Hải Triều - Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Ngày đăng: 29/11/2019 - 15:11

Nói đến Hải Triều là nói đến một nhà lý luận mácxít về văn chương, nghệ thuật, chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề quốc tế. Ông là một chiến sĩ xung kích, đầy dũng cảm trên mặt trận tư tưởng văn hóa những năm đầu thế kỷ XX. Với những cống hiến không mệt mỏi, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I năm 1996.

Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 01/10/1908 tại làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) trong một gia đình trí thức. 

Thời niên thiếu, ông học trường Quốc học (Huế) và sớm tham gia phong trào học sinh yêu nước. Năm 1927, ông gia nhập Đảng Cách mạng Tân Việt và bắt đầu viết báo với bút danh Nam Xích Tử. Sau khi Đảng Tân Việt tan giã, được sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tháng 6/1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và công tác tại Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuối năm 1930, theo sự phân công của Đảng, ông vào tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, viết bài cho báo Cờ đỏ. Năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt giữ tại Sài Gòn và bị kết án khổ sai. Tháng 7/1932, ông được trả tự do.

Sau khi ra tù, ông quay trở lại Huế, mở hiệu sách báo Hương Giang, đồng thời tham gia viết bài cho báo Đông Phương với bút danh Hải Triều. Ông gây tiếng vang lớn qua những cuộc tranh luận với Phan Khôi trên các báo Đông Phương, Phụ nữ thời đàm,… Tháng 8/1940, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt đi an trí tại Phong Điền. Đến tháng 3/1945, ông được trả tự do. Ra tù được 5 tháng, tháng 8/1945, ông tham gia và chỉ đạo khởi nghĩa ở Huế, sau đó làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung Bộ, rồi làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV, chủ nhiệm tạp chí Tìm hiểu.

Năm 1934, khái niệm “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” được chính thức đưa vào Điều lệ Hội Nhà văn Liên Xô (cũ) thì 2 năm sau, năm 1936, Hải Triều và một số đồng chí của ông nhiệt thành giới thiệu khái niệm này vào Việt Nam. Ông vận dụng một cách triệt để phương pháp so sánh: nếu chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX lấy việc phê phán xã hội cũ làm mục đích thì chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa  lấy sự ca ngợi thực tiễn cách mạng được soi chiếu bởi lý tưởng xã hội chủ nghĩa là chủ đạo nhưng vẫn không quên nhiệm vụ phê phán cái ngược lại. Hải Triều chịu nhiều ảnh hưởng bởi quan điểm của Ăngghen về chủ nghĩa hiện thực khi bày tỏ ý tưởng trong “Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: Những khuynh hướng trong tiểu thuyết”1. Ông luôn nhấn mạnh tới vai trò của “kỹ sư tâm hồn”, tức vai trò của nhà văn trong việc “thiết kế”, xây dựng nhân cách con người.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được Hải Triều giới thiệu trên ba bình diện: tư tưởng, tính chân thật và tính nghệ thuật, lấy việc tả chân “để phấn khởi lòng người, gây thêm hy vọng, thêm lạc quan cho đám dân cùng khổ, cho hạng người đang tranh đấu, thúc đẩy họ mau đánh đổ cái xã hội đồi bại và xây dựng cái xã hội hợp với nhân sinh”2. Hải Triều triển khai tư tưởng của mình theo tư tưởng Mácxít, tức là đi theo những quy luật vận động của các mâu thuẫn. Trong những bài viết của mình, ông thường đưa những khái niệm của Mác, đồng thời trích dẫn những nhà văn, nhà triết học lớn như M. Goócki, V. Huygô, L. Tônxtôi,... Bài viết của ông thường được trình bày đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ, hoa mỹ, đôi khi hài hước, châm biếm. Nhờ tiếp xúc với các tư tưởng tiến bộ mà Hải Triều sớm có những quan điểm cách mạng, khoa học. Năm 1933, ông đã viết và đăng 24 bài báo trên báo Đông PhươngTiếng Dân về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, khẳng định chân lý học thuật, thể hiện quan điểm, bản lĩnh cá nhân một cách mạnh mẽ, rõ ràng, đồng thời thể hiện một tầm văn hóa đối thoại mới luôn tôn trọng sự bình đẳng, dân chủ với các ý kiến trái chiều. Điều này được thể hiện rõ trong cuộc tranh luận nổi tiếng giữa ông và Phan Khôi về chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy vật và chế độ phong kiến. Cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật (1933-1939) được bắt đầu bằng bài báo “Văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của Phan Khôi trên Phụ nữ thời đàm (số 4, ngày 08/8/1933). Bài báo thể hiện những nhận thức lệch lạc về hiện tình đất nước, bi quan về số phận, tương lai của dân tộc. Đứng trên lập trường mácxít, với tầm kiến văn sâu rộng và lòng yêu nước, tự hào dân tộc, bằng cách lập luận sắc sảo, Hải Triều đã viết một loạt bài tranh luận, vạch ra những luận điểm sai trái, đồng thời kêu gọi các lực lượng yêu nước và tiến bộ tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại sự nô dịch của thực dân, sự hèn kém của triều đình phong kiến để giành lại độc lập cho dân tộc. Cuộc tranh luận kết thúc với phần thắng nghiêng về phía Hải Triều chính là khẳng định sự thắng lợi của tư tưởng mácxít về thế giới quan và nhân sinh quan, là những hồi kèn giục giã các lực lượng tiến bộ đứng dậy tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng nền văn hóa nghệ thuật cách mạng tiên tiến…

Cùng với cuộc tranh luận Duy tâm hay duy vật là cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh (1935-1939) giữa Hải Triều với Hoài Thanh và Thiếu Sơn. Đây là một cuộc bút chiến lý luận văn học đích thực lúc bấy giờ.              

Mở đầu cuộc tranh luận giữa nhóm Nghệ thuật vị nhân sinh do Hải Triều đứng đầu và nhóm Nghệ thuật vị nghệ thuật do Hoài Thanh đứng đầu là bài viết của Thiếu Sơn với tựa đề “Hai cái quan niệm về văn học”. Nhóm của Hải Triều lấy điểm tựa là chủ nghĩa duy vật mácxít về triết học và lịch sử xã hội quan niệm rằng “cây nghệ thuật phải được trồng trên mảnh đất hiện thực” mới có thể “kết trái nhân sinh” để phục vụ nhân dân lao động. Do đó, văn chương tả thực có nội dung chủ yếu là miêu tả, phản ánh, ca ngợi cuộc sống và con người lao động bình dân. Văn học phải trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột giành lại độc lập, tự do. Theo Hải Triều, nghệ thuật phải vì con người, tuyệt đối không được đặt ra ngoài con người và xã hội, đặt nghệ thuật ra ngoài nhân sinh là “ngụy biện, phi lý” và “gian trá”. Ông cũng đả kích những sáng tác lãng mạn xa rời thực tế, coi đó là thứ văn chương “thần bí, dâm ô, phản động của giai cấp phú hào”. Không chỉ bàn luận về sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong cuộc đấu tranh giai cấp, Hải Triều cùng một số đồng chí khác trong nhóm Nghệ thuật vị nhân sinh như Bùi Công Trừng, Hồ Xanh, Hải Thanh, Hải Vân… còn mở rộng, bàn luận sâu xa về văn hóa dân tộc và nhân loại, bước đầu phân loại vai trò, chức năng một số phạm trù cơ bản của hình thức và nội dung tác phẩm, nhất là quan niệm về sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Đây là một quan niệm mới mẻ, sâu sắc, không kém phần tinh tế và mang tính thời sự. Với những lập luận sắc bén, Hải Triều cùng nhóm Nghệ thuật vị nhân sinh đã chiến thắng nhóm Nghệ thuật vị nghệ thuật một cách vẻ vang, đầy tính thuyết phục.

Năm 1938, Hải Triều xuất bản cuốn sách Chủ nghĩa Mácxít phổ thông, đây được coi là một hành động dũng cảm của ông khi trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, định hướng và thôi thúc họ đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến - nguyên nhân sâu xa khiến Nhân dân ta khổ cực, bần cùng, đồng thời mở ra khuynh hướng sáng tác cách mạng, tiến bộ bằng cách giới thiệu các nhà văn hiện đại lớn của thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc ông khẳng định và cổ vũ cho khuynh hướng văn học hiện thực phê phán trong nền văn học Việt Nam với các nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…

Có thể thấy rằng, Hải Triều là một trong những người tiên phong đặt viên gạch đầu tiên cho lý luận văn học, văn hóa ở nước ta, là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Ông đấu tranh vì một chân lý văn nghệ: dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học nghệ thuật đứng trong hàng ngũ đấu tranh giai cấp đòi lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc, cho nhân dân lao động. Muốn vậy, nhà văn phải đứng vào hàng ngũ cách mạng “tả thực xã hội” để cổ vũ, kêu gọi…, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với những cái sai trái, phản động. 

1. Tạp chí Tao đàn, số 2,  ngày 16/5/1939.

2. Báo Hồn trẻ, ngày 06/8/1936.

PGS.TS. NGUYỄN THANH TÚ

THS. ĐÀO THỊ NGÂN HUYỀN 

Bình luận