Pháp luật về hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản

Ngày đăng: 09/11/2018 - 16:11

Quyền tác giả là một lĩnh vực phức tạp. Ở Việt Nam, việc sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm vẫn diễn ra, tình trạng in lậu sách vẫn chưa được chấm dứt... Để tăng cường bảo hộ quyền tác giả, khuyến khích và phổ biến các sáng tạo cá nhân thì hợp đồng sử dụng tác phẩm là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Hợp đồng sử dụng tác phẩm là hợp đồng được giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu tác phẩm và bên sử dụng tác phẩm về việc chuyển giao một hay một số quyền sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho bên sử dụng tác phẩm.

Về bản chất, hợp đồng sử dụng tác phẩm là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để tác giả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Pháp luật về quyền tác giả là một nhánh của pháp luật đề cập quyền của người sáng tạo trí tuệ. Bảo hộ quyền tác giả là một công cụ hữu hiệu nhất nhằm khuyến khích, làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia. Sự phát triển của một đất nước phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sáng tạo của người dân và việc khuyến khích sáng tạo cá nhân, phổ biến các sáng tạo đó là điều kiện thiết yếu đối với quá trình phát triển. Chính vì vậy, mọi sáng tạo cần được bảo vệ và ghi nhận đầy đủ, khách quan. Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản đóng vai trò quan trọng đó, điều chỉnh quan hệ pháp luật giữa tác giả, người sở hữu tác phẩm thông qua các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành… truyền đạt, công bố tới công chúng, hạn chế những rủi ro về vi phạm bản quyền đối với tác giả và người sử dụng tác phẩm.

Hợp đồng sử dụng tác phẩm là một khái niệm được đưa ra trong Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định số 76-CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự, Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76-CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, phần lớn các văn bản pháp luật này hiện đã được sửa đổi, bổ sung, thậm chí đã được thay thế như Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có những quy định pháp luật mới về hợp đồng sử dụng tác phẩm. Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, các điều khoản về quyền tác giả, quyền liên quan và những nội dung về sở hữu trí tuệ đã được tách riêng, đưa vào trong Luật Sở hữu trí tuệ. Mặc dù vậy, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn lại không nhắc đến công cụ pháp lý là hợp đồng sử dụng tác phẩm. Chính vì thế, hiện nay, các nhà xuất bản sử dụng các tên gọi khác nhau như: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật thì sử dụng khái niệm hợp đồng sử dụng tác phẩm, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sử dụng tên gọi hợp đồng sử dụng bản thảo, Nhà xuất bản Giáo dục lại dùng tên gọi hợp đồng biên soạn,… Mặc dù được dùng với các tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính của loại hợp đồng này là phân định quyền sử dụng, quyền lợi kinh tế (nhuận bút), thời gian, thời hạn sử dụng tác phẩm, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên. Các nhà xuất bản sử dụng các tên gọi khác nhau như “tác phẩm”, “biên soạn” hay “bản thảo” nhằm phản ánh thực tế tình trạng tài liệu dự tính xuất bản của tác giả. Theo hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản, các bên có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng, nếu bên nào làm sai các nội dung đã  thỏa thuận thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mặc dù hợp đồng sử dụng tác phẩm có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực xuất bản, tuy nhiên, nhiều biên tập viên chưa thật sự hiểu được tầm quan trọng của công cụ pháp lý này, xác lập hợp đồng sử dụng tác phẩm một cách máy móc, vì vậy đã gặp lúng túng trong nhiều trường hợp xác lập và thực hiện hợp đồng sử dụng tác phẩm. Ví dụ như: trường hợp tác phẩm có nhiều tác giả, hoặc sách là kỷ yếu của hội nghị, hội thảo tập hợp nhiều bài viết, tham luận của các tác giả khác nhau, biên tập viên không xác định được ai là đại diện tác giả để ký hợp đồng sử dụng tác phẩm, vì thế, mỗi biên tập viên tùy thuộc vào khả năng nhận thức sẽ xác lập hợp đồng sử dụng tác phẩm theo các hướng khác nhau.

Một số nhà xuất bản dù đã ban hành quy định về Quy trình xuất bản, nhưng việc áp dụng hợp đồng sử dụng tác phẩm lại không được quy định chặt chẽ, chi tiết và có tính chất bắt buộc. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, Giám đốc - Tổng Biên tập nhà xuất bản sẽ yêu cầu áp dụng hợp đồng sử dụng tác phẩm hay không. Nói cách khác, việc áp dụng hợp đồng sử dụng tác phẩm còn có tính chất cảm tính,  không triệt để, dẫn đến việc lúc có, lúc không và chưa được ban hành thành quy định chung có tính chất bắt buộc, có hướng dẫn chi tiết cho từng trường hợp,…

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện hợp đồng sử dụng tác phẩm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả và người sử dụng tác phẩm trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật xuất bản, pháp luật hợp đồng kinh tế, pháp luật về những giao dịch dân sự mang tính chất đặc biệt và các văn bản hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật như: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật Xuất bản năm 2012…, nhất là những văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực xuất bản. Cần ban hành mới một định nghĩa chung, có tính thống nhất về hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản để tất cả các đơn vị, các nhà xuất bản sử dụng trong quá trình biên tập, xuất bản. Đồng thời, có định nghĩa thống nhất để áp dụng cho đúng trong từng trường hợp cụ thể như khái niệm “tác phẩm”, “bản thảo”, “biên soạn tác phẩm” nhằm tránh những mâu thuẫn và tranh chấp phát sinh không đáng có xảy ra giữa tác giả, người sở hữu tác phẩm với các nhà xuất bản.

Chính những “khoảng trống” đó đòi hỏi công tác pháp điển hóa các văn bản pháp luật phải bảo đảm tính đồng bộ và tương thích của hệ thống các quy phạm điều chỉnh để bảo vệ tốt nhất quyền nhân thân trong lĩnh vực xuất bản. Rà soát, xây dựng, ban hành và sửa đổi những cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất bản phù hợp với các quy định của Luật Xuất bản năm 2012, Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, cần hoàn thiện mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm áp dụng cho từng loại sách khác nhau, như: sách tự phát hành; sách liên kết; sách kỷ yếu hội nghị,  hội thảo; sách có nhiều tác giả,… tùy vào từng mục đích của xuất bản phẩm được phát hành, tránh những tranh chấp phát sinh không đáng có giữa tác giả và nhà xuất bản.

Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn của biên tập viên, cán bộ, viên chức nhà xuất bản chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác bản thảo để thu hút thêm nhiều tác giả, cộng tác viên với những bản thảo chất lượng, có tính thời sự cao, được đông đảo bạn đọc quan tâm. Tìm kiếm, lựa chọn và xuất bản các sách bản quyền nước ngoài có tính thời sự, tính sáng tạo, đổi mới, phù hợp với nhu cầu, tính đại chúng,...

Thứ tư, ban hành thành các quy trình chuẩn như quy trình xuất bản và các quy trình, quy chế hỗ trợ khác, trong đó quy định chi tiết các khâu, các nghiệp vụ cụ thể cho từng công đoạn sản xuất một cuốn sách... làm nền tảng pháp lý chặt chẽ cho quá trình thực thi các nghiệp vụ xuất bản - in - phát hành được tiến hành một cách bài bản, quy củ.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; bồi dưỡng, hướng dẫn biên tập viên, cán bộ, viên chức nâng cao trình độ, nghiệp vụ biên tập, xuất bản, tâm huyết với nghề, làm việc có nền nếp trong các khâu xuất bản - in - phát hành.

BÙI THỊ NHÂM

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Bình luận