Hội nghị tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững

Ngày đăng: 25/04/2019 - 14:04

Ngày 23-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; một số cơ quan, tổ chức quốc tế. Tại điểm cầu TP Hà Nội có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị ngày 10-4-2013 về hội nhập quốc tế (HNQT) và định hướng chiến lược chủ động, tích cực HNQT mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra, công tác HNQT đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác. Công tác HNQT trong 5 năm qua đã thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi DN và người dân là chủ thể của HNQT, hình thành thật sự văn hóa hội nhập. Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua.

Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta có 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đang thúc đẩy EU thông qua FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và bốn FTA đang đàm phán. Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế.

Thủ tướng khẳng định, chủ trương HNQT là đúng đắn và “chúng ta thêm tự tin tiếp tục triển khai ngày càng hiệu quả ở tâm thế và tầm mức mới, cao hơn”. HNQT đã góp phần quan trọng làm cho nội lực quốc gia mạnh hơn và tác động trở lại làm cho HNQT thành công hơn. Nhấn mạnh “thắng không kiêu, bại không nản”, Thủ tướng cho rằng, phải thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém, thua thiệt cần rút kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục và làm tốt hơn.

Theo Thủ tướng, cần lưu ý một số vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước. Môi trường quốc tế biến động nhanh và phức tạp. Hợp tác và cạnh tranh, đối tác và đối tượng luôn đan xen, biến đổi linh hoạt và diễn ra cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trong khu vực, trên thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với hội nhập quốc tế. Tự do hóa và mở cửa thị trường đi đôi với những hình thức bảo hộ tinh vi thông qua những hàng rào kỹ thuật. Số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế gia tăng. Một số ngành sản xuất đang đứng trước những thách thức lớn từ dỡ bỏ bảo hộ trong quá trình hội nhập, như mía đường, chăn nuôi... và từ khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 như dệt may, da giày, nông nghiệp, chế biến, chế tạo...

Định hướng giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thực hiện ba phương châm: nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Trước hết, chúng ta phải tiếp tục nâng tầm nhận thức, tư duy về hội nhập theo tinh thần chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế. Qua đó nâng cao vị thế quốc tế, vai trò quan trọng của Việt Nam.

Chúng ta phải HNQT toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi DN và người dân là chủ thể của HNQT, hình thành thực sự văn hóa hội nhập.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm: Thứ nhất, HNQT là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo, hiệu quả của các DN và người dân. Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua.

Thứ hai, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về và các Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.

Thứ ba, về hội nhập về kinh tế, phải làm cho nội lực phải mạnh lên là nhiệm vụ trọng tâm. Hội nhập trong các lĩnh vực khác phải hỗ trợ cho hội nhập kinh tế. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, DN.

Trung ương đã phân cấp cấp giấy phép, quản lý đầu tư nước ngoài cho các địa phương (có dự án lên tới hàng tỷ USD), do đó, các địa phương cần nắm vững pháp luật hơn, không để sơ hở, dẫn đến tranh chấp quốc tế. Theo các FTA thế hệ mới, nhà đầu tư có quyền kiện ra quốc tế Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương. Thủ tướng đề nghị cấp ủy, UBND các tỉnh, thành phố chú ý việc này, phối hợp các bộ, cơ quan chuyên môn có đội ngũ cán bộ làm công tác này...

Thứ tư, về hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ, vai trò của đối ngoại đa phương, phát huy các điểm “đồng” để tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích.

Thứ năm, về hội nhập trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, cần luôn nhận thức sâu sắc rằng công nghệ và nhân tài sẽ quvết định thành công trong cạnh tranh thế kỷ 21. Do đó, chúng ta cần chú trọng việc chủ động học hỏi và nâng cao nội lực phù hợp với những thông lệ, chuẩn mực chung. Tập trung hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ sáu, tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của DN trong công tác HNQT. Dư địa phát triển lớn nhất nằm ở ngay trong sự nỗ lực không ngừng, sức sáng tạo vô hạn của mỗi DN, của mỗi người dân. Địa phương, DN là chủ thể trung tâm của hội nhập, phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập. Lãnh đạo địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm, “xắn tay áo vào cuộc”, thực sự hỗ trợ hiệu quả cho người dân, DN. DN, người dân phải chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương có vai trò rất hữu ích không chỉ cung cấp thông tin mà còn là kênh hữu ích để tiếp nhận, trao đổi ý kiến, thông tin giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan và địa phương, DN, người dân. Các tờ báo của T.Ư và địa phương, cả báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử dành thời lượng cần thiết để giới thiệu cho người dân và DN về HNQT.

BT: Kiều Trang

Theo Nhân dân điện tử

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả