Kiên quyết đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm

Ngày đăng: 08/11/2018 - 15:11

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Song, bên cạnh đó, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, lợi ích nhóm là một trong những vấn đề có thể gây tổn hại trên nhiều phương diện đối với sự phát triển bền vững đất nước, vì vậy, đây là vấn đề cần phải được quan tâm và giải quyết cấp bách.

Nhóm lợi ích (tiêu cực) sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa

Lợi ích nhóm và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về lợi ích nhóm

Lợi ích nhóm là lợi ích mà một nhóm người liên kết với nhau cùng thực hiện và bảo vệ lợi ích đó. Trong đời sống xã hội, ngày càng có nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm này có thể vừa có lợi ích chung, vừa có lợi ích riêng, có lợi ích tích cực, có lợi ích tiêu cực. Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người có cùng mục tiêu, mục đích trong sự tôn trọng lợi ích của Nhà nước và lợi ích của tập thể, hài hòa với các loại lợi ích khác. Còn lợi ích nhóm tiêu cực là lợi ích mà một nhóm người liên kết với nhau để trục lợi, vơ vét của chung (của Nhà nước và tập thể), mưu lợi cho nhóm mình. Lợi ích nhóm tiêu cực luôn gắn với hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền (nghĩa là lợi ích nhóm tiêu cực gắn với quyền lực nhà nước) gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, khiến cho nền kinh tế dần bị vắt kiệt, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế tiêu cực phát triển. Nói cách khác, lợi ích nhóm tiêu cực là lợi ích của nhóm người lợi dụng chức vụ, quyền lực, quan hệ để móc nối, thông đồng với nhau nhằm lách luật, làm những điều phi pháp để trục lợi, thu vén lợi ích cá nhân, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và của cá nhân khác. Đây là yếu tố cản trở sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế và của xã hội, là lợi ích nhóm mà Đảng ta yêu cầu phải đấu tranh phòng, chống. Trong khuôn khổ bài viết, cụm từ “lợi ích nhóm” được sử dụng với nghĩa này.  

Có thể khẳng định, lợi ích nhóm đang làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nếu Đảng và Nhà nước không kiên quyết xử lý nghiêm minh, triệt để lợi ích nhóm sẽ càng gây thêm nhiều bức xúc trong Nhân dân và xã hội, từ đó tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng, thực hiện những âm mưu gây bạo loạn, đe dọa sự tồn vong của dân tộc và sự phát triển của đất nước.

Đại hội XII của Đảng khẳng định, cần kiên quyết đấu tranh chống lợi ích nhóm nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, phải ngăn chặn, hạn chế, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt nhằm củng cố lòng tin của Nhân dân, xây dựng sự đồng thuận và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thành, tận tụy, kỷ cương, liêm chính. Đảng ta chỉ rõ: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”1.

Biểu hiện của lợi ích nhóm

Lợi ích nhóm có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với những biểu hiện đa dạng, phức tạp. Đó là:

- Các quan chức nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, móc nối, thông đồng với nhau để lách luật, thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất…); trong đầu tư công (đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, mua sắm vật tư, thiết bị, hàng hóa, đấu thầu và chỉ định thầu, phân phối dự án, hoàn thuế giá trị gia tăng, cấp phát vốn); trong khai thác tài nguyên (cấp phép và khai thác khoáng sản); trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (liên kết để thâu tóm trái pháp luật các ngân hàng thương mại, ưu ái trong việc bảo lãnh và cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước,…); trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;… Họ tìm mọi cách để chuyển tài sản của Nhà nước, của tập thể sang cho cá nhân, dùng mọi thủ đoạn để tham nhũng, lấy của công để biếu xén, hiếu hỷ nhau.

- Nhà đầu tư, doanh nghiệp móc nối với một số quan chức nhà nước hình thành nhóm lợi ích để giành được các dự án, gói thầu, những khoản ưu đãi từ tiền công quỹ nhằm mục đích kiếm lợi, làm giàu cho nhóm mình. Chẳng hạn tham nhũng trong hình thức đầu tư Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Các dự án BOT không đấu thầu công khai, minh bạch mà bằng hình thức chỉ định thầu. Thông qua chỉ định thầu để thực hiện các hành vi tham nhũng vì lợi ích nhóm. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về chuyên môn, nghiệp vụ và tài chính nhưng liên tiếp trúng thầu các dự án. Các doanh nghiệp này móc nối với quan chức nhà nước để xin vốn đầu tư của Nhà nước về cho doanh nghiệp mình hoạt động, nhưng nếu làm ăn có lãi thì chia nhau, còn khoản lỗ thì để lại cho Nhà nước. Hay tình trạng thông đồng, móc nối giữa khu vực công và khu vực tư để thành lập các “công ty sân sau”, “công ty gia đình” rồi dùng ảnh hưởng của cá nhân để kéo các dự án về cho các công ty này.

- Một bộ phận cán bộ, công chức có chức, có quyền thoái hóa, biến chất bị mua chuộc, lôi kéo nhằm trục lợi, thu vén lợi ích cá nhân. Hoặc một số cá nhân tìm cách quan hệ, móc nối với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó.

- Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, v.v.. lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che cho những hành vi tiêu cực vì lợi ích vị kỷ hình thành nhóm lợi ích.

Một trong những biểu hiện quan trọng khác của lợi ích nhóm đó là hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng, những hoạt động cấu kết lũng đoạn thị trường tiền tệ. Thông qua việc thành lập các “công ty ma” để mua bán hóa đơn, trốn thuế.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã chỉ rõ các biểu hiện của lợi ích nhóm là: “tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”2. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”3.

Nếu trước đây lợi ích nhóm chủ yếu mang tính chất cá nhân, đơn lẻ thì nay nó đã diễn ra có tổ chức và mang tính liên kết chặt chẽ, chằng chịt trên - dưới, trong - ngoài để trục lợi. Những năm gần đây, lợi ích nhóm diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, trắng trợn, phạm vi phát triển ngày càng rộng với quy mô lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI cũng khẳng định lợi ích nhóm là một trong ba cản trở lớn nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên nhân của sự hình thành và phát triển lợi ích nhóm là do chúng ta thiếu một hành lang pháp lý để hạn chế mặt tiêu cực của lợi ích nhóm; thiếu minh bạch, thiếu tính khoa học trong quy trình hoạch định và thực hiện các chính sách; hoạt động quản lý quan liêu; cơ chế “xin - cho” phổ biến; thói quen chấp nhận sự cộng sinh và thỏa hiệp với sai trái; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự yếu kém trong hoạt động của một số tổ chức Đảng; sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; cơ chế giám sát, kiểm soát còn nặng về hình thức,…

Một số giải pháp ngăn chặn lợi ích nhóm

- Trước hết, người đứng đầu phải thực hiện việc nêu gương, thực hành đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” một cách nghiêm túc, triệt để; kiên quyết đấu tranh chống các hành vi vụ lợi dưới mọi hình thức; không cho phép người thân hay cán bộ dưới quyền lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu thật rõ ràng, rành mạch. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, vị trí nhạy cảm.  

Ban hành và thực hiện quy định để xử lý thích đáng, đúng pháp luật người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi nảy ra tham nhũng, lãng phí, gây hậu quả nghiêm trọng.

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên, sâu sát, chặt chẽ, biến sự nghiệp đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân. Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng lợi ích nhóm, Đảng và Nhà nước phải chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch và có biện pháp tích cực, kiên quyết phòng, chống. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần có các biện pháp hữu hiệu mang tính chiến lược, tạo bước chuyển biến rõ rệt nhằm phòng, chống tận gốc.

- Dân chủ trong hoạch định và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, sự độc quyền trong một số lĩnh vực kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy công quyền, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị theo hướng có quy chế và quy trình rõ ràng, chặt chẽ, chuyên nghiệp, không để lợi ích nhóm có cơ hội hình thành và phát triển.

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, cơ chế chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể và đồng bộ với những chế tài mạnh để quản lý tập trung nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật để các nhóm lợi ích không thể lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật nhằm trục lợi, phục vụ cho lợi ích riêng của nhóm mình. Đặc biệt, chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các quy định về quản lý đất đai, quản lý kinh tế, tài chính, ngân hàng, về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo, góp phần củng cố hành lang pháp lý trong việc ngăn chặn và xử lý lợi ích nhóm.

- Quyền hạn của từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức phải gắn liền với trách nhiệm của họ một cách rõ ràng, minh bạch. Không để xảy ra tình trạng thành tích thì hưởng, khuyết điểm thì trốn tránh.

- Thường xuyên kiểm tra các hoạt động công vụ; tăng cường công tác kiểm tra của Đảng; đẩy mạnh các hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;… nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm.

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống, tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực trọng điểm như: quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính trong doanh nghiệp nhà nước, thu - chi ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, công tác quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ.

- Phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời, công khai những hành vi tham nhũng, lãng phí bất kể họ ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, không bao che, nể nang và không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các cơ quan tư pháp phải thường xuyên và kịp thời. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những người bao che tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong xã hội.

- Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu; lãnh đạo quyết liệt, có hiệu quả cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; “chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”4.

- Bảo đảm minh bạch hóa các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức thông qua việc kê khai tài chính thường xuyên hằng năm của bản thân và gia đình họ; đồng thời, có quy định về kiểm soát, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức.

- Cải thiện chế độ tiền lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức có thể ổn định cuộc sống bằng thu nhập chính đáng của mình, toàn tâm cống hiến cho Nhà nước và hết lòng phục vụ Nhân dân.

- Phát huy tính dân chủ, vai trò của Nhân dân cùng với đại diện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền với những quy chế giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, ngăn chặn sự hình thành lợi ích nhóm. Huy động và phối hợp chặt chẽ sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự,… trong cuộc đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm.

Có thể nói, cuộc đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm của toàn Đảng, toàn dân ta là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, không khoan nhượng. Song, với quyết tâm chính trị của Đảng, tinh thần cách mạng của Nhân dân, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

TS. Đặng Đình Thanh

                                                                 (Học viện Hành chính quốc gia)

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 45.

2, 3.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 30, tr. 31-32.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 128.

Bình luận