Thời cơ, sức bật của nền kinh tế trong năm 2019

Ngày đăng: 11/01/2019 - 10:01

Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hội tụ nhiều tin vui trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Riêng với sự phát triển của kinh tế, có thể nói đây là lĩnh vực đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, tiếp tục tạo đà phát triển cho năm 2019 và các năm tiếp theo…

Năm 2018, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua, vượt qua mọi dự báo lạc quan nhất. Đồng thời, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cũng đạt cao nhất từ trước đến nay, như về tổng kim ngạch xuất khẩu (245 tỷ USD) và xuất siêu hàng hóa (7,2 tỷ USD); về dự trữ ngoại hối (hơn 60 tỷ USD); về thu hút khách du lịch quốc tế (hơn 15,5 triệu lượt khách); về các doanh nghiệp (DN) đăng ký mới và quay lại hoạt động (hơn 160 nghìn DN). Giá trị IPO (Initial Public Offering - phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trên thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu Đông - Nam Á, vượt cả thị trường Xin-ga-po… Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát (3,54%); lãi suất và mức tín dụng phù hợp thị trường; nợ xấu và nợ công tiếp tục giảm tỷ trọng; giá trị đồng tiền ổn định và niềm tin chính sách, niềm tin thị trường được giữ vững; vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao. Việt Nam đã ký thông qua CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), lần đầu tiên được bầu là thành viên của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc. Hiện đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Thiệt hại từ thiên tai cả năm cũng giảm 50% so năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và người nghèo tiếp tục được cải thiện.

Biểu tượng điển hình cho sức bật thể chế của Việt Nam trong năm qua có thể kể đến những nỗ lực vượt qua chính mình của ngành điện. Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam đã đạt 87,94 điểm và đứng ở vị trí 27/190 quốc gia trên thế giới, tăng 37 bậc so xếp hạng năm 2017; đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN về thủ tục và thời gian thực hiện cung cấp điện. Đáng chú ý, từ ngày 21-12-2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức khai trương dịch vụ điện cấp độ 4 (chỉ một năm sau khi đạt cấp độ 3 từ ngày 21-12-2017). Theo đó, EVN sẽ đáp ứng mọi yêu cầu dịch vụ điện hợp pháp của khách hàng, đúng chất lượng, nội dung và thời gian công bố, với 100% thao tác thông qua “trực tuyến - 1 cửa” theo phương châm “Điện lực đến với khách hàng”. EVN đã được Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam bình chọn là “DN bền vững của Việt Nam năm 2018”, được tổ chức Hướng tới sự minh bạch đánh giá là một trong các DN nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin.

Trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, ngày 12-9-2018, Việt Nam được Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey xếp vào nhóm 18 nước “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi toàn cầu (với một trong các tiêu chí là quốc gia có số lượng DN quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so các quốc gia đang phát triển khác). Đồng thời, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, năm 2018, Việt Nam đã thực hiện ba cải cách (đứng đầu Đông - Nam Á do thực hiện 18 cải cách trong 5 năm qua, ngang với mức của In-đô-nê-xi-a: đồng thời, sáu chỉ số môi trường đầu tư được cải thiện như: chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư; khởi sự kinh doanh; tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng…). Chỉ số Đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng hai bậc so năm 2017.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, sản xuất và xuất khẩu, áp dụng công nghệ cao, tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, kiểm soát sản lượng và các chi phí liên quan, cho nên cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên vững chắc, tinh hơn và ngày càng đa dạng hóa. Đơn cử năm 2018, Việt Nam có 36 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao (như điện thoại, máy tính, máy ảnh, hàng điện tử và linh kiện) chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa so mức 5% trong năm 2010. Các mặt hàng chế tạo, chế biến chiếm tới khoảng 85% so mức 65% trong năm 2010. Nhóm gạo có chất lượng cao, gạo đặc sản (gạo nếp, tám thơm, gạo jasmine) chiếm hơn 80 % và lần đầu giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái-lan, với mức bình quân hơn 500 USD/tấn, tăng khoảng 15% so năm 2017. Cũng nhờ thu hút được nhiều DN đầu tư lớn, điều tiết sản lượng và mở rộng kênh tiêu thụ trong nước và quốc tế, bảo đảm cung ứng thịt lợn đông lạnh sạch, an toàn vệ sinh, có thể truy xuất được nguồn gốc, cho nên ngành chăn nuôi lợn trị giá 10 tỷ USD của Việt Nam (đứng thứ sáu thế giới) đang hồi sinh chỉ sau một năm, giúp hàng trăm nghìn hộ nông dân thoát khỏi cảnh thua lỗ, nợ nần. Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, tỷ trọng và vai trò khu vực tư nhân cũng tăng mạnh, trở thành một động lực ngày càng quan trọng của nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư xã hội năm 2018.

Với sự đột phá tư duy, thể chế tạo động lực mạnh và sức bật mới, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa những chuyển biến lớn, đạt mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao, vừa giữ được ổn định vĩ mô, chuẩn bị cho đất nước phát triển nhanh, hiệu quả hơn, với nhiều kỳ vọng lớn lao và tự tin trong năm 2019. Tuy nhiên, “không ngủ quên trên cành nguyệt quế” như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần phải tỉnh táo, thận trọng nhìn thẳng vào những thách thức như: thâm hụt ngân sách và nợ công, nợ xấu, áp lực lạm phát vẫn ở mức cao; tình trạng nhập siêu dịch vụ; nông dân bỏ ruộng, rời quê, thiếu hợp tác trong sản xuất liên doanh liên kết còn đáng quan ngại; tệ nạn xã hội; nguy cơ khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn, bão lụt; các vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm; tai nạn giao thông, tội phạm gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn. Đặc biệt, trước làn sóng công nghệ 4.0, Việt Nam đang đối diện xu hướng mất dần lợi thế giá nhân công rẻ và suy giảm một số ngành truyền thống (khai khoáng); gia tăng áp lực thất nghiệp sau tuổi 35 của lao động (nhất là các ngành dệt may, da giày). Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 4,4% của Xin-ga-po và 17,4% của Ma-lai-xi-a, tốc độ tăng lương bình quân đang vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17,5 triệu ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho DN. Song, như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, việc cắt, giảm các điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn; cần hoàn thiện nhanh hơn các thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng, thương hiệu và tài sản công ty; sớm điều chỉnh các quy định về thuế phù hợp Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ…

Động lực và sức bật thể chế cho phát triển năm 2019 cũng cần được khơi thông, hội tụ và lan tỏa từ nỗ lực chuyển động chung của cả bộ máy quản lý và hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm cá nhân và hài hòa lợi ích; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính hai mặt của các giải pháp và chính sách, với phương châm “hành động, kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả”; đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực phát triển; tăng năng lực phản ứng chính sách, phản ứng thị trường kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến trong nước, quốc tế; quyết liệt tháo gỡ thể chế kinh tế lạc hậu, cũ kỹ, cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng tự do hóa và quản lý cạnh tranh lành mạnh, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD); giảm nhẹ gánh nặng chi phí, thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện tốt công tác dự báo, nhận diện và thích ứng kịp thời các rào cản kỹ thuật; nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; củng cố tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; chủ động, tăng cường thông tin chính xác, kịp thời và định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân… Bên cạnh đó, để tinh thần cởi mở, sự hứng khởi và niềm tin của các DN cùng người dân thêm lan tỏa trong xã hội, tạo động lực trên thị trường, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, chỉ đạo, cần đẩy mạnh chống tham nhũng, và thật sự cầu thị, coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao...

Năm 2019 với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức mới, đòi hỏi cả nước có thêm nhiều nỗ lực và sức bật thể chế, chủ động đổi mới và sáng tạo. Tất cả phải vì một Tổ quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, không ngừng vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Theo Báo Nhân dân

Bình luận