Cuốn sách là một công trình nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần làm sáng tỏ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước - chính quyền địa phương. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc nghiên cứu, kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Cuốn sách gồm 2 chương, mỗi chương là một lát cắt rõ nét phản ánh chiều sâu tư tưởng và sự vận dụng sáng tạo trong thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay.
Chương I tập trung trình bày hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương, từ khái niệm, cơ sở hình thành, đến quá trình phát triển và các nội dung cơ bản. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương là một bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ hệ thống chính quyền nhà nước, là nơi trực tiếp gần dân nhất, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các vấn đề thiết thực trong đời sống của nhân dân. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương được trình bày mạch lạc qua từng giai đoạn lịch sử, từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 đến suốt quá trình kháng chiến và kiến quốc sau này. Trong từng giai đoạn, tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn gắn chặt với yêu cầu của thực tiễn, phản ánh tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt trong tư duy tổ chức bộ máy nhà nước. Cuốn sách cũng nêu bật những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương, như nguyên tắc “của dân, do dân, vì dân”, việc xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tận tụy, liêm chính, và đặc biệt là việc phát huy dân chủ, lấy dân làm gốc.
Chương II đi sâu vào việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Nhóm tác giả đã phân tích một cách thuyết phục rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, đồng thời chỉ ra cách thức vận dụng sáng tạo để phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Trong điều kiện toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chính quyền địa phương không chỉ là nơi thực thi các chính sách của Trung ương, mà còn là chủ thể trực tiếp sáng tạo, triển khai các mô hình quản lý phù hợp với từng địa phương, dựa trên đặc thù kinh tế - xã hội của từng vùng miền. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương với hệ thống chính trị ở cơ sở, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, cũng như vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Cuốn sách là một tài liệu quý, không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên chuyên ngành khoa học chính trị, hành chính công, mà còn hữu ích đối với cán bộ quản lý nhà nước các cấp đang công tác trong lĩnh vực xây dựng chính quyền. Với nội dung phong phú, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, cuốn sách góp phần củng cố thêm niềm tin vào giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định rằng con đường xây dựng chính quyền địa phương vì dân, gần dân, dựa vào dân là con đường tất yếu trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.