Nâng cao chất lượng công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 13/12/2019 - 09:12

Là một bộ phận của công tác tư tưởng - văn hóa, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới.

1. Thực trạng công tác xuất bản sách lý luận, chính trị

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định: Sách lý luận, chính trị có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái.

Thực tiễn đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đóng góp xứng đáng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong hơn 16 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, về nội dung, hình thức, cơ cấu và thể loại sách, góp phần khẳng định và bảo vệ lập trường chính trị đúng đắn của Đảng, Nhà nước trước những diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, từ đó tiếp tục củng cố, thống nhất nhận thức chính trị, tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội.

Hiện nay, trong số 59 nhà xuất bản trên cả nước, có hai nhà xuất bản chuyên ngành xuất bản sách lý luận, chính trị là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (đơn vị nòng cốt trong việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị) và Nhà xuất bản Lý luận chính trị (xuất bản các giáo trình, tài liệu phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn có một số nhà xuất bản như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh niên, Thông tin và Truyền thông và một số nhà xuất bản tổng hợp, chuyên ngành khác theo nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cũng tham gia xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

Với vai trò là đơn vị nòng cốt trong việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, hằng năm, sách lý luận, chính trị chiếm tỷ lệ 30-35% trong tổng số sách được xuất bản của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ sách lý luận, chính trị của toàn ngành1. Nội dung chủ đề của sách lý luận, chính trị chủ yếu là:

- Các tác phẩm kinh điển về lý luận, chính trị; sách về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam;

- Sách văn kiện, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị Trung ương; sách nghiên cứu, hướng dẫn quán triệt nghị quyết các Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống;

- Sách tổng kết lý luận và thực tiễn về quá trình đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách về những vấn đề quốc tế và đối ngoại;

- Sách về các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng; sách triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

- Sách khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đưa ra các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sách tuyên truyền, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia;

- Sách đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chính trị, lý luận nhằm bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng, sự đồng thuận trong xã hội và bảo vệ cương lĩnh chính trị, đường lối đổi mới của Đảng;...

Ngoài các sách lý luận, chính trị xuất bản theo phương thức truyền thống (sách giấy), trong những năm gần đây, các nhà xuất bản đã bước đầu quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức xuất bản sách điện tử. Hiện nay, có 06 nhà xuất bản đã xây dựng hệ thống xuất bản, phát hành sách điện tử trực tuyến trên mạng internet gồm: Chính trị quốc gia Sự thật, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục Việt Nam, Quân đội nhân dân, Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Y học. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản đĩa CD-ROM và DVD-ROM với phần mềm tra cứu tiện ích, giúp bạn đọc có thể tìm kiếm thông tin trong từng cuốn sách và cả bộ sách.

Tuy nhiên, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra như: cơ sở vật chất và vốn của các nhà xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu2; phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ còn yếu; chất lượng sách lý luận, chính trị nhìn chung chưa đồng đều; số lượng sách lý luận, chính trị tính bình quân theo đầu người còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở; khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận kinh tế thuần túy ngày càng tác động xấu đến hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; việc xuất bản, phát hành sách điện tử chưa được quan tâm đúng mức;… Những hạn chế trên thể hiện ở một số mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, công tác quán triệt, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền ở các cấp, ngành, cơ quan chủ quản, đơn vị tham gia hoạt động xuất bản chưa nhận thức và quán triệt sâu sắc, đầy đủ vai trò của sách lý luận, chính trị trong tình hình mới. Hoạt động xuất bản, phát hành có khuynh hướng chạy theo doanh thu, lợi nhuận kinh tế nên chưa ưu tiên mảng sách lý luận, chính trị. Trách nhiệm và sự phân công trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng thành những quy định pháp lý, những chế độ, chính sách phù hợp còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm chưa kịp thời; hiện tượng vi phạm bản quyền, in lậu, trốn thuế chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Thứ hai, mô hình tổ chức hoạt động của một số nhà xuất bản còn nhiều bất cập, quy mô hoạt động chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Việc xác định loại hình của nhà xuất bản thiếu sự thống nhất, có nhiều yếu tố chưa phù hợp làm hạn chế sự phát triển của từng nhà xuất bản và của toàn ngành xuất bản. Chưa xây dựng được quy hoạch mạng lưới các nhà xuất bản, đơn vị phát hành có chức năng, nhiệm vụ xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị để từ đó có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chưa phát huy được hiệu quả nguồn lực của xã hội.

Thứ ba, chất lượng, số lượng, cơ cấu sách lý luận, chính trị còn nhiều hạn chế. Số sách hay, có giá trị về lý luận, chính trị chưa nhiều. Một số ấn phẩm có sai sót về nội dung, thậm chí có nội dung không phù hợp; nhận định, đánh giá sai lệch lịch sử; nêu ra những tư tưởng, quan điểm chưa toàn diện, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hình thức các ấn phẩm còn đơn điệu, đặc biệt là trong trình bày sách lý luận, chính trị. Công nghệ in sách có nhiều tiến bộ, hiện đại hơn, số lượng nhà in tăng đáng kể nhưng thiếu quy hoạch, chưa tính toán đầy đủ, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành sách.

Cơ cấu sách chưa hợp lý, còn ít sách tổng kết thực tiễn, luận giải kịp thời, sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về toàn cầu hóa, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức... Các mảng sách giới thiệu điển hình tiên tiến phù hợp với các đối tượng và vùng, miền khác nhau; sách đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bác bỏ các luận điệu sai trái, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu sách lý luận, chính trị, nội dung chưa sắc bén, sức thuyết phục chưa cao.

 Chưa xây dựng được chiến lược quốc gia về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Còn thiếu cơ chế đầu tư theo chiều sâu, cơ chế, chính sách trợ giá, giảm giá đối với sách lý luận, chính trị chưa được chú trọng; cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, động viên đội ngũ cán bộ biên tập, cộng tác viên, nhất là đối với cộng tác viên có uy tín, những chuyên gia, học giả hàng đầu chưa được quan tâm đúng mức. 

Thứ tư, việc xây dựng, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa mạng lưới phát hành sách lý luận, chính trị với các bộ phận khác của ngành xuất bản chưa chặt chẽ và hiệu quả. Đa số các cơ sở phát hành chỉ tập trung kinh doanh những mặt hàng đem lại lợi nhuận cao, còn hạn chế phát hành sách lý luận, chính trị, dẫn đến việc tiếp cận sách lý luận, chính trị, nhất là ở địa bàn cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều thư viện công cộng, thư viện trường học chưa đầu tư kinh phí bổ sung sách hằng năm cho việc mua sách lý luận, chính trị theo đúng tỷ lệ quy định; chưa coi trọng đúng mức việc lựa chọn mua sách lý luận, chính trị có chất lượng, bảo đảm thông tin chính thống, khoa học, cập nhật... Giá bán sách lý luận, chính trị còn cao so với khả năng thanh toán của số đông cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tình trạng xâm phạm bản quyền, in lậu sách đang là vấn đề nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hoạt động xuất bản nói chung và hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nói riêng. Công tác truyền thông, quảng bá sách chưa hiệu quả, còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Việc khai thác, phát hành sách lý luận, chính trị trên hệ thống internet còn hạn chế nên chưa thực sự đến gần với bạn đọc trong và ngoài nước.

Thứ năm, thiếu đội ngũ biên tập viên sách lý luận, chính trị có trình độ chuyên môn cao. Một bộ phận cán bộ biên tập còn yếu về trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, chưa đủ tầm để tiếp cận, trao đổi, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đặc biệt là cộng tác viên là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học xã hội, lý luận, chính trị. Một số biên tập viên thiếu nhạy bén trước những vấn đề thời sự, chính trị có tính nhạy cảm, chưa chủ động đặt hàng, tổ chức được bản thảo có giá trị về lý luận, chính trị. Lực lượng lao động chậm thích ứng với công nghệ và phương thức kinh doanh mới.

2. Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xuất bản sách lý luận, chính trị

Kết luận số 23-NQ/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chỉ rõ: “Các cơ quan báo chí, xuất bản phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ đi đôi với yêu cầu tuân thủ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kết hợp “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nêu rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó, sách lý luận, chính trị phải thực sự là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Do đó, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ này, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; gấp rút xây dựng và thực hiện chiến lược xuất bản sách lý luận, chính trị ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động xuất bản, trong đó có quy định quản lý thị trường sách điện tử; quy định về người nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh xuất bản ở Việt Nam; quy định về năng lực hoạt động của nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm lý luận, chính trị, tránh hiện tượng hoạt động không đúng chức năng hoặc không hiệu quả; quy định tỷ lệ mua bổ sung sách lý luận, chính trị hằng năm tại các thư viện công cộng, thư viện cơ quan nghiên cứu, trường học; có biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động xuất bản, nhất là nạn in lậu, in nối bản trái pháp luật, trốn thuế, vi phạm bản quyền, xuất bản sai chức năng, nhiệm vụ.

Ba là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị. Các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị cần chủ động đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Nâng cao năng lực tự chủ tài chính, năng lực tổ chức bản thảo, biên tập, phát triển thị trường và khả năng cạnh tranh; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, có tầm nhìn. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá sách lý luận, chính trị Việt Nam ra nước ngoài, để cộng đồng người Việt Nam nắm bắt được quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng đầu tư ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị; chú trọng phát triển sách điện tử. Đổi mới, sáng tạo trong công tác nghiên cứu, biên soạn; đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản, phát hành sách; cung cấp các dịch vụ về sách lý luận, chính trị trên mạng internet; cung cấp đủ số lượng sách lý luận, chính trị thiết yếu đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở trong và ngoài nước.

Bốn là, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Xây dựng cơ sở pháp lý quy định về mô hình hoạt động của nhà xuất bản phù hợp với thực tế và đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị: Các nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách lý luận, chính trị bảo đảm hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp), cơ quan chủ quản cấp vốn theo quy định. Các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đặc thù khi tham gia hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị sẽ được hưởng chế độ đặt hàng, ưu đãi về thuế, được vay vốn ưu đãi theo dự án đầu tư phát triển ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhà nước có quy định dành kinh phí để mua và cung cấp sách lý luận, chính trị thiết yếu cho hệ thống thư viện, tổ chức đảng ở cơ sở; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm nước ngoài có giá trị. Xây dựng Quỹ hỗ trợ xuất bản bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển sự nghiệp xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị…

Năm là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ biên tập. Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy của các cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ xuất bản theo hướng tăng cường thực hành, cung cấp những kỹ năng làm công tác xuất bản, phát hành sách. Tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các nhà xuất bản để hoàn thiện chương trình đào tạo cán bộ ngành xuất bản. Các nhà xuất bản chú trọng nâng cao chất lượng tuyển dụng, tạo điều kiện cho các sinh viên ra trường có cơ hội được thể hiện năng lực và phẩm chất tại các nhà xuất bản.

Sáu là, thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với các cơ quan, tổ chức nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể, kể cả các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam... nhằm thu hút các nguồn lực xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa trong hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị theo đúng quy định của pháp luật.

1. Từ năm 2003 đến tháng 6/2019, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản 15.611 đầu sách (bao gồm cả sách in mới và tái bản và in nối), chủ yếu là sách chính trị, lý luận và pháp luật, số lượng in gần 55 triệu cuốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

2. Đinh Xuân Dũng - Ngô Trần Ái (Đồng chủ biên): Các nhà xuất bản Việt Nam đương đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013.

3. Vũ Văn Phúc (Chủ biên): Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.

4. Nhiều tác giả: Xuất bản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb. Thời đại, 2012.

5. PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh (Chỉ đạo nội dung): Xuất bản Việt Nam trong những năm đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

6. Châu Úy Hoa: Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

TS. Hoàng Mạnh Thắng

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Bình luận