Cả tình yêu cho lý tưởng của Mác

Ngày đăng: 06/05/2019 - 08:05

Nhân dịp kỷ niệm 201 năm Ngày sinh của C. Mác (5/5/1818- 5/5/2019), Trang thông tin điện tử Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trân trọng giới thiệu bài viết “Cả tình yêu cho lý tưởng của Mác” của tác giả Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

Không phải đến tận bây giờ, mà đã từ rất lâu, ít thấy những số phận con người làm ta say mê thật sự như số phận của người sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội khoa học là C. Mác và người bạn đời của ông là Gien-ny Mác, người giúp việc trung thành của ông trong vòng mấy chục năm chung sống, người luôn tin vào thắng lợi không gì lay chuyển nổi của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản quốc tế.

Gien-ny Mác (tên khai sinh là Gien-ny Phôn Vétphalen) sinh năm 1814 tại Dan-xne-đen trong một gia đình quý tộc giàu có của nước Phổ. Cha của Gien-ny từng làm quan Cố vấn của Chính phủ và đặc biệt kết thân với gia đình Mác. Tuổi thơ của Mác và Gien-ny trôi qua êm đềm trong những ngôi nhà nhỏ xinh ở thành phố Tơ-re-vơ. Cũng như tất cả con cái của tầng lớp giàu có trong xã hội có giai cấp thời bấy giờ, Gien-ny thuở nhỏ không hề biết đến thiếu thốn là gì. Cô bé Gien-ny càng lớn càng xinh xắn, đẹp đẽ. Năm 16 tuổi, cô rực rỡ như một đoá hoa và bắt đầu bước vào tuổi thiếu nữ của giới thượng lưu: Cô thích đi khiêu vũ, nghe hoà nhạc và dạo chơi, píc-ních với bạn bè và ở mọi lúc mọi nơi, Gien-ny luôn luôn là trung tâm chú ý của biết bao chàng trai. Đơn giản bởi cô là một trong những hoa khôi của thành Tơ-re-vơ cổ kính. Sự thực thì cha mẹ cô gái cũng muốn cô lấy được một tấm chồng giàu sang, có địa vị cao trong xã hội. Thế nhưng họ có biết đâu rằng chỉ vài năm sau, cô con gái yêu của họ đã bí mật hứa hôn với một chàng trai kém mình đến 4 tuổi và chưa có nghề nghiệp gì (lúc đó Gien-ny 22 tuổi và C. Mác mới 18 tuổi, đang là sinh viên Trường đại học Luật ở Bon). Có lẽ chỉ có tình yêu chứ không phải Chúa trời đã gắn kết hai con người trai tài, gái sắc này lại với nhau và sự tâm đầu ý hợp được bộc lộ trong những quan điểm chung của họ. Họ đã giữ mãi lời thề son sắt từ thời trẻ cho đến khi đầu bạc, răng long. Tuy nhiên từ lúc bí mật hứa hôn cho đến khi chính thức làm lễ cưới, cả Gien-ny và Mác đã phải âm thầm chịu đựng một khoảng thời gian dài đằng đẵng gần… 7 năm trời. Đó cũng là sự thử thách nghiệt ngã đối với một cô gái trẻ đẹp dòng dõi qúy tộc, cao sang như Gien-ny, bởi xung quanh việc này có nhiều điều xì xào, bàn tán - nhất là người anh trai cùng cha khác mẹ với Gien-ny thì luôn tìm mọi cách phá hoại hạnh phúc của cô. Nhưng cuối cùng thì tình yêu của họ đã chiến thắng và họ đã thuộc về nhau.

Ngày 19 tháng 6 năm 1843, sau khi Mác tốt nghiệp Tiến sĩ triết học thì hai người đã làm lễ cuới. Hôn lễ được cử hành giản dị, phù hợp với những quan điểm của cặp vợ chồng trẻ, không có sự xa hoa thường thấy ở những đám cưới của các cô gái thuộc các gia đình quý tộc, thượng lưu. Từ đó Gien-ny Mác không những đã cùng chia sẻ số phận, công việc và cuộc đấu tranh của chồng, mà còn dự phần vào đấy với một trí minh mẫn phi thường cùng một trái tim nồng cháy. Sau ngày cưới đôi vợ chồng trẻ cũng chỉ có được một tuần trăng mật ngắn ngủi. Do tham gia hoạt động chính trị và viết báo phê phán giai cấp tư sản Đức, bênh vực cho giai cấp cần lao nghèo khổ mà Mác đã bị chính quyền Đức căm ghét và chúng đã ra lệnh trục xuất Mác ra khỏi  nước Đức. Thế là đôi vợ chồng trẻ buộc phải lên đường sang Paris sống cuộc đời lưu vong. Cũng từ đây, có thể nói rằng Gien-ny Mác đã bước đầu từ bỏ thế giới thượng lưu của mình và hoà nhập dần với cuộc sống của những người lao động nghèo khổ quanh xóm thợ Paris. Càng cảm thông cho số phận của họ bao nhiêu, Gien-ny càng thêm yêu Mác và yêu lý tưởng của anh bấy nhiêu. Cô nguyện sẽ giúp đỡ Mác nhiều hơn trong bước đường tranh đấu. Trong thời gian sống ở Paris, một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa là gia đình Mác đã gặp Phơriđrích Ăngghen. Bắt đầu từ đó hai con người khổng lồ này đã trở thành đôi bạn thân thiết, tri kỷ trọn đời bên nhau - mà như V.I.Lênin sau này đã viết: “đó là một tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong truyền thuyết của đời xưa”.

Các Mác và Gien-ny thời trẻ

Đang sống lưu vong ở Pháp thì chính phủ phản động Đức lại can thiệp nên vợ chồng Mác lại phải chạy sang Bỉ và một thời gian sau lại phải sang thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Ở nước Anh, gia đình Mác đã phải trải qua những năm tháng khủng khiếp nhất, cam go nhất. Tiền lương, tiền viết báo và nghiên cứu khoa học của Mác không đủ cho chi dùng gia đình và sự thiếu thốn vật chất triền miên đã làm cho Giên-ny luôn phải căng ra mà toan tính chi tiêu. Vốn được sinh ra trong một gia đình giàu có, vậy mà bây giờ bà đã phải chắt bóp từng xu, từng cắc cho một gia đình đông miệng ăn. Thậm chí có lúc Gien-ny đã phải đem cầm đồ cả những đồ vật qúy giá nhất để lấy tiền trang trải nợ nần. Thật may mắn là thời gian sau đó, Ph. Ăngghen đã giúp đỡ tài chính cho gia đình Mác rất nhiều, để họ vượt qua thời kỳ gian khó. Với nghị lực phi thường, Gien-ny đã vươn lên không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh, trước số phận. Ngoài thời gian chăm lo cho cuộc sống gia đình, Gien-ny Mác còn dành thời gian tham gia các buổi sinh hoạt chính trị của chồng và nhất là giúp đỡ Mác rất nhiều trong việc đọc và sắp xếp tài liệu nghiên cứu, thư từ, kể cả chép lại (như một nữ thư ký) bản thảo các tác phẩm của Mác, trong đó có Bộ sách vĩ đại Tư bản luận. Cả đến tác phẩm bất hủ của Mác và Ăngghen là “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (in năm 1848), người ta kể lại rằng Gien-ny là người đầu tiên đã đọc nó và tán thành lời kêu gọi dũng cảm, có tính chất cách mạng của nó đối với giai cấp công nhân toàn thế giới. Thậm chí trên một số những bản thảo của Mác, còn giữ được những dòng do bàn tay vợ ông viết và chép lại.  Sau năm 1948, khi Mác và Ăng-ghen công bố bản "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" và cuộc cách mạng vô sản bắt đầu bùng nổ ở châu Âu. Chính phủ Bỉ hoảng hốt tìm mọi cách dập tắt phong trào. Họ bắt cả Mác, Gien-ny và Ăngghen. Tin Gien-ny bị cảnh sát Bỉ bắt giam được giới công nhân Bỉ truyền đi khắp nơi, tạo nên một làn sóng phẫn nộ tại Bỉ và các nước Anh, Pháp, Ý..., buộc chính quyền Bỉ phải trả tự do cho cả vợ chồng Mác và Ăngghen. Ra khỏi nhà giam, Mác đưa vợ con về quê cũ sống, còn mình lại tiếp tục lên đường tranh đấu cho sự nghiệp cách mạng vô sản. Ngày 19 tháng 5 năm 1849, nhận được tin của Mác, Gien-ny vội đưa các con sang Luân Đôn (Anh) để sum họp với chồng. Lúc này, họ đã có thêm đứa con thứ tư. Cuộc sống ở Luân Đôn vô cùng cam go, chật vật khi hai vợ chồng Mác bị giai cấp tư sản bao vây từ mọi phía. Gien-ny quá đau đớn khi cái đói đã cướp đi sinh mạng của một đứa con trai và một đứa con gái nhỏ nhất của họ. Nhưng mọi việc vẫn không thể đánh gục được bà. Bà vẫn vững vàng bên cạnh chồng, giúp ông hoàn thành những ước vọng và hoài bão cao cả, trở thành một người đồng chí tin cẩn nhất của ông trên con đường cách mạng vô sản.

Điều kỳ diệu là bất chấp mọi cảnh khổ cực, thiếu thốn trong cuộc sống, C. Mác và Gien-ny vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc bên nhau và bao giờ cũng là người cha, người mẹ mẫu mực với con cái. Họ là những người biết yêu tha thiết và chân thành. Mối quan hệ riêng tư của họ dựa trên tình yêu trìu mến, lòng thuỷ chung vô hạn, sự kính trọng lẫn nhau và sự thống nhất không gì lay chuyển nổi trong cuộc đấu tranh vì những lý tưởng tốt đẹp nhất của nhân loại, đã giáo dục con cái theo tinh thần tin cậy lẫn nhau, tin tưởng vào sức mạnh của mình và tin tưởng vào tương lai, nhờ đó mà chúng lớn lên thành những người công dân tốt, dũng cảm, tiến bộ và hạnh phúc. Trong số 6 người con mà Gien-ny đã sinh cho Mác, chỉ còn có 3 người con gái là khôn lớn và trưởng thành, còn 3 em nhỏ đã chết trong những năm tháng thiếu thốn cùng cực ở Luân Đôn.

Để thực sự đoàn kết phong trào công nhân ở khắp các nước Châu Âu, năm 1864 tại Luân Đôn thủ đô nước Anh, Mác và Ăngghen đã có sáng kiến là sáng lập ra Quốc tế cộng sản, và thế là Gien-ny Mác lại được trực tiếp tham gia vào trận chiến đấu mới. Bà đã nhiệt thành ủng hộ những chiến sĩ Ai-len đấu tranh cho tự do và nhất là ủng hộ cho phong trào thống nhất Đức - Tổ quốc thân yêu của bà mà bà đã xa cách mấy chục năm ròng. Trong những năm cuối đời, Gien-ny Mác thực sự cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vì thấy Học thuyết của Mác (có công đóng góp vô cùng to lớn của Ph.Ăngghen) đã có ảnh hưởng và lan rộng không những ở Châu Âu, Châu Á và bắt đầu lan sang cả Châu Mỹ. Và bà còn hạnh phúc hơn khi chứng kiến giai cấp vô sản mà bà hằng gắn bó bằng tất cả con người mình, tâm trí của mình đã bắt đầu làm rung chuyển tận gốc rế thế giới cũ - thế giới Tư bản.  Có thể nói, cho đến tận phút chót của cuộc đời, Gien-ny Mác đã dành cả tình yêu, cả cuộc sống của mình cho người mà cô yêu dấu và cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Mác và còn có thể nói: chưa bao giờ hai cuộc đời - và cả hai cùng tuyệt diệu - lại gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau như vậy! Xin được trích 2 bức thư (trong hàng trăm bức thư mà Mác và Gien-ny gửi cho nhau) để minh chứng cho tình yêu cao đẹp của họ.

Các Mác (1818-1883)

