Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở

Ngày đăng: 28/09/2018 - 14:09

Xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện và phát triển đất nước, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở là nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, quyết định sự phát triển của văn hóa dân tộc. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần được thực hiện bằng những giải pháp phù hợp.

Đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa ở cơ sở là nhân tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Văn hóa cơ sở, vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giữ vị trí hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống, của mỗi người dân và cộng đồng dân cư ở địa bàn cơ sở. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là tiến hành củng cố và phát huy những thành tựu văn hóa hiện có, nâng cao những giá trị tốt đẹp của tổ tiên truyền lại, từ đó tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống, làm cho văn hóa ngày càng trở thành yếu tố khăng khít của đời sống xã hội và mọi hoạt động của nhân dân, thành một lực lượng sản xuất quan trọng. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (tháng 6-1998), về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đặt ra nhiệm vụ cấp bách: “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội...), các vùng dân cư (đô thị, nông thôn, miền núi...) đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân”. Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (tháng 7-2004) đề ra nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, phong phú”. Đây là định hướng kịp thời, đúng đắn của Đảng, kim chỉ nam cho xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa ở cơ sở.

Nội dung công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở bao gồm các lĩnh vực hoạt động: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng (thôn, ấp, bản), tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, công tác tuyên truyền cổ động, công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, hoạt động nghệ thuật quần chúng, công tác sưu tầm, khai thác và bảo vệ di sản văn hóa... Để bảo đảm yêu cầu cầu nhiệm vụ này, cần có một đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa có phẩm chất đạo đức, có năng lực trình độ chuyên môn, có độ thẩm thấu, am hiểu về hoạt động mang tính đặc thù của ngành văn hóa. Chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đặt ra yêu cầu về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ: “Nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp. Sử dụng và bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ hiện có. Xây dựng quy hoạch và thực hiện chương trình đào tạo lớp cán bộ mới (cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên gia) đủ phẩm chất và năng lực đảm đương công việc trong những năm tới”. Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh và khẳng định “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao”.

Thực trạng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở

Hiện nay, toàn quốc có 63 Sở Văn hóa - Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bên cạnh thành phần lãnh đạo các sở, lực lượng tham gia công tác xây dựng và quản lý hoạt động văn hóa cơ sở hiện nay được cơ cấu biên chế thuộc các phòng chức năng của sở gồm các phòng: Nghiệp vụ văn hóa, Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Quản lý Di sản văn hóa. Tương ứng với cơ cấu, chức năng nhiệm vụ, số lượng cán bộ nghiệp vụ của các phòng chuyên môn nghiệp vụ (định biên khoảng từ 5 - 7 người biên chế theo vị trí việc làm). 

Về số lượng: Toàn quốc có 75 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, (gồm: 69 trung tâm văn hóa, 06 thiết chế văn hóa có tên gọi khác là 04 trung tâm văn hóa điện ảnh và 02 trung tâm thông tin - triển lãm). Cấp quận/huyện: cả nước có 613/709 huyện có Trung tâm văn hóa hoặc Nhà văn hóa cấp huyện, chiếm tỷ lệ là 86,4%, (tiêu chí chuẩn theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 80%). Cả nước có 5.966/11.198 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao chiếm tỷ lệ 53,2%, tiêu chí quy hoạch đề ra đến năm 2020 là 80%; 66.513 thôn (ấp) có nhà văn hóa; 7.558 xã có sân thể thao; 34.303 thôn có sân thể thao. Cả nước hiện có 61 đội tuyên truyền lưu động, cấp tỉnh (cán bộ trong biên chế: 434 người, hợp đồng: 215 người), 628 đội cấp huyện (cán bộ trong biên chế: 1934 người, hợp đồng: 2.272 người(5), 100% số xã, phường, thị trấn có cán bộ công chức chuyên trách văn hóa xã hội. 

Về cơ cấu thành phần, chất lượng và trình độ cán bộ, công chức được thể hiện:

Thứ nhất, thành phần cán bộ, công chức văn hóa cơ sở, gồm: cán bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở bao gồm: cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các phòng chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao; cán bộ thuộc các Phòng Văn hóa - Thông tin của 709 quận/huyện trên toàn quốc (số lượng định biên từ 5 - 7 người/phòng - thuộc mã ngạch công chức Chuyên viên). Một lực lượng quan trọng nữa là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chức năng hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung các chương trình hoạt động văn hóa cơ sở ở địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện (số lượng định biên từ 10 - 15 người/Trung tâm cấp tỉnh; 8 - 10 người/Trung tâm cấp huyện - thuộc mã ngạch Hướng dẫn viên. Số lượng này chưa tính cán bộ hợp đồng). Nhóm cán bộ công chức văn hóa - xã hội cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn xã/phường bao gồm: hoạt động của thiết chế văn hóa xã, tổ chức lễ hội truyền thống, điểm vui chơi giải trí và xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở địa phương. Giúp chính quyền xã/phường vận động để thực hiện xã hội hóa các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa ở địa phương (định biên 1 công chức/1 xã, phường - thuộc mã ngạch công chức văn hóa - xã hội).

