Nét đặc trưng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 04/10/2019 - 09:10

Tư tưởng về đạo đức là một trong những nội dung cốt lõi, chiếm vị trí quan trọng và có giá trị thực tiễn nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đạo đức của Người vừa là sự tiếp thu tinh hoa đạo đức nhân loại, vừa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam nên chứa đựng nội dung sâu sắc và toàn diện. Cho đến nay, tư tưởng đạo đức của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường, là chỉ dẫn hết sức cần thiết để chúng ta tu dưỡng và rèn luyện bản thân, từ đó xây dựng đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội ngày càng tốt đẹp.

Có thể nói, Hồ Chí Minh không có tác phẩm nào chuyên bàn về đạo đức, nhưng trong hầu hết các tác phẩm của mình, Người đều bàn về đạo đức. Là một nhà hiền triết phương Đông, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, Kitô giáo, song Hồ Chí Minh tiếp thu những tư tưởng này trên tinh thần biện chứng. Tư tưởng đạo đức của Người là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, được chuyển tải bằng một ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ đi sâu vào lòng người.

Tư tưởng đạo đức của Người có những nét đặc trưng chủ yếu sau:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh xem xét đạo đức trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

Về phương diện lý luận, Hồ Chí Minh đã nêu lên một hệ thống các quan điểm và các phạm trù về đạo đức như trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính.

Trung, hiếu là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất quan trọng hàng đầu của đạo đức cách mạng.

Theo Người, nội dung chủ yếu của trung với nước là luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của cá nhân, quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu cách mạng, thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Người đề cao tư tưởng hiếu với dân, khẳng định vai trò làm chủ đất nước và sức mạnh đoàn kết của Nhân dân. Hiếu với dân là phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, học hỏi những điều hay lẽ phải ở dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho dân; tạo niềm tin và uy tín đối với dân, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Nói đến những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người, bên cạnh trung, hiếu, Người khẳng định cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính quan trọng và cần thiết, là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ của một dân tộc. Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”1.

Theo Người, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng Thi đua ái quốc2.

Cần là siêng năng, chăm chỉ, tận tâm với công việc, với sự nghiệp chung, đối lập với thói lười biếng, ỷ lại.

Kiệm là lối sống giản dị, nền nếp, biết tận dụng thời giờ, chi tiêu một cách hợp lý. Kiệm đối lập với thói xa hoa, lãng phí, tùy tiện.

Liêm là trong sạch, không tham tiền của, lợi lộc, địa vị. Liêm đối lập với bệnh tham nhũng, hối lộ, háo danh.

Chính là ngay thẳng, thật thà, biết người - biết mình, xử lý công việc chung thấu tình, đạt lý. Việc thiện thì nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh.

Chí công vô tư là sự kết tinh của cần, kiệm, liêm, chính. Sự rèn luyện để có bốn đức trên là quá trình tích lũy về lượng, còn chí công vô tư là sự biến đổi về chất. Chí công vô tư là vì nghĩa lớn mà cống hiến sức lực của mình, khi thành đạt không nghĩ đến hưởng thụ, không thiên vị, tư lợi. Chí công vô tư đối lập với chủ nghĩa cá nhân, thói vị kỷ. Con người sẽ vững vàng trước mọi phong ba, bão táp nếu hội đủ các đức tính nói trên.

Đây cũng là những khái niệm đã từng được đề cập trong đạo đức truyền thống phương Đông, là lý tưởng đạo đức mà người quân tử, bậc thánh hiền và người dân thường đều cần phấn đấu đạt tới. Hồ Chí Minh đã tiếp thu và hiện đại hóa những nội dung này cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cách mạng mới. Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”3.

Về phương diện thực tiễn, Hồ Chí Minh đề cao cách ứng xử nhân ái giữa con người với con người, coi trọng tình yêu thương con người và lối sống có tình, có nghĩa. Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại và chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, trước hết là yêu thương dân, hết lòng, hết sức vì dân. Theo Người, trên thế giới chỉ có hai loại người là người bóc lột và người bị bóc lột. Hai loại người này ở đâu cũng giống nhau, kẻ bóc lột thì giàu có, còn người bị bóc lột thì nghèo khổ. Người dành trọn tình thương yêu cho những người bị bóc lột và quyết tâm tìm đường giải phóng họ, đem lại cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tình thương yêu ở Hồ Chí Minh không trừu tượng, chung chung mà rất cụ thể, thiết thực trong từng hành động: Người gửi thư cho các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, ngày khai trường; làm thơ động viên thanh niên; thăm hỏi các cụ phụ lão; gửi thư chúc Tết đồng bào cả nước; quan tâm đến đồng bào miền Nam ruột thịt và đồng bào Việt kiều.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh chủ nghĩa yêu nước, song Người cũng rất coi trọng tinh thần quốc tế, bởi Người cho rằng, người cộng sản không chỉ giải phóng cho dân tộc mình mà còn giải phóng cho toàn nhân loại. Tình thương yêu tất cả các dân tộc bị áp bức được Người coi trọng theo phương châm: “Bốn phương vô sản đều là anh em”, với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc chống đói nghèo, lạc hậu, vì theo Người, giúp bạn cũng là tự giúp mình.

Thứ hai, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng, là cái gốc của người cách  mạng.

Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”4. Người cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc, phải có đạo đức cách mạng. Xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”. Người đảng viên không phải cứ “viết lên trán” chữ cộng sản là được dân tin, dân yêu mà phải có tư cách đạo đức. Những người giữ được đạo đức cách mạng đều là những người cao thượng, bao dung, nhân ái, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung của quần chúng, không toan tính, vụ lợi. Đạo đức cách mạng gắn với tinh thần lạc quan, luôn kiên cường trước mọi khó khăn, gian khổ, vững tin vào sự nghiệp cách mạng; gắn với đức tính giản dị, khiêm tốn, trung thực, có trách nhiệm.

Thứ ba, Hồ Chí Minh nhìn nhận đạo đức cách mạng bao gồm cả đức và tài.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đức và tài là giá trị đạo đức cơ bản của một con người. Người cho rằng, có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Tài và đức “phải đi liền với nhau, đức là gốc, là ngọn nguồn sức mạnh”5.

Thứ tư, Người đưa ra quan điểm về những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới.

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định rằng, đạo đức là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử - xã hội, ngoài giá trị nhân loại chung, đạo đức còn mang tính giai cấp sâu sắc. Kế thừa và vận dụng quan điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng, trong hoàn cảnh cách mạng mới, không thể vận dụng nguyên xi đạo đức truyền thống mà cần xây dựng một quan niệm đạo đức mới, đó là đạo đức cách mạng - “đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”6.

Theo Người, muốn xây dựng đạo đức mới, cần quán triệt các nguyên tắc sau:

Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vào lĩnh vực đạo đức, Hồ Chí Minh khẳng định, “nói đi đôi với làm”. Nói đi đôi với làm, suy nghĩ gắn liền với hành động là hành vi đạo đức có ý nghĩa giáo dục to lớn, vì nó tác động trực tiếp đến tâm lý, từ đó khích lệ mọi người làm việc thiện một cách nhanh chóng, hiệu quả. Nói đi đôi với làm giúp mọi người dễ dàng phân biệt đúng - sai, phải - trái, đạo đức chân chính với đạo đức giả, chỉ nói mà không làm. Để vận dụng nguyên tắc nói đi đôi với làm vào thực tế đời sống, Hồ Chí Minh đã đề xuất phong trào “Nêu gương người tốt, việc tốt”. Nhiều cuốn sách với những tấm gương người tốt, việc tốt đã nhanh chóng lan tỏa trong dân chúng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước.

Ngày nay, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã và đang được khởi động lại qua những phong trào như: Mùa hè xanh, Thanh niên tình nguyện, Lễ hội Xuân hồng... tác động không nhỏ đến thế hệ trẻ, khơi dậy trong họ tinh thần yêu nước và lòng nhiệt tình cách mạng.

Hai là, xây đi đôi với chống. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, làm cách mạng là một quá trình gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Trong mỗi con người đều có hai mặt thiện và ác. Cái thiện thì nên xây, cái ác thì nên chống. Xây và chống có mối quan hệ biện chứng. Muốn xây thành công thì phải chống, muốn chống có hiệu quả thì ắt phải xây. Xây là xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình, tự giác học tập. Chống là chống những biểu hiện tiêu cực như: tham ô, lãng phí, quan liêu, háo danh, xa hoa, hình thức, chủ nghĩa cá nhân, thói nịnh hót, cơ hội.

Để xây và chống có hiệu quả, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải phát động phong trào quần chúng rộng rãi. Bởi vì, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Để tạo nên những con người hoàn thiện về tài, đức, phục vụ sự nghiệp cách mạng, cần quán triệt nguyên tắc xây đi đôi với chống.

Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Đạo đức chính là tiêu chí, là thước đo phẩm chất của mỗi con người, nên Hồ Chí Minh cho rằng, ai cũng phải tu dưỡng đạo đức như “rửa mặt hằng ngày”, bền bỉ suốt đời. Sự tu dưỡng phải xuất phát từ lương tâm của mỗi người, gắn với thực tiễn cách mạng, hướng đến mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”7. Tập Ngục trung nhật ký Thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh là những minh chứng cho quan điểm của Người về tu dưỡng đạo đức suốt đời:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công”8.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức không chỉ là tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị lớn đối với cách mạng thế giới. Bản thân Người đã trở thành một tấm gương đạo đức sáng ngời, một nhân cách lớn. Dù Người đã đi xa, nhưng tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường, là những chỉ dẫn quý báu cho chúng ta tu dưỡng và rèn luyện bản thân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để ngày một hoàn thiện hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 117.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.

4, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292.

5, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 11, t. 612.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 382.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

2. PGS.TS. Phạm Ngọc Anh (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị dân tộc và thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

3. TS. Trần Viết Hoàn: Đạo đức Bác Hồ - Tấm gương soi cho muôn đời, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

PGS.TS. NGUYỄN THỊ THỌ

Đại học Sư phạm Hà Nội

Bình luận