Hội thảo khoa học Xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam

Ngày đăng: 18/12/2019 - 16:12

Sáng 18/12/2019, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng Chiến lược sách quốc gia Việt Nam.  Các đồng chí: PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập, Phó Bí thư Đảng ủy Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và ThS. Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Dự Hội thảo có TS. Lê Minh Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc thường trực, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, chuyên gia Hội đồng Lý luận Trung ương cùng đại diện các cục, vụ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…; đại diện Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; đại diện lãnh đạo một số nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách; các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý hoạt động thực tiễn và cơ quan thông tấn báo chí.

ThS. Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nguyên cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, khó lường thì sách - một sản phẩm văn hóa, đã được nhiều nước biến thành một công cụ thực hiện “sức mạnh mềm” để chi phối các giá trị của quốc gia mình với các quốc gia khác. Cách đây 15 năm, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã nêu chủ trương “xây dựng chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội và văn hóa”. Đó là nhiệm vụ song cũng là định hướng lớn cho xuất bản phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này cần được thực hiện với một tinh thần mới. Từ những chương trình sách riêng lẻ của Trung ương, của các bộ, ngành và địa phương, đã đến lúc chúng ta cần có một Chiến lược sách quốc gia với tầm nhìn cho 10, 20, thậm chí 30 năm nữa. Thông qua Hội thảo sẽ mở ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý hoạt động thực tiễn trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, định hướng phát triển hoạt động xuất bản, đồng thời có những kiến giải hướng đến xây dựng một Chiến lược sách quốc gia.

ThS. Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo Xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhà khoa học, quản lý thực tiễn trong và ngoài ngành Xuất bản. Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn 43 tham luận in trong kỷ yếu. Hội thảo tập trung vào các chủ đề: cơ hội phát triển và những thách thức tác động đến ngành xuất bản Việt Nam; thực trạng hoạt động xuất bản, in và phát hành; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản; quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam đến năm 2030. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe trình bày trực tiếp một số tham luận và trao đổi, thảo luận những vấn đề xoay quanh việc xây dựng chiến lược sách quốc gia như: Một số vấn đề đặt ra đối với xây dựng chiến lược sách quốc gia của ThS. Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông; Thực trạng hoạt động, xuất bản, in và phát hành của ông Kim Quang Minh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam; Xuất bản sách lý luận chính trị qua thực tiễn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật của TS. Võ Văn Bé, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Trưởng Ban sách Kinh điển - Lý luận...

Đồng chí Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập, Phó Bí thư Đảng ủy Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Vũ Trọng Lâm khẳng định, các tham luận và phát biểu tại Hội thảo thể hiện sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng, góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo. Nội dung các tham luận và phát biểu đã phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về chủ đề Hội thảo.

Trong thời gian qua, ngành Xuất bản có sự tăng trưởng đáng kể, đảm bảo thực hiện tốt hai nhiệm vụ văn hóa tư tưởng và kinh tế. Nội dung, hình thức xuất bản phẩm có sự cải tiến rõ rệt, phong phú, đa dạng hơn về thông tin, nâng cao về chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Một số nhà xuất bản năng động, nhạy bén, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, xuất bản được nhiều ấn phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, hiệu quả kinh doanh cao. Song, bên cạnh đó, vẫn còn một số nhà xuất bản chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nên chất lượng xuất bản phẩm không cao, hiệu quả kinh doanh thấp. Những hạn chế, bất cập chủ yếu của hoạt động xuất bản hiện nay bao gồm: Vấn đề vi phạm bản quyền tác giả, in nối, in lậu chưa được kiểm soát làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành xuất bản; Một số nhà xuất bản quản lý thiếu chặt chẽ hoạt động liên kết xuất bản, không quản lý tốt nội dung xuất bản phẩm liên kết, dẫn đến sách kém chất lượng, gây bức xúc cho người đọc và xã hội; Hiện tượng “thương mại hóa hoạt động xuất bản” ngày càng trở nên phổ biến, nên chất lượng nội dung chính trị, khoa học của một số xuất bản phẩm chưa được chú trọng, còn chạy theo trào lưu, xu thế...

Việc xây dựng Chiến lược sách quốc gia là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ tài chính hỗ trợ cho sự phát triển của sự nghiệp xuất bản. Xây dựng Chiến lược sách quốc gia cần hướng tới vào các mục tiêu: Phát huy, bảo tồn, gìn giữ những tác phẩm, xuất bản phẩm có giá trị; đầu tư có trọng điểm cho hoạt động xuất bản theo từng lĩnh vực; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản; phục vụ từng đối tượng, từng địa bàn thụ hưởng về xuất bản phẩm; thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa tinh thần giữa các đối tượng trong cả nước... Để thực hiện Chiến lược sách quốc gia, các nhà xuất bản giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện. Trong đó, các nhà xuất bản căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần xây dựng định hướng đề tài sách phù hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng biên soạn nội dung và hình thức trình bày, chất lượng in và phát hành, qua đó tạo dựng uy tín, thương hiệu với độc giả.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn. Đứng trước những khó khăn, thách thức, một số giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực như: Cần mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, đa dạng hóa và khai thác hiệu quả nguồn lực cho đào tạo...; Đổi mới hoạt động nghiên cứu, biên soạn các đề tài sách có nội dung thiết thực, gắn với nhu cầu của thị trường và yêu cầu đặt ra trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nhãn quan chính trị cho cán bộ, biên tập viên...; Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành xuất bản, chú trọng việc cơ chế hỗ trợ xuất bản phẩm, chế độ nhuận bút cho các tác giả, đặc biệt là đội ngũ tác giả biên soạn sách lý luận, chính trị...

Hội thảo Xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, có ý nghĩa thiết thực, khẳng định vai trò, ví trí quan trọng của hoạt động xuất bản và những yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Hội thảo góp phần cung cấp những luận cứ khoa học làm cơ sở để tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hoạt động xuất bản nhằm nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả