Nâng cao chất lượng lập pháp của Quốc hội

Ngày đăng: 09/04/2019 - 14:04

Trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, chất lượng văn bản pháp luật phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của quốc hội. Mặc dù với Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2014, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban ngày càng ổn định, tính chuyên môn hóa cao hơn, sự phân định nhiệm vụ - quyền hạn cũng rõ ràng, hợp lý và hiệu quả hơn, song vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Phân công, phân nhiệm

Trong nhiều diễn đàn gần đây về vấn đề này, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu, phân công thẩm tra các dự án luật một cách hợp lý, nhất là các dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng và nhiều ủy ban.

Trên thực tế, một số ủy ban (như Ủy ban Pháp luật, Tư pháp, Kinh tế, Tài chính - Ngân sách) được phân công thẩm tra quá nhiều dự án, nhưng có ủy ban được phân công thẩm tra ít dự án. Thậm chí, Hội đồng Dân tộc trong các nhiệm kỳ gần đây hầu như không được phân công chủ trì thẩm tra một dự án luật, pháp lệnh nào.

Việc phân công nhiệm vụ cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban không đơn giản. Nhiều khi, lãnh đạo Quốc hội cũng phải tìm giải pháp san sẻ bớt gánh nặng cho một ủy ban nào đó, đồng thời “chia việc” cho một ủy ban khác. Và không phải trong mọi trường hợp, việc phân công cho Hội đồng Dân tộc, từng ủy ban thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh đã là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Số lượng dự án luật được xem xét, thông qua tại mỗi kỳ họp Quốc hội ngày càng nhiều, nên bắt buộc phải có một quy chế mang tính nguyên tắc về phân công thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh phù hợp tương đối với chuyên môn và khả năng của cơ quan thẩm tra. Cũng không thể thiếu cơ chế phối hợp thẩm tra giữa Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Trong từng cơ quan nêu trên của Quốc hội, cần bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Mối quan hệ công tác và trách nhiệm của các thành viên của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban cần được làm rõ để khắc phục các biểu hiện “hành chính hóa”.

Cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh đa số các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình, còn có một số dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan của Quốc hội trình (như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi), Luật Về hoạt động giám sát của Quốc hội...). Việc thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh loại này cần được điều chỉnh bởi những quy định riêng thì mới không rơi vào tình huống “vừa đá bóng vừa thổi còi”, bảo đảm tính khách quan và chất lượng của văn bản pháp luật.

Kiêm nhiệm nhưng vẫn phải chuyên nghiệp!

Nhìn lại cơ cấu tổ chức của Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, hầu hết các ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đều hoạt động kiêm nhiệm. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến nay, số lượng các ủy viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tăng lên, nhưng tỷ lệ ủy viên kiêm nhiệm vẫn chiếm đa số (khoảng trên 75% tổng số thành viên).

Còn nhớ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi tổng kết nhiệm kỳ công tác của Quốc hội khóa XIII và “gửi gắm” thông điệp đến Quốc hội khóa XIV đã nhấn mạnh: “Chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội có năng lực, trình độ chuyên môn sẽ góp phần quan trọng, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải trở thành nòng cốt trong việc xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát cũng như các hoạt động khác của Quốc hội”.

Không thể dành 100% thời gian làm việc cho Quốc hội có lẽ chính là nguyên nhân lớn nhất làm giảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp nói chung, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban nói riêng. Những bất hợp lý về địa vị pháp lý, vị thế, các điều kiện bảo đảm hoạt động… khiến cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban luôn bị quá tải về khối lượng công việc và chịu áp lực rất lớn về thời gian. Tình trạng hồ sơ tài liệu không đầy đủ và chỉ được chuyển cho cơ quan thẩm tra 1-2 ngày trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là chuyện hiếm và thường xuyên được người đứng đầu các ủy ban của Quốc hội phản ánh tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ.

Tuy nhiên, với thể chế hiện hành và trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, việc chuyên nghiệp hóa toàn bộ ĐBQH nói chung và thành viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban nói riêng là chưa thể, ít nhất là trong một vài nhiệm kỳ tới của Quốc hội. Vì thế, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thì cần tập trung đầu tư cho các cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để tận dụng được chất xám của đội ngũ chuyên gia; tập hợp, chắt lọc được những ý kiến hợp lý của toàn xã hội, đặc biệt là của những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản pháp luật.

Cuối cùng, có lẽ không nên quá cầu toàn khi đặt ra kế hoạch xây dựng pháp luật, tạo ra sức ép tiến độ - nhiều khi dẫn đến việc các cơ quan có liên quan cho ra những sản phẩm chưa hoàn chỉnh.

Cổ ngữ Việt Nam có câu “làm đi không ngại bằng làm lại”. Trong trường hợp này, việc “làm lại” dẫn đến hao phí nguồn lực rất lớn của nhân dân. Vì thế, việc xác định đúng thứ tự ưu tiên trong xây dựng pháp luật là yêu cầu cực kỳ quan trọng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khối lượng xây dựng pháp luật hiện nay là quá lớn, quá tải với nhiều cơ quan (từ nay đến năm 2020 còn phải thông qua khoảng 40 luật). Trong đó, do chất lượng một số luật đã thông qua chưa cao, nên vừa sửa xong lại phát sinh những vướng mắc đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi và bổ sung.

BT: Kiều Trang

Theo Báo Nhân dân điên tử

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả