Sách của thư viện bán ra ngoài rất nhiều

Ngày đăng: 15/03/2019 - 08:03

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng hoạt động thư viện có thời gian bị buông lỏng, có nơi không duy trì được nên thất thoát, lãng phí.

Sáng ngày 13/3/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thư viện.

“Có sự lãng quên, xuống cấp”

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở.

Mặc dù có sự phát triển về số lượng, cải thiện về chất lượng nhưng hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thỏa mãn được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, khó khăn lớn nhất hiện nay của các thư viện là thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, thư viện chưa thực sự được tạo điều kiện để phát huy hết sự chủ động và sáng tạo trong công tác...

Góp ý về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng hoạt động thư viện có những năm phát triển rất mạnh, gắn với phong trào độc nhưng những năm gần đây cảm nhận có sự lãng quên, xuống cấp.

“Tôi thi thoảng ra hội sách cũ thì thấy sách của thư viện được bán ra rất nhiều. Thư viện các học viện, các trường, cơ quan nhà nước, hình như họ giải thể thư viện này bằng cách sách bán theo cân. Người mua sách này thanh lọc ra để bán và có quyển bán rất đắt. Lực lượng tài sản của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khá nghiêm trọng. Hệ thống thư viện một số nơi không còn duy trì được, thất thoát lắm!” – ông Phùng Quốc Hiển băn khoăn và ủng hộ ban hành Luật Thư viện để siết chặt và thúc đẩy phát triển thư viện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, ông đi nhiều nước và dù là nước rất giàu thì họ cũng không khoe GDP bình quân đầu người bao nhiêu, giàu thế nào mà thường mời đến xem các thư viện như thư viện Quốc hội, thư viện đại học... “choáng ngợp và phục vụ hiện đại” để thấy được nền văn hoá, trình độ văn hoá của họ.

Về nội dung dự luật, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần dày công nghiên cứu để quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Phải đảm bảo không phát sinh tổ chức, tăng biên chế

“Luật này ra đời thì tỷ lệ người sử dụng các thư viện sẽ tăng lên bao nhiêu? Luật thành công là phải thể hiện được điểm đó” – Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề khi góp ý vào dự thảo luật, đồng thời cho biết chưa thấy có đánh giá tác động về vấn đề này.

Nữ đại biểu cũng nêu thực tế hiện nay rất nhiều thứ người đọc có thể tìm kiếm trên mạng internet, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao ở một số nước người ta vẫn kéo được độc giả tới sử dụng các thư viện? Theo bà Hải, đó chính là cách làm, không phân biệt thư viện truyền thống và thư viện số mà phải phối hợp để thu hút người đọc. Ví dụ ở một số nước người đọc chỉ có thể đọc được trên mạng phần giới thiệu khái quát một số điểm còn muốn tiếp cận bản đầy đủ, bản gốc thì phải đến thư viện hoặc trả phí.

Nhấn mạnh vai trò định hướng đạo đức, lối sống cho người dân qua văn hoá đọc, nhất là với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan tâm đến các quy định liên quan thư viện trong trường học, cơ sở giáo dục. “Chất lượng hoạt động của thư viện trong cơ sở giáo dục phổ thông hiện chưa đáp ứng nhu cầu của các em. Do đó luật nên nhấn mạnh mục đích giáo dục đạo đức lối sống cho các em trong trường”.

Đề cập quy định về các điều kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ nghiệp vụ chuyên môn của người làm trong thư viện ở trình độ nào, trung cấp, cao đẳng, đại học? Hiện chúng ta có đào tạo cử nhân thư viện thì khi dự luật ra đời có bao nhiêu cử nhân làm việc, mối liên hệ với thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy, biên chế và xã hội hoá ra sao? Những vấn đề này phải tính đồng bộ.

Ông Uông Chu Lưu cũng cho rằng quy định chưa rõ về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện các cấp mà mới đề cập trong xây dựng tiêu chuẩn thư viện thuộc cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp cũng rất quan trọng nên cần làm rõ thêm.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước là làm sao nâng cao văn hoá đọc của người dân, do đó, việc nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật Thư viện để phát triển hoạt động thư viện là rất cần thiết. Tuy vậy, phải đảm bảo nguyên tắc luật ra đời không được làm phát sinh tổ chức, biên chế.

Do đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu bổ sung vào dự án luật để trình UBTVQH tiếp tục thảo luận trong phiên họp tháng 4. “Dù tại phiên họp tới còn ý kiến khác nhau thì quan điểm của tôi là ủng hộ trình ra Quốc hội, vì với gần 500 đại biểu sẽ có rất nhiều ý kiến hay để hoàn thiện xây dựng”.

BT: Kiều Trang

Theo Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam

Bình luận