Văn kiện Đảng tập 65-69

Ngày đăng: 26/11/2018 - 16:11

Thực hiện Quyết định số 101-QĐ/TW ngày 12/10/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Hội đồng xuất bản Toàn tập Văn kiện Đảng; Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 03/02/1997 của Bộ Chính trị về việc xuất bản công khai bộ Toàn tập Văn kiện Đảng; từ năm 1995 đến năm 2007, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp chặt chẽ với các Ban, cơ quan Đảng Trung ương, các nhà khoa học tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách đồ sộ Văn kiện Đảng Toàn tập và lần lượt cho ra mắt bạn đọc 54 tập sách.

Văn kiện Đảng tập 65-69

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc tiếp tục xuất bản Văn kiện Đảng toàn tập từ năm 1996 đến năm 2010, ngày 01/11/2013, Ban Bí thư ra Quyết định số 208-QĐ/TW thành lập Hội đồng Xuất bản và Ban Chỉ đạo xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập (1996-2010). Thực hiện Kế hoạch xuất bản Văn kiện Đảng toàn tập số 02-KH/HĐXBVKĐTT ngày 12/3/2014 của Hội đồng xuất bản Văn kiện Đảng toàn tập, trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo xây dựng bản thảo đã chỉ đạo các chủ biên phối hợp cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức bản thảo và rà soát kỹ về thành phần văn kiện, tiến hành giải mật toàn bộ các tài liệu có dấu chỉ mức độ mật. Đến đầu năm 2018, lần lượt 10 tập tiếp theo (từ tập 55 đến tập 64, tương ứng với thời gian từ năm 1996 đến năm 2005) đã được hoàn thành.

Đề đáp ứng kịp thời yêu cầu của bạn đọc, đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc 5 tập còn lại của giai đoạn 1996-2010. Đó là các tập từ tập 65 đến 69, tương ứng với thời gian từ năm 2006 đến 2010.

5 tập sách Văn kiện Đảng toàn tập (tập 65-69) chứa đựng 803 tài liệu, tương ứng với 5.640 trang in (khổ sách 15x22cm) phản ánh khá đầy đủ, toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong những năm 2006-2010. Thành phần tài liệu trong các tập bao gồm: các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tri, thông báo, kết luận, tài liệu của các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tài liệu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; những bài nói, bài viết quan trọng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đất nước ta thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Bên cạnh những thuận lợi do tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đem lại, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế; tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn thế giới; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; các thế lực liên tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng và toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội X đề ra, tình hình đất nước ta đã có nhiều chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Qua 5 tập sách có thể thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau:

Tập 65 tập trung phản ánh các hoạt động của Đảng trong năm 2006. Đây là năm diễn ra sự kiện đặc biệt quan trọng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng thời cũng là năm tổng kết 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước (1986 - 2006). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tình hình chính trị - xã hội của đất nước ngày càng ổn định. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ, bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có bước tiến bộ đáng kể, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường và đã đạt một số kết quả tích cực. Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Các hoạt động đối ngoại của nước ta được triển khai một cách chủ động, trên nhiều hướng, ngoại giao song phương kết hợp nhịp nhàng với ngoại giao đa phương, chú ý đến trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, nhất là hiệu quả về kinh tế, và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006 là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam; đồng thời là kết quả của quyết tâm cao và sự chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Trong năm 2006, Hội nghị lần thứ 13, lần thứ 14 và lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã được tổ chức để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Sau Đại hội, Hội nghị lần thứ hai, lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã họp và ra nghị quyết về việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Tập 66 phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những vấn đề quan trọng của đất nước và của Đảng trong năm 2007. Bước vào năm 2007, nước ta có thuận lợi cơ bản là sau hơn 20 năm đổi mới, thế và lực của đất nước cũng như những kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được tăng lên. Việc nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tạo thêm cơ hội để nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành sát sao và khẩn trương của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương nên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đều đạt được những kết quả vượt trội và tạo đà cho những năm tiếp theo phát triển mạnh hơn.

Năm 2007 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 77 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2007), Đảng ta đã phát động thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Đây là sinh hoạt chính trị lớn nhất của đất nước trong năm, được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, sinh động, mang lại hiệu quả thiết thực trong xã hội nhằm cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Tiếp đó, ngày 20-5-2007, cử tri cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Đây thực sự là ngày hội lớn và là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội của Việt Nam. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, nhân dân cả nước đã sáng suốt lựa chọn bầu 493 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong cả nước tham gia Quốc hội khóa XII - Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, trong năm 2007, Trung ương Đảng đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; sáp nhập, kiện toàn một số ban Đảng Trung ương; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và phương hướng công tác trong tình hình mới...

Tập 67 phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề quan trọng của đất nước và của Đảng trong năm 2008. Năm 2008 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm bản lề thực hiện Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010. Những kết quả đạt được trong năm 2008 là cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm còn lại của giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo.

Tập 68 ứng với năm 2009 là năm bản lề giữa hai kỳ đại hội, vì vậy, theo chương trình làm việc toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành tới ba hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 5/01 đến ngày 13/01/2009 là hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội X. Hội nghị cũng đã thảo luận, cho ý kiến về hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ đầu nhiệm kỳ. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã kiện toàn nhân sự cấp cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 29/6 đến ngày 4/7/2009, chủ yếu bàn về việc chuẩn bị Đại hội XI của Đảng. Hội nghị quyết định điều chỉnh Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định bổ sung một số đồng chí trong Tiểu ban Chiến lược tham gia Tiểu ban Cương lĩnh (Tiểu ban này đồng thời thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị); quyết định thành lập Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XI.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 5 đến ngày 10-10-2009, sau khi xem xét các tờ trình, báo cáo của Bộ Chính trị và Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đã quyết nghị: Cơ bản tán thành các văn kiện trình Đại hội XI; cơ bản tán thành Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tán thành chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Dự án thủy điện Lai Châu...

Ở tập 68 này, Trung ương ban hành rất nhiều quyết định về nhân sự cho Tiểu ban Cương lĩnh và Tiểu ban Chiến lược và các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XI của Đảng, cũng như nhân sự của Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Đặc biệt, để chuẩn bị Đại hội XI, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng và Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tập 69 tương ứng với năm 2010 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm cuối thực hiện Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010. Trong năm 2010, đại hội đảng bộ các cấp cũng được khẩn trương tiến hành, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Những kết quả đạt được trong năm 2010 là cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo.

 

Bình luận