Học tập tấm gương đọc sách và sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác biên tập, xuất bản
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận: “Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên”1, vậy mà chúng ta luôn thấy hình ảnhNgười xuất hiện với sự hiểu biết vô cùng sâu sắc về mọi phương diện. Năm 1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”2. Đạt được tầm hiểu biết ấy nhờ Người đã không ngừng học tập, đọc các loại sách, báo. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, những người làm công tác biên tập, xuất bản không chỉ học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đọc sách mà còn phải học Người cách sử dụng ngôn ngữ, cách nói và cách viết để nâng cao giá trị định hướng đọc sách trong đời sống cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và tu dưỡng nhân cách thông qua đọc sách
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình nhà Nho yêu nước; cất tiếng khóc chào đời trong không gian của gia đình ông ngoại Hoàng Xuân Đường, là một cụ đồ nổi tiếng vùng đất Nam Đàn, Nghệ An, lớn lên cùng với tiếng giảng bài của cha, ông về những cuốn sách chữ Nho gối đầu như Ấu học ngũ ngôn, Sơ học vấn tấm, Minh tâm bảo giám, Luận ngữ, Trung dung... Cha Người là ông Nguyễn Sinh Sắc cũng là một tấm gương sáng trong việc cần mẫn đọc sách từ tấm bé, ông là một người con trong gia đình nông dân chất phác, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất sớm, nhưng vì niềm đam mê đọc sách mà được những người thầy trong đó có cụ Hoàng Xuân Đường đem lòng yêu thương, vun đắp cho việc học hành của ông, thậm chí còn gả con gái cho, sau đó trải qua chặng đường đằng đẵng gian khổ dùi mài kinh sử, trở thành phó bảng.
Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1956
Ngay từ khi còn bé, Nguyễn Sinh Cung đã được cha giảng dạy kỹ càng về vai trò của sách đối với con người, cha thường xuyên dạy cậu bé Cung rằng: “Mỗi chữ là một con mắt. Người không có chữ trong đầu là người mù giữa thế gian”3, có lúc anh em cậu bé Cung và Khiêm còn được cha phân tích những câu sách thánh hiền đã viết về giá trị vô giá của sách như: “Di tử kim mãn doanh, hà như giáo nhất kinh” trong cuốn Ấu học ngũ môn, tức là để cho con hòm vàng đầy không bằng dạy con một cuốn sách, hoặc như câu: “Dưỡng từ giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc”, nghĩa là nuôi con phải biết dạy con đọc sách vì trong sách có vàng ngọc, vậy nên dù còn túng thiếu, cha mẹ phải nhịn các thứ khác để mua sách cho các con học… Còn mẹ Cung là bà Hoàng Thị Loan thì luôn dạy con rằng: “Các con là con nhà có chữ thì phải biết trọng biết giữ… đừng hám miếng ăn để rồi ai cho cũng lấy, gặp đâu ăn đó, mất nền nếp của con nhà lành”4. Và ngay từ những lúc ấu thơ ấy, cậu bé Cung đã thấm nhuần từng câu từng chữ mà cha đã dạy, mẹ đã răn, thấu hiểu thực sự những giá trị to lớn mà sách đem lại cho trí tuệ và nhân cách của mỗi một con người. Đó là xuất phát điểm vô cùng quan trọng tạo nền móng cho tình yêu và khao khát đọc sách của Nguyễn Tất Thành, thói quen và niềm đam mê đọc sách đã đi cùng Người trong suốt hành trình hoạt động cách mạng của Người.
Truyền thống nhà Nho của gia đình đã có ảnh hưởng lớn tới thói quen và sở thích đọc sách của Người. Với Người, đọc sách không chỉ đơn thuần là để giải trí, nâng cao hiểu biết thông thường, mà đọc sách còn là tìm hiểu tri thức, con đường đưa đất nước đi tới độc lập, tự do, nhân dân thoát khỏi cảnh mất nước, bần hàn với những khao khát đã hình thành và được Người nuôi dưỡng từ tấm bé. Sách là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong những ngọn nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì.
Và chính ham mê đọc và học đó đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến với cuốn sách Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đưa Người đến với những luồng tư tưởng mới mẻ, giúp người được khai sáng và tìm ra con đường giải phóng dân tộc từ đây. Giờ phút này đã được ghi lại thiêng liêng và xúc động trong bài thơ Người đi tìm hình của nước của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.
Là người từng trải, đã từng bôn ba ở nước ngoài nhiều năm, Người đã từng là bạn đọc thân thiết của nhiều thư viện, tiêu biểu là Thư viện quốc gia Pháp và Thư viện Đại học Phương Đông. Chính từ việc sử dụng sách báo tại các thư viện này mà Người đã có nhiều tư liệu quý báu để viết sách, báo và nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng. Với Người, sách, báo không chỉ giúp ích cho việc học tập, nâng cao trình độ mà trong những bối cảnh nhất định, nó còn có sức mạnh công phá mạnh hơn cả đạn, bom.
Người đọc sách bằng phương pháp kết hợp đọc và ghi chép, phân loại thông tin. Khi đọc, Người có thói quen ghi chép hoặc đánh dấu lại những chỗ “có vấn đề” cần chú ý hoặc những số liệu và thông tin cần xử lý. Mỗi ngày, Bác đọc hàng chục tờ báo cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài với phương pháp đọc hết sức khoa học và hiệu quả. Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”5. Người khuyên chúng ta: “Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng... xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”6.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng phong trào toàn dân đọc sách
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ham đọc sách và coi trọng sách báo, Người luôn đánh giá cao vai trò của sách báo trong việc khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng; vì thế, Người rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Người luôn cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất để Nhân dân được tiếp cận với sách, báo một cách dễ dàng, để Nhân dân có thể mở mang tầm mắt, bồi dưỡng kiến thức và hiểu biết thông qua việc đọc sách. Người từng căn dặn: Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc sách để không mù lại, người làm công an cần đọc sách để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…
Người đã có công xây dựng nên phong trào đọc sách trong Nhân dân và đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Bác, thanh thiếu niên xã Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) đã gửi lụa tặng Bác và Người đã đáp lại tấm lòng của các bạn trẻ bằng một món quà đặc biệt, đó là một tủ sách với hơn 200 cuốn sách được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Đó đều là những cuốn sách hay, những chuyện về người lãnh đạo giỏi, sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp và những truyện cổ tích.
Người cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi, luôn thao thức tìm nhiều cách để các em có sách đọc; thậm chí, khi mọi người đề nghị Bác tổ chức sinh nhật, Người đã gạt đi vì theo Người đó là lãng phí, không cần thiết khi mà trẻ em thiếu sách và nhiều nơi chưa có phòng đọc trong nhà trường. Có lần khi đọc báo Hà Nội mới, Người được biết có ba em nhỏ đang góp tiền xây dựng “Tủ sách Kim Đồng”, Người đã ghi ngay bên cạnh bài báo dòng chữ nhắc nhở: Đi xem. Về, Văn phòng có thể gửi cho một số sách mà các em chưa có.
Những điều này đã cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thôi trăn trở và nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc sách cho toàn dân. Theo Người, không có một sự phát triển nào có thể tách rời khỏi sự đọc, sự học và khao khát tìm kiếm, khám phá tri thức.
Người làm công tác biên tập xuất bản không chỉ học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đọc sách mà còn phải học Người cách sử dụng ngôn ngữ, cách nói và cách viết để nâng cao giá trị định hướng của sách trong đời sống cộng đồng.
Xuất bản sách được coi là một hình thức thông tin truyền thông cơ bản đầu tiên của con người hiện đại, góp phần bồi dưỡng tri thức, tác động đến nhận thức và sau đó tạo ra những biến chuyển trong hành động của con người. Nhận thức được vai trò của sách báo, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến việc xuất bản các tác phẩm cách mạng, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân nhằm xây dựng lực lượng cách mạng, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó đến nay, dù có rất nhiều kênh thông tin hiện đại ra đời, nhưng sách vẫn là kênh thông tin cơ bản, chính thống được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng và phát triển.
Trước vai trò quan trọng của công tác biên tập, xuất bản, mỗi cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản sách phải chú trọng từng câu, từng chữ, từng nội dung thông tin được truyền đạt trong từng cuốn sách... Biên tập viên không chỉ đơn thuần đứng ở góc độ của người thụ hưởng tác phẩm đã hoàn chỉnh mà còn là người góp phần hoàn thiện tác phẩm ở góc độ nội dung và phương tiện truyền đạt nội dung, đó chính là ngôn ngữ.
Cách sử dụng ngôn ngữ với vai trò là công cụ truyền đạt và kêu gọi hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sử dụng ngôn ngữ, thể hiện quyết tâm hành động cách mạng. Nó hiện lên với sự chỉ dẫn hành động cùng lúc trên nhiều mặt, đặc biệt trong đó dễ thấy nhất là sự định hướng: định hướng chức năng của ngôn ngữ; định hướng đối tượng phục vụ của ngôn ngữ; định hướng phương thức điều hành ngôn ngữ để phục vụ đối tượng… Đề cập phong cách ngôn ngữ của Hồ Chí Minh mà không nói đến tính định hướng trên thì chưa hiểu đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa hành động thực tiễn nằm chính trong tư tưởng ngôn ngữ của Người.
Qua lời khuyên “mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng... Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”7… cho thấy ở đây không chỉ là một khẩu hiệu hay một phương châm chung. Từ trong chiều sâu, nó còn là tâm lực, là nhiệt huyết, là sự bức xúc, trăn trở hằng ngày của Người để hướng tới cái gì cụ thể và thiết thực nhất mà hiệu lực giao tiếp cách mạng cần phải hướng tới. Với bản chất là con người hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn tìm cách biến sức mạnh trong tư tưởng cách mạng của mình thành sức mạnh ngôn ngữ. Vì Người hiểu rằng, chỉ có thông qua ngôn ngữ, thông qua hiệu lực giao tiếp của ngôn ngữ, sức mạnh tư tưởng cách mạng mới đích thực chuyển thành hành động cách mạng của quần chúng.
Trong mỗi bài viết, bài nói chuyện của Người, ở đâu ta cũng gặp những cách nói, lối diễn đạt phong phú, tinh tế nhưng lại vô cùng dễ hiểu, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người đọc, người nghe. Có thể nói, phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một phong cách đa dạng, đa màu sắc, có tính trí tuệ cao, có tầm tác động mạnh mẽ đối với tư tưởng và nhận thức của con người. Phong cách ngôn ngữ của Người là sự tập trung cao độ nhất những biểu hiện của văn hóa truyền thống Việt Nam, của vẻ đẹp trong sáng, giàu cảm xúc của tiếng nói dân tộc. Đồng thời, phong cách ngôn ngữ của Người cũng chính là tinh hoa của bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Trên thực tế, thông qua số lượng tác phẩm của Người đã chứng tỏ khả năng sử dụng “quyền lực” của ngôn ngữ trong hoạt động cách mạng ở Hồ Chí Minh là hết sức to lớn, với các đặc trưng cụ thể là:
- Có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới.
- Có sự đan xen giữa tính bác học và tính đại chúng.
- Có tính thời đại và lịch sử sâu sắc.
- Có sự tận dụng triệt để sức tác động của tất cả các đơn vị ngôn ngữ (từ, câu, đoạn, văn bản) để phục vụ tuyên truyền, vận động cách mạng.
Những đặc trưng đó đã tạo tầm tác động mạnh mẽ của ngôn ngữ Hồ Chí Minh đến nhận thức và hành động cách mạng của mỗi con người.
Thông qua việc tìm hiểu và học tập cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm công tác biên tập, xuất bản cần vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo hệ thống tiếng Việt nhằm đưa lại hiệu quả tác động tốt nhất đối với người đọc. Để làm được điều đó, biên tập viên sách cần đảm bảo những yêu cầu về mặt sử dụng ngôn ngữ nhất định. Cụ thể là:
Ngôn ngữ phải trong sáng, bảo đảm tính dễ hiểu, dễ nhớ: Nguyên tắc đầu tiên của việc sử dụng ngôn ngữ trong quá trình biên tập là bảo đảm người đọc có thể tiếp cận và dễ dàng nắm bắt được thông tin, thông điệp mà cuốn sách cần truyền đạt. Điều này có liên quan chặt chẽ tới việc vận dụng các yếu tố thuộc về từ vựng, cú pháp như: dùng từ phải chính xác, rõ nghĩa (không sử dụng những từ mơ hồ về nghĩa, nhất là khi truyền đạt đường lối, chính sách); câu phải được diễn đạt mạch lạc, trong sáng, thường là câu trần thuật, sắc thái nghĩa cụ thể…
Đi cùng với nguyên tắc chính xác, phải bảo đảm tính dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống. Độc giả sách có thể là quảng đại quần chúng, các tầng lớp nhân dân, từ người già đến người trẻ, từ người có trình độ cao tới người có học vấn vừa phải, do vậy, trong quá trình biên tập, biên tập viên phải đảm bảo cho bản thảo có được ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu đối với mọi tầng lớp công chúng. Để đảm bảo nguyên tắc này, đối với những bản thảo có đối tượng là đông đảo bạn đọc, biên tập viên nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ giản dị, không được lạm dụng thuật ngữ, tiếng nước ngoài, tiếng lóng, từ địa phương không thông dụng, từ tối nghĩa, không lạm dụng con số. Về câu cú, không sử dụng câu dài “dây cà ra dây muống”, câu nhiều tầng ý, những lối diễn đạt lủng củng, mơ hồ; dễ hiểu thì sẽ bảo đảm dễ nhớ và dễ truyền tải thông tin đến bạn đọc.
Ngôn ngữ phải bảo đảm tính chính xác, đúng đắn: Tính chính xác của ngôn ngữ trong mỗi cuốn sách là ngôn ngữ phản ánh được thông tin thực tế một cách sát đúng nhất (như: đường lối, chủ trương, pháp luật, thông tin khoa học), đồng thời từ ngữ trong sách cần biểu đạt chính xác nội dung thông tin, phản ánh được ý đồ tác giả cuốn sách một cách thích hợp nhất, không để người đọc hiểu sai, hiểu nhầm. Tính đúng đắn của ngôn ngữ trong sách thường được hiểu là sự tuân thủ chuẩn mực của ngôn ngữ tiếng Việt, tức là tuân theo quy tắc viết chữ, dùng từ, đặt câu, kết cấu toàn bộ văn bản.
Ngôn ngữ phải bảo đảm tính chuẩn mực: Hiểu đơn giản, ngôn ngữ sử dụng trong sách là ngôn ngữ viết, do đó, yêu cầu tính chuẩn mực về mặt từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm: chặt chẽ, khúc triết, thậm chí mang sắc thái bác học… cần được tuân thủ tuyệt đối. Với ngôn ngữ nói cho phép những lối diễn đạt phóng khoáng hơn, với ngôn từ ít trau chuốt, chọn lọc, gọt giũa hơn; từ dư, từ lặp, từ thừa, từ thiếu, thậm chí từ sai, từ thiếu chính xác, lúc nói nhanh, lúc nói chậm, lúc ngừng lời… là những đặc tính cố hữu của ngôn ngữ nói mà ngôn ngữ viết không được phép sử dụng. Ngôn ngữ trong sách phải được gọt giũa, được chuẩn bị, chọn lọc và có tính chuẩn mực. Biên tập viên phải có năng lực hành ngôn nhất định, biết kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt.
Ngôn ngữ phải bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn: Sự sinh động, hấp dẫn của ngôn ngữ khi biên tập sách trước hết nằm ở việc sử dụng ngôn từ. Ngôn từ phải trong sáng, được chọn lọc, gọt giũa, giàu sức gợi mở, những lối dùng từ, lối diễn đạt mới lạ, độc đáo, ấn tượng cần được phát huy, những từ ngữ mang màu sắc đặc trưng văn hóa của dân tộc cũng cần được khai thác.
Ngôn ngữ phải bảo đảm tính hàm súc, cô đọng: Ngày nay, nhiều độc giả không có nhiều thời gian để đọc hết những bài viết, cuốn sách có dung lượng quá lớn. Mặt khác, do dòng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác như phát thanh, truyền hình, internet ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến, nên việc biên soạn và xuất bản một cuốn sách cũng cần tính đến yếu tố về mối quan hệ giữa dung lượng và chất lượng cuốn sách; trong đó việc sử dụng ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Một cuốn sách không nhất thiết phải nhồi nhét quá nhiều chi tiết và dùng nhiều lượng ngôn từ để diễn đạt. Vì vậy, tính ngắn gọn của ngôn ngữ phải được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.
Để đạt được sự ngắn gọn, biên tập viên cần có khả năng dùng từ hàm súc. Chẳng hạn, trong một số cuốn sách, có thể tăng cường sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao; trong một số khác có thể sử dụng có chừng mực thuật ngữ khoa học, từ Hán - Việt dễ hiểu; viết câu ngắn, viết đoạn ngắn, bài ngắn...
Ngôn ngữ phải bảo đảm tính hiện đại, tiếp thu chọn lọc sản phẩm ngôn ngữ mới trong quá trình tiếp biến văn hóa ngôn ngữ: Là một phương tiện truyền thông sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, có nhiệm vụ phản ánh hiện thực khách quan mới nhất, nóng nhất, ngôn ngữ trong các cuốn sách cũng phải vận động, phát triển để theo kịp sự vận động của sinh ngữ. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tiếp biến văn hóa nói chung, tiếp biến văn hóa trong ngôn ngữ nói riêng trở thành xu thế chung của mọi nền văn hóa, thì ngôn ngữ trong cuốn sách cũng phải vận động theo xu thế tiếp nhận những yếu tố ngôn ngữ mới do giao lưu ngôn ngữ quốc tế đem lại. Biên tập viên phải kịp thời nắm bắt, chọn lọc và sử dụng những từ ngữ mới, những lối nói mới, chẳng hạn, thuật ngữ khoa học, những lối dùng từ của người nước ngoài, những từ ghép mới. Nhưng việc tiếp thu yếu tố ngôn ngữ mới trong quá trình tiếp biến văn hóa ngôn ngữ cũng cần chọn lọc cẩn thận, bởi cho dù ngôn ngữ có hiện đại đến đâu, biên tập viên cũng không thể quên sứ mệnh của mình là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Ngôn ngữ phải bảo đảm phù hợp và lịch sự đối với đối tượng độc giả mà sách hướng tới: Mỗi một cuốn sách đều có một đối tượng đích - độc giả mục tiêu. Năng lực, sở thích, nhu cầu tiếp nhận thông tin, phong tục tập quán, tuổi tác, trình độ văn hóa, tâm lý tiếp nhận, đặc điểm nghề nghiệp... của từng đối tượng độc giả quyết định cách viết, cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả và cả biên tập viên của cuốn sách.
Để giao tiếp đạt hiệu quả, tác giả cuốn sách cũng như biên tập viên cần phải tôn trọng nguyên tắc tính lịch sự, tính văn hóa trong sử dụng ngôn ngữ. Ở phạm vi rộng, bảo đảm sự phù hợp giữa ngôn ngữ sách với đối tượng độc giả cần hướng tới. Tất nhiên, để bảo đảm phép lịch sự trong mọi tình huống là không đơn giản, bởi có khi chỉ thay đổi một từ, phép lịch sự đã bị vi phạm.
Hiện nay, chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần thấm nhuần bài học toát ra từ sức mạnh của lôgích miệng nói tay làm luôn nhất quán và rất cụ thể ở Bác trong từng lĩnh vực của đời sống mà chúng ta muốn hướng tới.
Như chúng ta biết, ước mong trong Đường cách mệnh của Bác là: “sách này chỉ ước ao sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”8. Ước mong tha thiết ấy chính là tiền đề dẫn tới phương châm hành động “khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”9 được Bác xác lập. Nhưng không dừng lại ở đó, Bác còn cho ta một lời khuyên hết sức rõ ràng “mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”10. Và cuối cùng, tất cả được chuyển hóa thành câu hỏi thường xuyên đầy trách nhiệm xã hội của người viết và cũng là người đang tuyên truyền vận động cách mạng, đó là: viết gì, viết cho ai, viết như thế nào…
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 187.
3, 4. Sơn Tùng: Búp sen xanh, Nxb. Văn học, 2007, tr. 34, 77-78.
5, 6, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 98-99; t. 8, tr. 207; t. 2, tr. 283.
7, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 345-346, 346, 345.
TS. Nguyễn Thị Trang
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Lan tỏa nội dung và phát huy giá trị Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
- Nhiều hoạt động giới thiệu, trưng bày sách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
- Những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam
- Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác
- Số phận thăng trầm của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ nhiệm Phó Giám đốc
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển lao động hợp đồng
- Xuất bản sách lý luận, chính trị trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển
- Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước
- Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