Quy định pháp luật về xuất bản điện tử

Ngày đăng: 04/01/2019 - 15:01

Khái niệm “xuất bản điện tử” có thể còn xa lạ đối với nhiều người, nhưng bản chất là việc một tác phẩm thay vì xuất bản thành sách và đưa ra thị trường, thì được đăng tải lên internet ở một website của nhà xuất bản đã đăng ký hoạt động xuất bản điện tử.

Theo Luật Xuất bản năm 2012, hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Hiện nay, Nhà nước mới chỉ cho phép các đơn vị tư nhân tham gia hoạt động in ấn và phát hành sách. Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành, hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử. Xuất bản điện tử cũng có những công đoạn tương tự xuất bản truyền thống, chỉ khác ở giai đoạn sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử. Luật Xuất bản không quy định thế nào là phương tiện điện tử.

Khái niệm này chỉ được tìm thấy tại khoản 10, Điều 4 của Luật Giao dịch điện tử: “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện tử hoặc công nghệ tương tự”.

Xuất bản phẩm điện tử là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn học - nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Xuất bản phẩm điện tử bao gồm 2 loại: được chuyển sang hình thức điện tử từ xuất bản phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác; được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Như vậy, pháp luật không còn giới hạn xuất bản ở dạng vật chất như sách theo cách hiểu truyền thống, mà mở rộng sang môi trường số hóa. Tuy nhiên, nếu hiểu định nghĩa trên về xuất bản điện tử và xuất bản phẩm điện tử một cách máy móc theo kiểu chiết tự, thì việc một người tạo lập và đăng tải bài đăng của mình lên một trang mạng xã hội sẽ được coi là hành vi xuất bản điện tử. Bởi lẽ trong trường hợp này, có thể giải thích bài đăng là một xuất bản phẩm điện tử, việc đăng tải là xuất bản, và máy tính là phương tiện điện tử. Dù rằng, bản chất của hành vi này hoàn toàn khác với bản chất của hoạt động xuất bản được quy định trong luật ở chỗ: một bên là hoạt động cá nhân mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát, mang tính riêng tư; một bên là hoạt động của một đơn vị được cấp giấy phép hoạt động xuất bản có tính chất quy mô, có tổ chức, công khai. Vì thế, các nhà làm luật cần nghiên cứu về vấn đề này để tránh gây hiểu nhầm khi áp dụng pháp luật.

Nhằm đảm bảo các quy định của Luật Xuất bản được thực thi đầy đủ và nghiêm túc, Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành. Có thể kể đến những hành vi vi phạm như: xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trước khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng internet không có tên miền internet Việt Nam theo quy định của pháp luật; không đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Theo đó, các vi phạm liên quan đến xuất bản điện tử có nguy cơ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 10 triệu đồng, có thể kèm theo hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: bị buộc gỡ bỏ các xuất bản phẩm điện tử vi phạm.

Theo Sài Gòn giải phóng

Bình luận