Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/ 4/1975 - 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ ba cuốn sách Giải phóng của nhà báo, nhà văn nổi tiếng người Italia Tiziano Terzani, do Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức biên dịch (dịch giả Nguyễn Hiền Thu).
Được viết dưới dạng tiểu thuyết lịch sử chiến tranh, cuốn sách đã tái hiện một cách khách quan, chân thực chiến thắng của quân và dân ta qua con mắt quan sát của một người nước ngoài. Thông qua việc miêu tả quá trình tiến hành cuộc di tản hỗn loạn của quân Mỹ và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cuốn sách cho bạn đọc thấy rõ sức mạnh tổng lực của quân và dân cả nước tiến tới chiến thắng vang dội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách còn tập trung phản ánh quá trình tiếp quản Sài Gòn sau ngày giải phóng với những vấn đề cụ thể như: khắc phục thiệt hại về kinh tế; ổn định tình hình chính trị; đăng ký cán bộ, sĩ quan, binh lính ngụy để tiến hành đào tạo lại; chiến dịch chống văn hóa đồi trụy do lối sống Mỹ để lại; chống các thành phần ngoan cố... Qua đó bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản cách mạng, những câu chuyện đồn đại về “các cuộc thảm sát đẫm máu” mà cơ quan tuyên truyền của đế quốc Mỹ và của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nghĩ ra để làm mất uy tín của Quân Giải phóng, hòng củng cố tinh thần kháng cự trong người dân và trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, cũng là để thuyết phục Quốc hội Mỹ viện trợ thêm hàng tỷ đôla nhằm cứu vãn cuộc chiến đang đi đến hồi kết.
Nhà báo, nhà văn Tiziano Terzani đã viết rõ trong cuốn Giải phóng rằng: “Sài Gòn được giải phóng, chứ không phải bị xâm lược. Quân đội giải phóng là người Việt Nam, giống như những người đến giải phóng. Họ không phải là lực lượng nước ngoài đến chiếm đóng”; “Trong ngày giải phóng, ở Sài Gòn không có sự thanh toán, trả thù lẫn nhau, không có việc lùng bắt những người theo chủ nghĩa phát xít; kẻ bại trận không bị phơi bày làm nhục trước công chúng. Không có những người phụ nữ khỏa thân với mái tóc cạo trọc bị đẩy qua đẩy lại giữa hai hàng người như tôi đã nhìn thấy trong suốt đợt giải phóng châu Âu khi tôi còn là một cậu bé. Ngày 30 tháng 4 và những ngày sau đó, ở Sài Gòn không có chuyện bắn những kẻ cộng tác với địch, những cảnh sát hay những kẻ tra tấn. Thật kỳ lạ, đối với một thành phố luôn thì thầm đồn đại những câu chuyện không có thật và khó tin nhất như Sài Gòn thì lại không có đến một lời đồn đại về một án tử hình ở đâu đó”.
Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều này đã được Tiziano Terzani - người chỉ mới sống ở Việt Nam 5 năm - thể hiện sâu sắc trong suốt chiều dài tác phẩm Giải phóng.