Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 03/10/2019 - 09:10

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và hết lòng phục vụ Nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách về học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ sách gồm 5 cuốn do TS. Nguyễn Hồng Chuyên chủ biên.

1. Học tập và làm theo những lời dạy của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng. Đối với học sinh ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, ngay từ khi cắp sách đến trường, những lời dặn dò, kỳ vọng của Bác trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường” hay “5 điều Bác Hồ dạy”… luôn là nguồn động viên, cổ vũ các em phấn đấu học tập, rèn luyện; chắp cánh cho ước mơ của các em bay cao, bay xa. Nhiều lời dạy của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng khắc cốt, ghi tâm. Trong cuốn sách, tác giả đặc biệt tập trung phân tích nội dung, ý nghĩa về “5 điều Bác Hồ dạy” thiếu niên, nhi đồng - lời dạy hàm chứa những phẩm chất, truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta, Nhân dân ta, đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược; ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo…

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào nghĩa là thiếu niên, nhi đồng cần phải có hiểu biết về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta, về truyền thống văn hiến tốt đẹp của dân tộc; có niềm tự hào được là người Việt Nam; hăng hái tham gia giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp đó; kính trên nhường dưới; có tình yêu thương đối với con người nói chung, thể hiện qua cách giao tiếp, cư xử với mọi người xung quanh, với gia đình, bạn bè, thầy cô, sự tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt cũng như trong học tập.

Học tập tốt, lao động tốt nghĩa là các em thiếu niên, nhi đồng phải biết xác định đúng đắn động cơ và thái độ học tập, học đi đôi với hành; biết yêu lao động, quý trọng công sức, thành quả và giá trị của lao động mà bản thân làm ra hoặc do người khác mang lại, thực hiện những hình thức lao động vừa sức: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”1.

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt là các em phải biết quan tâm, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt, cùng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập; chấp hành tốt nội quy, quy định của trường, lớp cũng như những quy định chung ở nơi công cộng;…

Giữ gìn vệ sinh thật tốt trước hết là các em thiếu niên, nhi đồng phải biết giữ vệ sinh cá nhân, lựa chọn trang phụ phù hợp với lứa tuổi của mình... Sau là biết giữ gìn vệ sinh chung cho tập thể, nơi công cộng, có ý thức bảo vệ môi trường. Có như vậy, các em mới trở thành những con người văn minh, lịch sự, góp phần tô đẹp cho quê hương, đất nước.

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm là không kiêu căng, tự cao, tự đại khi đạt thành tích cao trong học tập; không chán nản, tự ti khi gặp thất bại; chân thành, trung thực, không gian dối, dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình và quyết tâm khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm đó; chân thành, thẳng thắn góp ý khi bạn bè có việc làm sai trái, giúp bạn cùng tiến bộ.

Với việc giới thiệu, giải thích nội dung, ý nghĩa những lời dạy của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng, nêu ra các tiêu chí giúp các em thiếu niên, nhi đồng có thể xây dựng mục tiêu, kế hoạch hoạt động, xác định cho bản thân những việc làm cụ thể, thiết thực để học tập và làm theo những lời dạy của Bác, cuốn sách giúp các em hiểu sâu sắc hơn về Bác, về đạo đức, phong cách, lối sống giản dị, trong sáng, về tình cảm thân thương, trìu mến của Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, đồng thời giúp các em nỗ lực tu dưỡng đạo đức, phấn đấu học tập và rèn luyện tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ, là chủ nhân tương lai của đất nước.

2. Học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên. Trong không ít những bức thư, bài báo, bài nói chuyện với thanh niên, Bác luôn gửi gắm những lời dạy chân thành, sâu sắc, tình cảm trìu mến đối với lớp lớp thế hệ những người chủ tương lai của nước nhà nhằm bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; đặc biệt trong bức thư gửi thanh niên ngày 02/9/1945, Người đã căn dặn thanh niên những điều cơ bản sau: Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”...; Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do; Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi; Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho Nhân dân; Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo2.

Nâng cao chí khí và lý tưởng cách mạng là điều đầu tiên Bác Hồ dạy thanh niên. Chí khí và lý tưởng cách mạng của thanh niên được Người cụ thể hóa thành các tiêu chí: trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Theo Người, “trung với nước” nghĩa là phải trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước3. “Hiếu với dân” nghĩa là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình và xã hội, cha mẹ, anh chị em với đồng bào, đồng loại; yêu mến Nhân dân, quý trọng Nhân dân, làm cho ai cũng được học hành. Vậy nên, để thể hiện sự hiếu với dân thì “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”4. “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” nghĩa là thanh niên phải luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong bất kỳ nhiệm vụ nào, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Với thanh niên, lý tưởng cao đẹp hiện nay là phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước mà trước mắt là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng thì mỗi đoàn viên thanh niên cần phải có đạo đức cách mạng, “luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi”5.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, thanh niên cần phải ra sức học tập, trau dồi lý tưởng độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ra sức thi đua lao động và rèn luyện để có được lớp thanh niên “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu của đất nước và thời đại.

Trong giai đoạn hiện nay, đối với đoàn viên, thanh niên, việc học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh của mỗi đoàn viên, thanh niên; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn, hội các cấp có đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có thể xảy ra trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên; đồng thời ngăn ngừa có hiệu quả những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

3. Học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, thấm sâu vào trái tim, khối óc, lý trí và tình cảm của mọi người dân Việt Nam yêu nước; biến thành hành động cách mạng của hàng triệu con người, tạo nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội, góp phần to lớn tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện sâu rộng, làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

Với việc phân tích đầy đủ, sâu sắc nội dung những lời dạy của Bác về thực hiện đại đoàn kết toàn dân, xây dựng các đoàn thể nhân dân vững mạnh, tác giả đã đưa ra những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo những lời dạy của Người. Theo đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Ðề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào Mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Ðộng viên và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững trật tự, kỷ cương xã hội. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp Nhân dân cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

4. Học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân. Với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”6;  “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”7;… Với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Tư cách người công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”8… Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, ra sức học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ, hơn lúc nào hết, lực lượng vũ trang nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang; nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, chấp hành nghiêm kỷ luật, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và dựa vào Nhân dân,  xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng đối ngoại của đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

5. Học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Người dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”9 và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”10. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay, nắm vững, thấm nhuần, học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, thiết thực, từ đó nâng cao tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu khách quan, điều kiện tiên quyết, nền tảng quan trọng để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém; từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

1, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 499; t. 9, tr. 59; t. 4, tr. 51.

2, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 619.

6. Hồ Chí Minh: Về xây dựng lực lượng vũ trang, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 601.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 435.

8, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 498-499, 309, 280.

NHẬT LÊ

Bình luận