Thứ hai, về yêu cầu trình độ chuyên môn: Để tương ứng với cơ cấu bộ máy hoạt động, thực hiên chức năng nhiệm vụ và yêu cầu cơ bản đáp ứng trình độ chuyên môn như trên, đòi hỏi phải có số lượng cán bộ tương ứng được đào tạo cơ bản, đạt yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Cán bộ nghiệp vụ văn hóa thuộc Sở Văn hóa - Thể thao, Phòng Văn hóa - Thông tin cấp quận/huyện, Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, cấp quận/huyện phải có trình độ từ Đại học; Cán bộ Công chức văn hóa xã hội cấp xã/phường phải đạt trình độ từ Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch trở lên.

Thứ ba, về chất lượng cán bộ: Cán bộ, công chức văn hóa cơ sở phải có phẩm chất đạo đức, bảo đảm những tiêu chí về số lượng và trình độ chuyên môn đòi hỏi cán bộ văn hóa cơ sở phải có năng lực thực tiễn, vì hoạt động đời sống văn hóa cơ sở đa dạng, nhạy cảm nên cán bộ phải thẩm thấu và am hiểu về nếp sống, lối sống của từng cộng đồng dân cư cũng như từng tộc người mới tham mưu giải quyết được những vấn đề luôn phát sinh trong đời sống thực tiễn.

Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở phần lớn được đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ sở đào tạo Đại học có ngành nghề liên quan, như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, các Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật tại địa phương... Hầu hết cán bộ văn hóa cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, có tâm, có năng lực và nhiệt huyết để quản lý và tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn hóa ở cơ sở. Nhờ nguồn lực cán bộ văn hóa cơ sở, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về văn hóa, về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được nâng lên. Nhiều giá trị văn hóa; các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thâm nhập sâu rộng vào đời sống đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và cá nhân, đóng góp to lớn vào xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; mô hình, điển hình tiên tiến về xã hội hóa văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, tạo nên sự đa dạng về nội dung và phương thức tổ chức xây dựng đời sống văn hóa và phát huy sức sáng tạo văn hóa của nhân dân trên các địa bàn cơ sở. 

Kết quả này thể hiện những cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống văn hóa cơ sở theo xu hướng tích cực và tiến bộ, song trên thực tế, công tác đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở còn bất cập, năng lực của một bộ phận cán bộ công chức văn hóa còn hạn chế, chưa cập với yêu cầu nhiệm vụ công tác là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của văn hóa chưa đồng bộ, văn hóa phát triển chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Công tác đào tạo cán bộ còn bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập cụ thể là:

Một là, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cán bộ, công chức văn hóa cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thời gian qua tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Quy hoạch nguồn cán bộ để có định hướng đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lâu dài còn chậm, không đáp ứng với xu thế phát triển văn hóa hiện nay, không khuyến khích được đội ngũ kế cận có tư duy quản lý, và năng lực chuyên môn tương xứng với nhiệm vụ được giao thực thi. 

Hai là, văn hóa là một ngành đa lĩnh vực, chứa đựng cả những yếu tố vật thể và phi vật thể, mang tính đặc thù cao, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong khi đó trình độ và năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ văn hóa cơ sở còn yếu cả tư duy quản lý và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn nên chưa đủ năng lực, thế mạnh để giải quyết những hiện tượng văn hóa mới, những vấn đề nảy sinh có tính phức tạp trong hoạt động văn hóa ở cơ sở, như công tác quản lý và tổ chức lễ hội, vấn đề bảo tồn và tu bổ di tích, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, gìn giữ các cổ tục, phong tục tập quán tín ngưỡng khiến dư luận còn nhiều bức xúc trong thời gian qua...

Ba là, chưa có cơ chế đặc biệt, ưu đãi để tạo nguồn cán bộ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chủ yếu là cán bộ tại chỗ, chưa thu hút được cán bộ giỏi về đứng chân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa cùng đồng bào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đời sống văn hóa ở các vùng đặc biệt, vùng có hoàn cảnh đặc biệt còn nghèo nàn, đơn điệu, không bắt nhịp được với vùng đô thị và đồng bằng dẫn đến chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ văn hóa. Những yếu kém trên dẫn đến tình trạng còn hẫng hụt cán bộ nhất là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có kinh nghiệm chuyên sâu và đội ngũ chuyên gia văn hóa vốn có bề dày kinh nghiệm thực tiễn.

Về chất lượng của cán bộ cũng đang đặt ra những đòi hỏi cần phải giải quyết: Tính năng động, chủ động, sáng tạo của một bộ phận công chức văn hóa cơ sở còn hạn chế, trình độ năng lực thực tiễn và phương pháp công tác chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ chuyên môn. 

Bốn là, mức đầu tư ngân sách cho văn hóa còn thấp. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở còn nhiều bất hợp lý. Quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa là một công việc rất phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi cả về kiến thức, kỹ năng lẫn tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, thì một số cán bộ trong lĩnh vực này (nhất là cán bộ cấp cơ sở) còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, còn nhiều lúng túng trong hoạt động, chưa đáp ứng yêu cầu công tác, hoặc là khi đã thạo nghề và quen việc lại luôn biến động.

Năm là, chương trình đào tạo còn bất cập so với tốc độ phát triển văn hóa và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, đó là: hoạt động văn hóa đang biến đổi mạnh trong cơ chế thị trường gây khó dễ cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện, trong khi đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ít được đào tạo đúng chuyên ngành văn hóa; các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chưa thực chất, chưa hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa; chất lượng, chương trình đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật cũng còn nhiều bất cập trong cơ chế thị trường.

Sáu là, số cán bộ công chức văn hóa - xã hội xã, phường đóng vai trò quan trọng trong triển khai công việc tại địa bàn cơ sở, địa bàn sát và gần dân nhất, là người trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn nhưng thường không ổn định, một số chưa qua đào tạo cơ bản, còn thiếu và rất yếu về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng tổ chức hoạt động. Phần lớn làm việc chế độ dân cử, dựa vào lòng nhiệt tình vốn có, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa đủ năng lực, trình độ và các tiêu chuẩn cần thiết khác. Do đó, chưa có phương pháp tổ chức hoạt động, nên thường bị động, chưa bảo đảm được yêu cầu công tác trong điều kiện xã hội và trình độ dân trí ngày càng cao. Vì vậy, việc đào tạo, củng cố, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở đang là vấn đề cấp bách ở nhiều địa phương trong cả nước.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đề ra mục tiêu: Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống... Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Thực tế hoạt động văn hóa cơ sở đã cho thấy, dù điều kiện cơ sở vật chất có tốt, nhưng tác dụng và hiệu quả của hoạt động văn hóa cơ sở lại phụ thuộc vào sự điều hành và tổ chức nội dung hoạt động của cán bộ, công chức văn hóa cơ sở. Với những yêu cầu trên, lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở cần phải được củng cố, hoàn thiện để có thể hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Để đào tạo nguồn cán bộ văn hóa cơ sở, cần có lộ trình thực hiện bằng những giải pháp vừa cụ thể, vừa thiết thực. 

Thứ nhất, chủ động dự báo nhu cầu cán bộ để quy hoạch gắn với đào tạo, có định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức văn hóa cơ sở theo tiêu chuẩn chức danh, trang bị bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành, từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở đáp ứng với yêu cầu quá trình phát triển văn hóa.

Thứ hai, thường xuyên tập huấn, bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng quản lý và tổ chức các nội dung hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, trang bị kiến thức quản lý và tổ chức hoạt động phong trào: quản lý, sử dụng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở; hướng dẫn hoạt động phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản) văn hoá, gia đình văn hóa, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; kỹ năng tổ chức các loại hình lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội; phương pháp tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng tại địa bàn cơ sở. Hằng năm cán bộ văn hóa cơ sở tập trung ngắn ngày để bồi dưỡng tập huấn cập nhật kiến thức thường xuyên phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện để kịp thời giải quyết những phát sinh trong đời sống thực tiễn. 

Thứ ba, bổ sung kịp thời các chương trình đào tạo liên quan đến hoạt động văn hóa cơ sở. Đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hóa, cần kịp thời bổ sung khung chương trình đào tạo cho sinh viên những kiến thức thực tế về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như kiến thức về xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, quản lý các hoạt động văn hóa truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, về công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tạo cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và các địa phương. Công tác đào tạo phải gắn liền với yêu cầu sử dụng cán bộ. Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa nguồn cung và cầu: tránh tình trạng sinh viên được đào tạo cơ bản lại thất nghiệp khi ra trường, trong khi đó nguồn cán bộ văn hóa cơ sở lại bị hụt hẵng, bất cập về trình độ chuyên môn. Cán bộ văn hóa cơ sở tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phải có kinh nghiệm, phải am hiểu văn hóa cơ sở qua thực tiễn hoạt động, điều này đồng nghĩa với việc phải có kiến thức cơ bản, có thời gian làm việc để nắm bắt và có kinh nghiệm để trau dồi trong hoạt động thực tiễn.

Thứ năm, có chính sách đãi ngộ hợp lý để sử dụng đội ngũ cán bộ được lâu dài, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp đại học về vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh đặc biệt để cùng đồng bào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trên thực tế tại những vùng này, chủ yếu là cán bộ cử tuyển, thiếu hụt cán bộ chuyên môn cũng là nguyên nhân dẫn đến văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chậm phát triển.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức văn hóa cơ sở đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay. Bản thân mỗi cán bộ, công chức văn hóa cơ sở phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, có ý thức cầu thị tiến bộ, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước và phương pháp tổ chức hoạt động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Thường xuyên nắm bắt kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động văn hóa cơ sở, nắm bắt kịp thời những diễn biến trong đời sống của nhân dân tại địa phương mình để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện./.

Lê Thị Bích Thuận

ThS. Đại học Văn hóa Hà Nội

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận