Quá trình hình thành và phát triển
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 5-12-1945, Nhà xuất bản Sự thật, tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ngày nay đã chính thức ra đời tại Thủ đô Hà Nội. Nhà xuất bản Sự thật trực thuộc Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, nhưng do hoàn cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động bí mật, nên Nhà xuất bản Sự thật hoạt động dưới danh nghĩa là Nhà xuất bản của Hội Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Ngay từ khi mới ra đời, Nhà xuất bản Sự thật đã tập trung mọi cố gắng vào việc biên tập và xuất bản những tác phẩm quan trọng của C. Mác, Ph. Ăngghen, những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Bí thư Trường Chinh, của Đảng Cộng sản Đông Dương, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và nhiệm vụ của cách mạng, như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; Chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học; Ngọn cờ giải phóng; Chặt xiềng; Chủ nghĩa Các Mác; Cách mạng tháng Tám, v.v.. Những tác phẩm đó đã trở thành sách gối đầu giường đối với cán bộ, đảng viên thuộc đội ngũ những người cận vệ, động viên tinh thần, cổ vũ hành động cách mạng của quần chúng.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Sự thật chuyển lên chiến khu Việt Bắc, từ Thái Nguyên tới Tuyên Quang, từ Định Hóa, Đại Từ đến Chiêm Hóa, Sơn Dương. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ và thiếu thốn, những năm 1947, 1948, 1949, Nhà xuất bản Sự thật vẫn biên tập, xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị lớn của các nhà kinh điển Mác - Lênin, của Bác Hồ, của đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và của Đảng Cộng sản Đông Dương, như: Mười năm cỏ héo, Đời sống mới, Sửa đổi lối làm việc, Bàn về cách mạng Việt Nam; Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam; Nhà nước và cách mạng, Mấy vấn đề cốt yếu về chính quyền dân chủ nhân dân, v.v..
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, của công tác tư tưởng chính trị và sự trưởng thành của đội ngũ, năm 1950, Ban Tuyên truyền Trung ương đã tổ chức một ban biên tập riêng phụ trách việc biên soạn, xuất bản sách của Nhà xuất bản Sự thật, do đồng chí Minh Tranh - ủy viên Ban Tuyên truyền phụ trách. Từ đó, sách của Nhà xuất bản Sự thật được xuất bản đều đặn hơn, phong phú hơn. Năm 1950, có tới 52 tên sách được xuất bản, năm 1951, các văn kiện Đại hội II của Đảng và một hệ thống sách giới thiệu, giải thích văn kiện, sách chính trị, thời sự phổ thông, sách mỏng, in khổ nhỏ phù hợp với điều kiện cuộc kháng chiến đã được ra mắt bạn đọc.
Sau Đại hội II (1951) của Đảng, Nhà xuất bản Sự thật có một bước ngoặt mới về tổ chức. Năm 1952, Trung ương ra quyết định tổ chức Ban biên tập riêng của Nhà xuất bản Sự thật trực thuộc Trung ương Đảng do đồng chí Minh Tranh làm Trưởng ban. Ban biên tập có 20 người, được tổ chức theo các tổ chuyên môn như: sách kinh điển, sách thời sự quốc tế, sách thời sự trong nước, sách kinh tế - văn hóa - xã hội. Do sự phát triển về tổ chức biên tập đó mà hằng năm số đầu sách xuất bản đều tăng.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Nhà xuất bản Sự thật chuyển về Hà Nội, có thêm điều kiện mở rộng hoạt động, tuyển thêm cán bộ, tăng cường bộ máy để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới. Các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin được dịch và xuất bản một cách có hệ thống, đặc biệt đã đẩy mạnh việc xuất bản tuyển tập và chuẩn bị các điều kiện để xuất bản toàn tập. Sách Văn kiện Đảng, sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản đều đặn với số bản in ngày càng tăng. Sách chính trị phổ thông, sách dịch của các nước xã hội chủ nghĩa và các Đảng Cộng sản được chú trọng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà xuất bản Sự thật đã từng phải sơ tán ở Thanh Ba, Phú Thọ rồi Quốc Oai, Ba Vì, Hà Nội, song công tác biên tập, xuất bản vẫn được tiến hành nghiêm túc và đều đặn. Những tác phẩm được xuất bản trong thời kỳ này đã góp phần rất tích cực vào công tác lãnh đạo, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, làm rõ tính chất đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta về việc thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; đúc kết những phát kiến và sáng tạo độc đáo về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh và khẳng định tính chất độc lập, tự chủ của Đảng ta trong các vấn đề quốc tế.
Từ sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, để kịp thời đáp ứng nhu cầu sách chính trị của bạn đọc trong cả nước, Nhà xuất bản Sự thật đã đặt các chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó ở các tỉnh miền Trung. Đặc biệt năm 1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định nâng cấp Nhà xuất bản Sự thật là cơ quan xuất bản của Đảng, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, có vị trí như một tổng cục.
Trong thời gian này, cùng với việc xuất bản đều đặn, có hệ thống các văn kiện Đại hội Đảng, văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, sách tuyên truyền các bài nói, bài viết quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sách nghiên cứu, sách chính trị phổ thông, Nhà xuất bản Sự thật đã hợp tác với các Đảng Cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, biên tập và xuất bản bộ V.I. Lênin Toàn tập (55 tập), bộ Tuyển tập Mác - Ăngghen (6 tập). Đặc biệt trong năm 1990, Nhà xuất bản Sự thật đã hoàn thành việc xuất bản bộ Hồ Chí Minh Toàn tập đầu tiên, gồm 10 tập.
Với thành tích xuất sắc đó, năm 1990, nhân dịp Nhà xuất bản Sự thật tròn 45 tuổi, Đảng và Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Nhà xuất bản Sự thật.
Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước, ngày 20-11-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã Quyết định số 53-QĐTW thành lập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trên cơ sở hợp nhất bốn nhà xuất bản:
- Nhà xuất bản Sự thật trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Nhà xuất bản Thông tin lý luận trực thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;
- Nhà xuất bản Tư tưởng - Văn hóa trực thuộc Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương;
- Nhà xuất bản Pháp lý trực thuộc Bộ Tư pháp.
Ngay từ khi mới thành lập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã nhanh chóng sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy và biên chế với phương châm “Đoàn kết, ổn định và phát triển”. Sự hợp nhất đã tập trung đầu mối và nâng cao hiệu quả công tác xuất bản sách chính trị, lý luận, pháp luật, tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà xuất bản. Trong hơn 10 năm (1992-2003), Nhà xuất bản đã cho ra mắt bạn đọc hơn 3.000 cuốn sách với hàng chục triệu bản và hàng tỷ trang in.
Trên cơ sở nhiệm vụ, yêu cầu của tình hình mới, ngày 3-4-2003, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 68-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Với vị thế mới, Nhà xuất bản tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị và các sự kiện quan trọng của đất nước, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, Mặt trận, các đoàn thể ở Trung ương và các địa phương xuất bản kịp thời sách và các tài liệu phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI của Đảng và các hội nghị Trung ương các khóa, phục vụ đắc lực Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" v.v.. Sách của Nhà xuất bản luôn giữ đúng định hướng chính trị của Đảng, bảo đảm chất lượng nội dung chính trị, lý luận và khoa học; thể loại sách ngày càng phong phú, đa dạng; hình thức sách có nhiều đổi mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Từ 2007 đến nay, Nhà xuất bản đã tích cực chuyển đổi một phần hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hoạt động xuất bản phải thực hiện tốt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị đồng thời phải mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Trước những yêu cầu phát triển mới, Nhà xuất bản đã tập trung xây dựng và triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2009-2015, hướng tới 2020, gồm 3 bộ phận quan trọng: Chiến lược đề tài xuất bản, Chiến lược phát hành và Chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ biên tập - xuất bản, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt hoạt động của Nhà xuất bản.
Nhằm thiết thực góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, từ năm 2009, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương xây dựng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trình Ban Bí thư và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương cho thực hiện thí điểm. Năm 2009 và 2010, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã được thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước với 45 đầu sách, trang bị cho hơn 4.000 xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đánh giá tính thiết thực, hiệu quả của Đề án trong quá trình thực hiện thí điểm, Ban Bí thư đã cho chủ trương triển khai Đề án đồng bộ trong cả nước. Năm 2011, Đề án đã xuất bản 69 ấn phẩm; năm 2012: 87 ấn phẩm, năm 2013: 80 ấn phẩm cung cấp cho 11.112 xã, phường, thị trấn.
Nhà xuất bản là một trong những đơn vị đi đầu trong ngành xuất bản tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại đa dạng hóa các xuất bản phẩm, cho ra đời một loạt ấn phẩm điện tử như: CD-ROM Hồ Chí Minh Toàn tập, CD-ROM Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, CD-ROM Văn kiện Đảng Toàn tập, CD-ROM Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, DVD Hành trình theo chân Bác... được đông đảo bạn đọc đánh giá cao. Bên cạnh việc thực hiện tốt các đề tài sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà xuất bản còn tập trung nâng cao chất lượng các đề tài sách tự tổ chức xuất bản và phát hành, sách liên kết xuất bản, sách dịch đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc.
Nhà xuất bản đã tập trung xây dựng và củng cố lại mạng lưới phát hành; tổ chức các Nhà sách Sự thật; tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác có năng lực để mở rộng mạng lưới phát hành; đổi mới cơ chế chiết khấu, chế độ nhuận bút tác giả; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đổi mới phương pháp biên soạn sách lý luận chính trị, pháp luật.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy các nguồn lực, Nhà xuất bản chú trọng thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch hóa mọi hoạt động; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; củng cố và phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan; tăng cường trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị. Nhà xuất bản đã xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống tương đối đầy đủ và toàn diện với hơn 50 quy định, quy chế quản lý nội bộ. Đã tiến hành kiện toàn, sắp xếp hợp lý bộ máy tổ chức, cán bộ; hoàn thành có chất lượng công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn của Nhà xuất bản theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương cho 2 giai đoạn 2010-2015 và 2016-2021. Sắp xếp sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, đồng thời có chính sách thu hút, tiếp nhận và thi tuyển công khai nhiều cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực và triển vọng, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của Nhà xuất bản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Nhà xuất bản được thực hiện một cách thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, trong đó kết hợp cả hình thức rèn nghề trực tiếp, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tổ chức các sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, cử cán bộ đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, v.v..
Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản được chú trọng và không ngừng phát triển. Những năm qua, Nhà xuất bản tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với các nhà xuất bản của Trung Quốc, Lào, Nga, đồng thời mở rộng quan hệ với các Nhà xuất bản của Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Xingapo, Hàn Quốc, Cuba, Vênêzuêla… các tổ chức quốc tế ở Việt Nam như UNICEP, UNDP, v.v..
Trên cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và sản xuất, kinh doanh đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân viên Nhà xuất bản.