Ngày10/8/1841, Gien-ny gửi thư cho Mác (trước khi hai người cưới nhau), có đoạn viết ".... Gienny rất mừng khi được biết Các vui, được biết rằng bức thư của Gienny đã làm cho Các phấn chấn thêm, rằng Các nhớ Gienny, rằng Các có đến Côlônhơ uống sâm-banh và ở đấy, cũng có những câu lạc bộ của phái Hêghen.....Các yêu dấu! hoá ra Các đã đi khá sâu vào chính trị? Nhưng trong cái lĩnh vực này có gì đáng cho người ta phải gãy cổ đâu. Bao giờ Các cũng nên nhớ rằng mình có một một người bạn gái nhỏ chỉ sống bằng những niềm hy vọng đặt vào Các, nhớ Các và hoàn toàn phụ thuộc vào số phận Các. Gienny gửi đến Các ở đầu mỗi ngón tay một chiếc hôn. Mấy chiếc hôn ơi, hãy bay đến Các của tôi và hãy ép thật mạnh vào môi Các để cho Các cảm biến được hết niềm trìu mến của tôi. Và sau đó hãy đừng làm những sứ giả câm lặng của mối tình tha thiết của tôi. Hãy thì thầm với Các những lời âu yếm mà tình yêu của tôi sẽ mách thầm cho, hãy kể cho Các nghe tất cả. À không cũng phải để lại chút gì cho nữ chủ nhân chứ. Các khoẻ nhé, Các yêu quý, Các duy nhất! Gienny không còn có sức để viết tiếp nữa. Nếu cứ viết chỉ lát nữa đầu sẽ rối tung lên, rồi lại cái tiếng ù ù không sao chịu ấy. Các nhớ chứ? Tiếng ầm ầm của loài bốn vó lay chuyển cánh đồng êm ái". Chào người bạn nhỏ của Gienny!.....". Và sau đây là một trong những bức thư Mác gửi cho Gien-ny (sau khi hai người đã lấy nhau đã nhiều năm): “Em yêu quí của anh ! Anh lại được viết thư cho em, bởi vì anh đang cô đơn và bởi vì anh cảm thấy khổ sở khi luôn luôn chỉ được trò chuyện cùng em trong tâm tưởng, còn em lại không biết gì về điều đó, lại không nghe thấy anh và không thể trả lời anh. Em hiện lên trước mắt anh thật là sống động, anh bế em trên tay, hôn em từ đầu đến chân, anh quỳ dưới chân em mà thì thầm: "Anh yêu em !" Xa cách nhau ít hôm là một điều rất có ích, bởi sự giao tiếp thường xuyên sẽ dễ gây cảm giác đơn điệu khiến những khác biệt giữa các sự vật bị xoá nhòa. Ngay cả các ngọn tháp nếu ta đứng gần, cũng có vẻ như không còn cao lắm, trong khi đó, những chuyện vặt vãnh trong đời sống hàng ngày, khi ta đụng chạm sát sạt với chúng, lại tăng lên đáng kể. Cái niềm say mê cũng vậy. Những thói quen thường ngày do ta ở gần nhau nên chiếm lĩnh ta hoàn toàn và có vẻ giống như niềm say mê, sẽ không tồn tại nữa một khi đối tượng trực tiếp của chúng biến mất khỏi tầm nhìn. Tình yêu của anh đối với em cũng thế. Hễ có một khoảng không gian phân cách chúng ta là ngay lập tức anh thấy rõ thời gian phục vụ cho tình yêu của anh chỉ nhằm mục đích y hệt mục đích mà nắng và mưa phục vụ cho cây cỏ - tức là để phát triển. Tình yêu của anh đối với em, hễ em ở xa anh, hiện lên đúng như tầm cỡ của nó-tầm cỡ của một chàng khổng lồ ở đó tập trung toàn bộ nghị lực tinh thần của anh và toàn bộ sức mạnh các tình cảm của anh. Anh lại cảm thấy mình là là một con người hiểu theo ý nghĩa đầy đủ của từ này, bởi anh được sống trong niềm say mê lớn lao...Ðương nhiên trong thế gian này có nhiều phụ nữ và có một số người rất đẹp. Nhưng làm sao anh có thể tìm được một gương mặt nữa mà mỗi đường nét, thậm chí cả mỗi nếp nhăn trên đó đều gợi được trong anh những kỷ niệm mãnh liệt và đẹp đẽ nhất của đời anh? Tạm biệt em nhé, em yêu quí của anh, một ngàn lần, một vạn lần hôn em và các con. Các của em...”.(Trích từ tiểu thuyết "Người đi đường không biết mỏi"/ “Tuổi trẻ C. Mác” của Blêna Ilina).

Các Mác; Ph. Ăngghen; Gien-ny Mác và các con của vợ chồng Mác

 Vào một ngày đẹp trời mồng 2 tháng Chạp năm 1881, Gien-ny Mác đã từ giã cõi đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho C.Mác và các con cùng biết bao bạn bè, chiến sĩ đang đấu tranh cho Tự do, Hoà bình, cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân trên phạm vi toàn thế giới. Ngày nay, nhân loại tiến bộ trên thế giới vô cùng biết ơn sự cống hiến vĩ đại của hai người. Mác đã được cả thế giới bầu chọn là nhà tư tưởng vĩ đại nhất Thiên niên kỷ thứ 2 và mối tình của Mác và Gienny sẽ mãi mãi được mọi người ngợi ca và nhắc đến như một thiên tình sử tuyệt vời, một mối tình trong sáng, vĩ đại nhất của loài người.                                                                                     

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Bình luận