Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 01/03/2019 - 15:03

Cuốn sách vinh dự được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết Lời tựa, trong đó khẳng định: Với hơn 350 trang sách khổ lớn, với một khối tư liệu phong phú và cập nhật, thông qua cách trình bày khoa học, hợp lý, cuốn sách Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử Việt Nam đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện, có hệ thống về cơ sở hình thành, những nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị “Dân là gốc” qua các giai đoạn lịch sử, sự kế thừa và phát huy cao độ bài học lịch sử đó của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. 

Xuyên suốt nội dung cuốn sách, thông qua cách trình bày nhiều luận chứng tiêu biểu và phân tích sâu sắc những luận điểm đã được khái quát hóa, các tác giả khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Từ những phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, đến ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên của nhà Trần, cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược thời nhà Lê, rồi phong trào Tây Sơn đánh bại quân Thanh, hơn 80 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... đã thể hiện rõ điều đó. Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất và dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong toàn bộ quá trình lịch sử ấy, bài học “Dân là gốc” vừa là nền tảng, vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của ông cha ta trong việc an dân, trị quốc cũng như kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã cho thấy, việc giữ dân, giành dân, an dân và đặc biệt là tư tưởng “Dân là gốc” có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và sự bền vững của chế độ.

Ở chương 1: Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” - Một số vấn đề lý luận, các tác giả đã dành gần 30 trang viết đi sâu trình bày quan niệm về “Dân là gốc”; đặc điểm và những nhân tố chi phối tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong công cuộc giữ nước. Trên cơ sở phân tích khái niệm “Dân” và đi đến khẳng định: Khái niệm “Dân” mang ý nghĩa chính trị và giá trị xã hội sâu sắc, nó phản ánh mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định. Với chế độ chính trị - xã hội đó, việc ổn định, tồn tại, phát triển của chế độ phụ thuộc rất nhiều, gắn liền với vai trò của quần chúng nhân dân, nghĩa là, một chế độ, một nhà nước muốn tồn tại và phát triển thì giai cấp cầm quyền phải biết trọng dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Từ đó, các tác giả lập luận: Từ khi có xã hội loài người tới nay, lịch sử xã hội là do bản thân quần chúng sáng tạo, xây dựng nên và chính quần chúng là động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên không ngừng. Mọi sự kiện lớn lao, mọi thay đổi cách mạng xảy ra trong xã hội nếu không được quần chúng tích cực tham gia, ủng hộ thì không thể thành công được. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quần chúng là người làm nên lịch sử.
Ở phương Đông, tư tưởng “thân dân” sớm xuất hiện và phát triển trong tư tưởng cổ đại Trung Hoa, tiêu biểu là học thuyết “kiêm ái” của Mặc Tử, chủ trương “vô vi” của Lão Tử, tư tưởng “thân dân” gắn liền với “dưỡng dân”, “giáo dân” của Khổng Tử... Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử đấu tranh chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc đã chứng minh vai trò và sức mạnh to lớn của Nhân dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Nhận thức được vai trò đó, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam đã biết dựa vào dân để tạo dựng cơ sở, củng cố tiềm lực quân sự đề phòng khi có biến. Khi còn đại diện cho lợi ích và xu hướng phát triển của dân tộc, các chính sách của triều đình đều quan tâm đến đời sống của dân, coi trọng lòng dân, ý dân ở những mức độ nhất định. Kế thừa và phát triển tư tưởng “Dĩ dân vi bản” trong truyền thống lịch sử của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng của Nhân dân. Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của dân tộc, kế thừa những giá trị đúc kết tư tưởng “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “Dân là gốc” là bài học kinh nghiệm hàng đầu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ở các chương sau, từ chương 2 đến chương 7, các tác giả dành nhiều sự quan tâm vào trình bày khái quát về bối cảnh lịch sử của mỗi thời kỳ lịch sử: từ thời Văn Lang - Âu Lạc, Bắc thuộc, đến công cuộc giữ nước từ thế kỷ X đến năm 1858, trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất (1858-1945), trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), trong thời kỳ đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1986), trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (1986-2016). Trên cơ sở đó, các tác giả đã khái quát hóa những nội dung tiêu biểu của tư tưởng chính trị “Dân là gốc” ở mỗi thời kỳ lịch sử. Nếu như ở thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, tư tưởng chính trị “Dân là gốc” được thể hiện ở các luận điểm tiêu biểu như: Khởi dựng ý thức tự cường để giữ nước; động viên sức mạnh toàn dân tham gia giữ nước, thì đến cuộc đấu tranh giành độc lập thời Bắc thuộc, tư tưởng đó được thể hiện ở các luận điểm: Động viên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc tham gia các cuộc khởi nghĩa; cả dân tộc kiên cường, khôn khéo chống đồng hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, nội dung của tư tưởng chính trị “Dân là gốc” bao gồm: Xây dựng tinh thần tự tôn, tự cường của quốc gia - dân tộc; chăm lo, bồi dưỡng sức dân; động viên sức mạnh toàn dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đến cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất (1858-1945), tư tưởng đó được thể hiện: Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chống đế quốc, phong kiến; động viên tinh thần yêu nước chống đế quốc, phong kiến của các tầng lớp nhân dân... Giai đoạn hiện nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (1986-2016), nội dung tư tưởng chính trị “Dân là gốc” được thể hiện tập trung ở các luận điểm: Quyền lợi của nhân dân là xuất phát điểm, là mục tiêu hướng đến của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm lo văn hóa, xã hội, y tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thông qua việc đánh giá, khái quát hóa nội dung tư tưởng chính trị “Dân là gốc” ở mỗi thời kỳ thành những luận điểm tiêu biểu, cuốn sách đã trình bày một cách khoa học, hấp dẫn những bài học quý báu trong lịch sử và trở thành những kinh nghiệm sâu sắc trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

TS. Vũ Thị Hương

(Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật)

Bình luận