đội ngũ cán bộ, công chức, vì vậy việc quản lý đối tượng này không được tách rời mà phải được đặt trong tổng thể cơ chế quản lý, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, phải bám sát và quán triệt các Nghị quyết và các văn bản của Đảng về chính quyền và cán bộ, công chức cấp cơ sở, như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã, phường, thị trấn đã đặt ra nhiệm vụ “chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”.

Hai là, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải trên cơ sở nhận thức đúng vị trí, vai trò của chính quyền cấp xã, gắn liền với kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Trong bối cảnh mới hiện nay, phải kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; làm rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; đề cao hơn tính tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ quản lý, về cán bộ, về nguồn thu của chính quyền cơ sở.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải bám sát đặc điểm, tính chất của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cũng như điều kiện đặc thù của từng vùng, miền, địa phương.

Đa số cán bộ, công chức cơ sở là những người cư trú, sinh sống tại địa phương, gắn bó với nhân dân địa phương, do đó những mối quan hệ họ hàng, thân tộc... rất dễ chi phối, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi công vụ của họ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng phải bảo đảm sự hài hòa, cân đối, hợp lý giữa cán bộ và công chức cơ sở; giữa cán bộ, công chức cơ sở với những người hoạt động không chuyên trách dựa trên sự khác biệt về vị trí, khối lượng công việc đảm nhiệm, thời gian lao động và mức độ cống hiến của mỗi loại đối tượng sao cho bảo đảm sự hài hòa về chế độ, chính sách, vừa đoàn kết nội bộ, vừa có tác dụng nâng cao chất lượng cán bộ.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc, phẩm chất đạo đức nhằm đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ; đối với công chức chuyên môn phải ổn định và từng bước chuyên nghiệp hóa.

Trong điều kiện hiện nay cần phải chú trọng tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cần xây dựng khung chương trình và bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện thống nhất, phù hợp với từng chức danh, gắn trang bị kiến thức với nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng thực hành, thông qua việc xử lý các tình huống cụ thể ở cơ sở. Bồi dưỡng tiếng dân tộc và văn hóa dân tộc đối với các cán bộ khi được tăng cường về công tác ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ, gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, đãi ngộ cụ thể.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã phải chú ý đến tính đồng bộ, toàn diện, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm.

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, chế độ, chính sách bao gồm việc quy định chức vụ, chức danh; nghĩa vụ, quyền hạn; bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá, phân loại, thôi việc, nghỉ hưu; chế độ tiền lương, phụ cấp…

Bên cạnh đó, cũng cần xác định những nội dung trọng tâm, cần giải quyết trong thời gian trước mắt như: Xác định hợp lý về cơ cấu, chức danh số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước ở địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo; tăng cường bố trí kiêm nhiệm chức danh trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm tinh gọn.

Sáu là, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Hoàn thiện cơ chế để nhân dân ở cơ sở trực tiếp và thông qua Mặt trận, các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; thực hiện tốt dân chủ công khai về kinh tế ngân sách, đất đai, công tác cán bộ và xây dựng cơ bản. Qua đó các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực sẽ được nhân dân phát hiện, kiểm điểm, phê bình, góp phần nâng cao phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

TS. TRẦN VĂN NGỢI

Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước

Theo Nhân dân cuối tuần

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả