Triển lãm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam và công bố cuốn sách Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946.

Ngày đăng: 02/09/2020 - 20:09

Sáng 01/9/2020, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Lễ khai mạc triển lãm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam và công bố cuốn sách Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946. Đồng chí Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Lễ khai mạc Triển lãm.

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Triển lãm

Mỗi quốc gia đều có những biểu tượng thiêng liêng thể hiện chủ quyền và bản sắc của mình. Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy Việt Nam là bộ 3 biểu tượng chính thức, thể hiện hết sức đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam, về cội nguồn, ý chí, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Quá trình ra đời của các biểu tượng Việt Nam là những câu chuyện đặc biệt, xuất phát từ thực tế lịch sử của Việt Nam qua từng giai đoạn. Cả 3 biểu tượng luôn giữ những vị trí quan trọng, trong từng sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao của dân tộc.

Với diện tích khoảng 200m2, Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật được lựa chọn từ những tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và một số do gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước, nhạc sĩ Văn Cao, nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, cá nhân cung cấp.

Đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phát biểu khai mạc Triển lãm.

Triển lãm gồm 04 nội dung. Phần I: Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng: Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam. Phần II: Quốc ca - Giai điệu thiêng liêng tự hào. Phần III: Quốc huy - Biểu tượng Nhà nước Việt Nam. Phần IV: Tự hào Việt Nam.

Trong khuôn khổ Lễ khai mạc Triển lãm, đồng chí Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu cuốn sách Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946. Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước xuất bản.

Đồng chí Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946 tại Lễ khai mạc Triển lãm

Khác với nhiều công trình nghiên cứu trước đây về Cách mạng Tháng Tám dưới góc độ phân tích diễn biến các sự kiện lịch sử, cuốn sách tập hợp các văn kiện của Đảng và Nhà nước bao gồm các chỉ thị, nghị quyết, lời kêu gọi… cùng hàng loạt sắc lệnh và biên bản họp Hội đồng Chính phủ, được chia thành các cụm chủ đề theo diễn tiến thời gian nhằm đem lại cái nhìn vừa toàn cảnh vừa cụ thể về nội tình công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn, kịp thời đối phó với thù trong, giặc ngoài, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, từng bước xác lập, xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ. Đặc biệt, các biên bản họp Hội đồng Chính phủ được chọn đưa vào cuốn sách là những tài liệu lần đầu tiên được công bố dưới dạng toàn văn, tái hiện chân thực sự việc, sự kiện, diễn biến từng phiên họp lúc bấy giờ, trong không khí vô cùng gấp rút để xây dựng, củng cố và hoàn thiện bộ máy chính quyền nhà nước. Nội dung các văn kiện lịch sử được cung cấp trong cuốn sách là cơ sở mang lại góc nhìn đối chiếu với thành công của các sự kiện lịch sử dân tộc thời kỳ này, đồng thời là nền tảng minh chứng cho những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam và vai trò lãnh đạo duy nhất đúng của Đảng ta.

Cuốn sách Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946 được trưng bày tại buổi Lễ

Cuốn sách được chia thành 04 phần: Phần 1: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Phần 2: Xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Phần 3: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Phần 4: Kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ nền độc lập (1946).

Đây là cuốn sách được biên soạn, biên tập công phu, dày 664 trang với 175 văn kiện, biên bản họp Hội đồng Chính phủ, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị từ kho lưu trữ của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể, toàn diện, khách quan và có hệ thống về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Triển lãm mở cửa để công chúng tham quan, tìm hiểu từ ngày 01/9/2020 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả