Hội nghị quán triệt Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, Chỉ thị số 43-CT/TW, Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư

Ngày đăng: 10/09/2020 - 09:09

Ngày 09/9/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, Chỉ thị số 43-CT/TW, Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư. Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. 

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã báo cáo một số nội dung cơ bản về Kết quả thực hiện Kết luận số 29-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; những nội dung cơ bản của Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, ngày 06/4/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Đồng chí Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới và những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo chuyên đề Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị (quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư), đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị được ban hành là một Chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể Trung ương và địa phương, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.

Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Hội nghị

Chỉ thị số 44-CT/TW chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào những vấn đề cấp bách đã được xác định trong công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị. Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới đất nước; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Cần xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng. Khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách, trong đó có sách lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản chỉ đạo các nhà xuất bản hoạt động trên cơ sở xác định chương trình hành động, đề án xuất bản sách hằng năm và chiến lược xuất bản sách. Nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu của sách lý luận, chính trị, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng trong tình hình mới. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sách lý luận chính trị, bảo đảm đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Rà soát, sắp xếp hợp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận, chính trị, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo và kém hiệu quả. Có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành. Kịp thời xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách lý luận, chính trị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chuyển đổi loại hình hoạt động của nhà xuất bản phù hợp với thực tế, đúng với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và quy định pháp luật. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... tham gia viết, biên soạn, biên dịch sách lý luận, chính trị. Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại; sách nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; sách cho người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Quy định trách nhiệm các thư viện mua sách lý luận, chính trị. Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích, ưu tiên và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Duy trì chính sách đặt hàng xuất bản phẩm, hỗ trợ giá bán sách lý luận, chính trị, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở. Đầu tư hợp lý cho ngành xuất bản tham gia triển lãm, hội chợ sách quốc tế ở trong và ngoài nước; cấp kinh phí dịch những cuốn sách, bộ sách có giá trị ra tiếng nước ngoài để phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Thực hiện xã hội hóa, liên kết giữa nhà xuất bản với các tổ chức kể cả các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam... trong hoạt động in và phát hành sách lý luận, chính trị theo đúng quy định của pháp luật. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách lý luận, chính trị. Đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, đặc biệt là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và đội ngũ tuyên truyền các cấp. Mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi xuất bản phẩm, kinh nghiệm với các nhà xuất bản nước ngoài. Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị thống nhất trong cả nước; cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lý luận, chính trị trên Internet. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao. Đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ biên tập, xuất bản; có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị.

 Đồng chí nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư: mục đích của Chỉ thị là làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, các nhà xuất bản nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị trong thời gian tới; từ đó yêu cầu phải đổi mới nội dung, phương thức quán triệt Chỉ thị phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát;...

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản báo cáo chuyên đề Xây dựng mô hình nghiên cứu, vận dụng nội dung Tạp chí Cộng sản - Kết quả bước đầu và giải pháp trong thời gian tới. Các đại biểu tại các điểm cầu (Ban Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng và Hội Nhà báo thành phố Hà Nội) đã tham luận về công tác triển khai, kết quả, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, Chỉ thị số 44-CT/TW tại địa phương; triển khai, thực hiện mua và đọc báo, tạp chí của Đảng theo kết luận, chỉ thị của Ban Bí thư;...

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định vai trò quan trọng của việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng và công tác nghiên cứu, xuất bản các sách lý luận, chính trị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị Ban Tuyên giáo các cấp đổi mới hình thức, phương pháp quán triệt, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các Chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị theo từng địa phương, đơn vị, từng cấp, từng ngành một cách căn cơ, đảm bảo chất lượng, đối tượng và thời gian quy định. Cần xác định rõ việc nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên; mua, đọc và làm theo báo Đảng trở thành phong trào rộng khắp trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các báo Đảng, tạp chí và các nhà xuất bản cần nâng cao chất lượng ấn phẩm nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Đảng, tạo sức hấp dẫn với độc giả.

Thu Hằng

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả