Vai trò và vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững

Ngày đăng: 27/09/2018 - 11:09

Nữ trí thức Việt Nam là một bộ phận quan trọng của đội ngũ trí thức cả nước và là bộ phận tinh hoa của phụ nữ Việt Nam. Vai trò của người phụ nữ, nhất là nữ trí thức, ngày càng được đánh giá cao. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phụ nữ được phát triển và phát huy tài năng. Tuy nhiên không ít người chưa đánh giá được đầy đủ những đóng góp quan trọng của nữ trí thức trong xây dựng và phát triển đất nước. Mặt khác, ngay chính bản thân nữ trí thức cũng chưa nhận thức hết được vai trò, vị thế và trách nhiệm của bản thân mình. Nhằm góp phần làm rõ và phát huy vai trò, vị thế của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Vai trò và vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững do PGS.TS. Đỗ Thị Thạch làm chủ biên. Cuốn sách được biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước mã số ĐTXH. G09/14 (2016) do Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì.

Vai trò và vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững - Cuốn sách giúp độc giả hiểu hơn về những đóng góp cũng như vai trò của nữ trí thức trong sự phát triển bền vững

Cuốn sách kết cấu gồm 4 chương: Chương I phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững. Các lý thuyết cơ bản: lý thuyết mácxít, lý thuyết xã hội học, lý thuyết nữ quyền, lý thuyết giới (WID, GAD, GM)… đã cho thấy các chiều cạnh phong phú, đa dạng của vị thế và vai trò của nữ trí thức trong xã hội ngày nay và chỉ ra không ít các thách thức, khó khăn từ nhiều phía khác nhau mà nữ trí thức cần phải vượt qua trong mối quan hệ hợp tác, nhất là nam giới và toàn xã hội. Đồng thời, dựa trên cơ sở thực tiễn như: vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong hành trình hơn bảy thập kỷ; thực trạng phát triển bền vững ở nước ta hiện nay; vai trò của các tổ chức quốc tế; luật pháp, chính sách của một số quốc gia về phát huy vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới đã cho thấy vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững.

Trong Chương II, những phân tích sâu sắc của tác giả về thực trạng vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững trên một số lĩnh vực giúp người đọc hiểu được những đóng góp to lớn của họ trong sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, lãnh đạo, quản lý và lĩnh vực ngoại giao. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế nữ trí thức đã không ngừng học hỏi, vận dụng những kinh nghiệm của mình  và đã có mặt ở hầu hết các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… Thứ hai, đội ngũ nữ trí thức, nữ doanh nhân đã không ngừng trưởng thành, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Họ đã và đang khẳng định vai trò của mình trong cuộc chấn hưng kinh tế đất nước, đặc biệt, góp phần không nhỏ tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần xoá đói, giảm nghèo, bảm đảo an sinh xã hội… xứng đáng với tám chữ vàng của Nhà nước trao tặng phụ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới: “Trung hậu - đảm đang - tài năng - anh hùng”. Cùng với sự tăng lên về số lượng, vị trí quan trọng của nữ doanh nhân ngày càng được khẳng định trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Tính đến tháng 3-2017, theo Báo cáo về chỉ số nữ doanh nhân 2017 (Mastercard Index of Women Entrepreneurs –UIWE) do Mastercard công bố ngày 7-4-2017, Việt Nam xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7 trong số các nước có tỷ lệ chủ doanh nghiệp là nữ cao nhất. Hiện nay, tỷ lệ nữ doanh nhân Việt Nam đã tăng lên 31,3%, đứng trên Trung Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ. Đánh giá về vai trò của nữ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, tại cuộc gặp với các nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Đó là những người không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà, mà còn quan tâm tới các hoạt động xã hội, có những đóng góp to lớn vào tiến trình chung của đội ngũ doanh nhân nước nhà trong công cuộc phát triển.

Ngoài những nữ doanh nhân đang trực tiếp lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động,… còn một số bộ phận khá lớn nữ trí thức, những nhà khoa học nữ đang tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thông qua việc tìm ra những giống cây, con người, ứng dụng vào thực tế đạt chất lượng cao. Đồng thời, trực tiếp bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật cho người người dân, giúp họ tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nhất là người dân ở vùng nông thôn, miền núi. Không chỉ tham gia quá trình đào tạo nghề cho người nghèo, nữ trí thức còn tham gia xây dựng mô hình gắn dạy nghề với giới thiệu việc làm đối với lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số. Cùng với quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, về xóa đói, giảm nghèo, nữ trí thức - các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, tham gia với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân nắm được mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xóa đói, giảm nghèo, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo. Vai trò, vị thế của nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ được ghi nhận ở trong nước mà còn được đánh giá cao ở tầm quốc tế. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp do nữ làm lãnh đạo, quản lý có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và danh sách 50 doanh nhân nữ quyền lực nhất châu Á. Song, nữ trí thức cũng chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị thế của mình do gặp phải nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, nữ trí thức tham gia kinh doanh thường trong các lĩnh vực và ngành nghề nhỏ, hiệu quả thấp, giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, nữ trí thức doanh nhân thiếu hụt về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý và các kỹ năng mềm khác ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp và vị thế trong lĩnh vực kinh tế so với nam giới. Nữ trí thức doanh nhân thiếu thời gian để tham gia phát triển lĩnh vực kinh tế do phải gánh trên vai chức năng gia đình và xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nữ trí thức chiếm tỷ lệ áp đảo so với nam trí thức ở nhiều bậc học. Về trình độ chuyên môn, tỷ lệ nữ trí thức có học hàm, học vị cao ngày càng tăng và phổ quát trong đội ngũ nữ trí thức làm nghề giáo ở tất cả các cấp học, hệ đào tạo. Một trong những hoạt động thể hiện vị thế của nữ trí thức trong công tác giáo dục và đào tạo là việc tham gia hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho các học viên tốt nghiệp các hệ đào tạo từ đại học đến tiến sĩ. Ngoài những kết quả đạt được ở lĩnh vực này thì nữ trí thức Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. Điều đó thể hiện trong công tác đào tạo ở các bậc học từ thấp đến cao có sự giảm dần. Càng ở bậc học thấp, tỷ lệ nữ trí thức có học vị càng cao và chiếm gần như áp đảo so với nam giới. Nhưng càng lên bậc cao thì tỷ lệ nữ trí thức có học hàm, học vị so với nam giới có khách cách ngày càng lớn. Cùng với đó, nữ trí thức còn đông về số lượng làm chuyên môn, ít về số lượng làm lãnh đạo, quản lý. Thể hiện sự chưa được bình đẳng giữa mức độ tham gia và vị thế tham gia của nữ trí thức và giữa nữ trí thức và nam trí thức.

Cũng giống như trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, số lượng nữ trí thức tham gia trong hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Về chất lượng, khả năng nghiên cứu khoa học và công nghệ của nữ trí thức Việt Nam ngày càng được nâng cao, thông qua các tiêu chí: trình độ chuyên môn, tỷ lệ tham gia các loại hình đề tài nghiên cứu khoa học; năng lực nghề nghiệp; tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế…Tuy nhiên, trong lĩnh vực này nữ trí thức cũng không tránh khỏi những hạn chế, thách thức. Theo thống kê năm 2012, trên cả nước, số cán bộ khoa học nữ là 23.055 người và số cán bộ khoa học nam là 37.488 nam trí thức. Tỷ lệ nữ trí thức so với tỷ lệ nam trí thức trong tham gia các hoạt động khoa học trong nước và quốc tế còn khá thấp, do nữ trí thức ít có cơ hội và khả năng tham gia nhiều các hoạt động khoa học so với nam giới, chỉ có 0,5% nữ trí thức có số lần tham gia hoạt động khoa học ở nước ngoài, trong khi đó, nam trí thức là 4,2%. Sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, giữa các lĩnh vực nghiên cứu của nữ trí thức cũng tác động lớn đến vai trò, vị thế của nữ trí so với nam trí thức. Ngoài những bất cập trên thì vị thế của nữ trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ còn thể hiện ở số lượng các công trình được công bố trong và ngoài nước, cũng như giải thưởng khoa học mà nữ trí thức đạt được. Ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước, tác giả nữ chiếm 37,4%; trên các tạp chí khoa học trong nước, tác giả nữ chiếm 37,4%; trên các tạp chí quốc tế chỉ chiếm 3,1%. Trong tổng số sách chuyên khảo đã được công bố có 14,1% là của các nhà khoa học nữ.

Cuốn sách cũng tập trung phân tích những thành tựu cũng như hạn chế của nữ trí thức trong lĩnh vực y tế. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ nữ trí thức ý tế đã phát huy vai trò, vị thế của mình ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường với những hoạt động và kết quả to lớn về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội một cách bền vững trong hội nhập quốc tế, phát triển hài hòa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường ở các thế hệ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sống của con người. Đội ngũ nữ trí thức đã góp phần cùng với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Đồng thời, tạo nên dấu ấn trong thời kỳ hội nhập trên một số lĩnh vực quản lý, nghiên cứu khoa học và đã đạt được những kết quả và bước tiến quan trọng; đóng góp tích cực vào sự phát triển của y học nước nhà và y học thế giới, nâng cao uy tín, vị thế của ngành y tế trong nước và trên trường quốc tế như: triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, khống chế thành công dịch bệnh, đạt chuẩn quốc tế về vắcxin. Song song với những thành tựu đạt được thì trong lĩnh vực y tế cũng còn một số hạn chế. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nữ của ngành chiếm hơn 62% trong tổng số cán bộ, viên chức của ngành và chiếm đại bộ phận trong nhóm điều dưỡng tại bệnh viện. Ở một số lĩnh vực chuyên môn cao như phẫu thuật, khám, phát hiện bệnh…nữ trí tham gia ít hơn nhiều so với nam trí thức. Hiện nay ở Bộ Y tế, mặc dù, tỷ lệ nữ làm công tác quản lý tuy có tăng so với trước nhưng chưa tương xứng với tỷ lệ cán bộ nữ của các đơn vị trong ngành, tỷ lệ nữ đứng đầu đơn vị trực thuộc còn thấp.

Không chỉ ở lĩnh vực y tế, nội dung cuốn sách còn tập trung phân tích vai trò, vị thế của nữ trí thức ở một số lĩnh vực khác như: văn hóa - nghệ thuật, xây dựng gia đình văn hóa, sự phát triển bền vững gia đình, lãnh đạo quản lý và lĩnh vực ngoại giao.

Từ việc phân tích thực trạng và trước những rào cản đối với vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững, Chương III đưa ra những rào cản tác động tới nữ trí thức về cả thuận lợi và thách thức, từ đó xác định các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới đòi hỏi họ phải vượt qua để nâng cao vai trò, vị thế trong phát triển bền vững. Tác giả đưa ra 3 rào cản đối với việc phát huy vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong sự phát triển bền vững, đó là: định kiến giới trong văn hóa truyền thống; khung chính sách, luật pháp về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong sự phát triển bền vững; rào cản từ chính bản thân nữ trí thức và gia đình. Trên cơ sở đưa ra những rào cản đối với việc phat huy vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững, cuốn sách cũng đưa ra những yêu cầu đặt ra. Cụ thế, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cần phải phát huy vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam. Thứ hai, tác động của cách mạng khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức đối với việc phát huy vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam. Thứ ba, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta với việc phát huy vai trò, vị thế của nữ trí thức Việt Nam. Thứ tư, những yêu cầu của đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế trí thức và bảo vệ môi trường với việc phát huy vị thế, vai trò của nữ trí thức Việt Nam.

Đặc biệt, để có căn cứ, cơ sở đưa ra các giải pháp về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững, Chương IV đã đưa ra những định hướng chung, những giải pháp toàn diện và khả thi trong phát huy vai trò, vị thế của nữ trí thức.

 Trên cơ sở những yêu cầu đặt ra, các định hướng lớn, tác giả đề xuất 3 nhóm giải pháp chủ yếu: 1) Nhóm giải pháp tăng cường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các cấp lãnh đạo, quản lý, nam trí thức và chính nữ trí thức về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững hiện nay; 2) Nhóm giải pháp về bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về vai trò, vị thế của nữ trí thức, trong đó tập trung khắc phục rào cản liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu; chính sách về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng; 3) Nhóm giải pháp “vượt lên chính mình” của bản thân nữ trí thức, vươn lên trong sự nghiệp và xây dựng gia đình bền vững. Mỗi giải pháp có vai trò riêng, tuy nhiên, đề phát huy vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường và nâng cao nhận thức là giải pháp phải thực hiện thường xuyên, có tính “mở đường”, khơi thông tư duy; giải pháp cơ chế, chính sách có tính “đột phá”; còn giải pháp khắc phục những hạn chế của bản thân, nỗ lực vươn lên của nữ trí có tính chất “quyết định”. Nếu bản thân mỗi nữ trí thức không vượt qua được mặc cảm thì các giải pháp có tính chất khách quan cũng khó thực hiện và không mang lại hiệu quả cao.

Với những nội dung trong cuốn sách, đặc biệt là những phương hướng, giải pháp đưa ra, cuốn sách thực sự là tài liệu tham khảo, góp phần giúp bạn đọc hiểu hơn về vai trò vai trò, vị thế của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững của đất nước hiện nay.

 

Bình luận