Nhà nước ta - Nhà nước cách mạng với “thần linh” pháp quyền

Ngày đăng: 04/09/2018 - 08:09

Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945) đến nay, tư tưởng xây dựng một nhà nước dân chủ, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; có nền dân chủ lập hiến, quản lý đất nước bằng pháp luật là tư tưởng nhất quán, được hình thành và phát triển ngày một hoàn thiện qua các thời kỳ. Nhân Dân cuối tuần giới thiệu chuyên đề “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” nêu lên những kinh nghiệm, cách làm và hướng đi để nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện và đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, vì mục tiêu chung là phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945, đất nước và dân tộc ta hiên ngang bước vào một kỷ nguyên mới chan hòa ánh sáng: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Nhà nước ta - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ngay từ ngày mới ra đời, đã tỏ rõ là một Nhà nước mang bản chất cách mạng và tính nhân dân sâu sắc. Qua 73 năm trưởng thành và phát triển, với hai lần thay đổi Quốc hiệu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), năm lần ban hành hay sửa đổi Hiến pháp (1946, 1954, 1980, 1992, mới nhất là 2013), Nhà nước ta đã được minh danh là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Vậy Nhà nước pháp quyền (NNPQ) được hiểu là gì? Phải chăng đây là một khái niệm hoàn toàn mới? Không. NNPQ là khái niệm chỉ rõ nội dung dân chủ của Nhà nước. Tư tưởng về NNPQ đã có từ thời kỳ cổ đại, nhưng thuật ngữ NNPQ chỉ được dùng phổ biến ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Theo đó, khi nói tới NNPQ trước hết là nói tới sự ngự trị của pháp luật trong đời sống xã hội và chính trị với tính cách là ý chí của nhân dân; nói một cách khác, về pháp lý hình thức, đây là yêu cầu bảo đảm pháp chế trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật. Nhưng về nội dung, bản thân pháp luật có bảo đảm yêu cầu khách quan thúc đẩy tiến bộ xã hội hay không, nó nhằm phục vụ ai và đem lại quyền lợi cho ai, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào các giai cấp và thế lực cầm quyền.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng NNPQ với nội dung cơ bản là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nguyên tắc thống nhất quyền lực và có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp…

Viết mấy dòng này, tôi bỗng nhớ đến một sự việc được sử sách nói nhiều vào năm 1919. Năm ấy, sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, một số nhà yêu nước Việt Nam đã gửi đến Hội nghị Véc-xây một bản Yêu sách gồm tám điều, đòi xóa bỏ ách nô lệ, thiết lập quyền tự do dân chủ cho Việt Nam, trong đó, điều thứ 7 đòi phải có Hiến pháp. Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc thể hiện thành diễn ca trong bài Việt Nam yêu cầu ca như sau:

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền 

“Thần linh” được nói ở đây không phải là một sức mạnh siêu nhiên nào đó, mà là sức mạnh của chính bản thân nền dân chủ theo tư tưởng pháp quyền. Đây không phải một yêu sách ngẫu nhiên.

Càng không phải ngẫu nhiên hơn nữa là: Chỉ bốn tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lãnh đạo tổ chức Tổng Tuyển cử, bầu ra Chính phủ và thông qua Hiến pháp năm 1946.

Quan điểm xuyên suốt của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta là luôn coi nước ta do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Cái đầu đề tôi chọn cho bài viết này “Nhà nước ta - Nhà nước cách mạng với “thần linh” pháp quyền” là có ý như vậy.

Ôn cũ để biết mới.

Hãy xem, qua hai kỳ đại hội gần đây nhất, Đảng ta đã nói gì về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Nét chung nhất là cả hai Đại hội XI (2011) và XII (2016) đều nêu cao nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…”. Khác nhau là ở chỗ, Đại hội XI đặt vấn đề “khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được bổ sung, sửa đổi năm 2001) phù hợp với tình hình mới”. Còn Đại hội XII, sau khi Hiến pháp năm 2013 đã được ban hành thì đặt vấn đề phải thực hiện đầy đủ những nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước được quy định trong Hiến pháp. Đại hội XII còn quyết định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Nội dung là: Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao hơn. Xây dựng NNPQ phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Gần ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, bức tranh về xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã khắc họa thêm nhiều nét mới, ngày một sống động và sáng sủa hơn.

Sống động và sáng sủa trong hoạt động của Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Những đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp và giám sát tối cao là rất đáng ghi nhận, thể hiện không chỉ trong quy trình lập pháp mà còn cả trong các phiên họp, công khai tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn…

Sống động và sáng sủa trong hoạt động của Chính phủ, với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, Chính phủ đã mạnh dạn và quyết liệt trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, đẩy nhanh cải cách hành chính và áp dụng Chính phủ điện tử, vừa hiện đại hóa từng bước quản lý vừa xây dựng đạo đức công vụ, gần dân, sát dân.

Sống động và sáng sủa còn được ghi nhận qua những đổi mới bước đầu tích cực trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, của các Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân; của các cơ quan dân cử và chính quyền địa phương các cấp.

Có một điểm nhấn rất mấu chốt cần được nói rõ thêm. Đó là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Bác Hồ từng nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ giỏi thì việc gì cũng xong. Để có một đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa, công tác cán bộ phải được coi là có ý nghĩa quyết định.

Đối chiếu những định hướng và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng, xây dựng đội ngũ cán bộ cho cả hệ thống chính trị nói chung tại Nghị quyết Đại hội XII với những định hướng và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 mới đây, chúng ta vừa vui mừng về những gì đã làm được, lại vừa thấy trách nhiệm về những gì chưa làm được, còn hạn chế, yếu kém và bất cập. Lại càng phải suy nghĩ nhiều hơn cách làm thế nào để các mục tiêu và giải pháp về công tác cán bộ mà Đảng đề ra được thực hiện một cách tốt nhất.

Bài học rút ra từ thực tiễn: Xây dựng NNPQ là công việc chung của toàn Đảng, toàn dân. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là một bộ phận không tách rời của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và của hệ thống chính trị nói chung. Nó phải gắn kết chặt chẽ và chịu sự chi phối của những yêu cầu và các tiêu chí chung cho đội ngũ cán bộ, nổi lên hàng đầu là “đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, như Nghị quyết Trung ương 7 đã nêu.

Tháng 9-2018

Hà Đăng

Theo Nhân dân cuối tuần

Bình luận