Thành công nhưng không chủ quan

Ngày đăng: 07/12/2018 - 08:12

Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vừa qua, năm 2018 sẽ là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra, với 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Còn theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt mức 6,6 đến 6,8%, lạm phát khoảng 4%.

Toàn cảnh nghị trường kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Ðáng chú ý, ba điểm sáng nổi bật của năm 2018 là sự phát triển đồng đều của các ngành, các địa phương; sự cải thiện tích cực môi trường đầu tư; sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng qua, sản xuất công nghiệp tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,2%. Tổng cầu nội địa tăng mạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%.

Khách quốc tế vào Việt Nam đạt hơn 14 triệu lượt, tăng 21,3%. Cả nước xuất siêu 6,8 tỷ USD; hơn 121 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký tăng 9,1%; gần 32 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm 85,2%, vượt mục tiêu (85%) đề ra cho năm 2020.

Những cải thiện tích cực tiếp tục được ghi nhận trong thu - chi ngân sách nhà nước và bội chi ngân sách, kiểm soát nợ công, dự trữ ngoại hối nhà nước và tỷ lệ nợ xấu nội khối của hệ thống ngân hàng; giải ngân vốn FDI và đầu tư công. Mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ là 9,52% (thấp hơn mức tăng 11,02% của năm 2017), trong khi GDP tăng cao hơn, và vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 44,4%... cho thấy chuyển biến rõ rệt của hiệu quả tín dụng và xã hội hóa đầu tư, cũng như hoạt động sắp xếp, cơ cấu lại của ngành ngân hàng. Cả nước đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 51 tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; tỷ lệ nợ xấu giảm còn khoảng 2%. Thành lập, đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, dòng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tiếp tục mở rộng, với con số của cả năm hơn 360 triệu USD đầu tư mới và vốn tăng thêm.

Ðiểm nhấn đặc biệt của năm 2018 là Việt Nam đã ký và thông qua Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có mức mở cửa rộng, sâu, nhanh, chất lượng cao và toàn diện, kỳ vọng tạo nhiều xung lực tích cực cho cải thiện môi trường đầu tư chung cả nước. Ước đến cuối năm 2018, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% số điều kiện kinh doanh và 60% số thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Việt Nam được Tổ chức Oxfam (Anh) xếp thứ 12 trong số 157 quốc gia về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nhóm 10 quốc gia khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương cam kết mạnh mẽ nhất cải cách chính sách thuế. Ðiểm số của Việt Nam trong xếp hạng năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017.

Số lượt hộ và nhân khẩu thiếu đói trong năm cũng giảm mạnh hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 3,14%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%); gần 40% số xã và 55 huyện trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2 đến 5,7%, giảm 1 đến 1,5% (riêng các huyện nghèo giảm hơn 4%).

Về tổng thể, đến cuối năm 2018, cả nước đạt và vượt 11 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều áp lực, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp. Ðơn cử, tính chung 11 tháng cả nước có 97.969 doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản, tức bằng khoảng 64% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong thời gian đó.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương trên cả nước cần tiếp tục tích cực và thận trọng kiểm soát sức ép lạm phát, tai nạn giao thông, chống buôn lậu, gian lận thương mại và biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tỷ lệ nội địa hóa và tuân thủ cam kết hội nhập trong ngành thủy sản, cũng như quản lý nhà nước...

Năm 2019, cùng với sự phát triển tiếp tục của cách mạng công nghệ, nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại cả trên phạm vi toàn cầu, cũng như ở các nước phát triển nhất; tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức cả về thương mại, tài chính, tiền tệ và an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Ðồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp cận những cơ hội và thách thức mới từ nhiều FTA thế hệ mới, với yêu cầu cao hơn…

Thành công trong năm 2018 là quan trọng và điều kiện để Việt Nam thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư; phát huy tinh thần quốc gia khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cao hơn.

Theo Báo Nhân dân điện tử

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả