Nguyễn Công Trứ - Vị tướng Triều Nguyễn nổi tiếng ở những nơi địa đầu của Tổ Quốc
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm quan trải qua ba đời vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị,Tự Ðức. Ông được biết đến là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người, được các vua Nguyễn tin cậy, nhiều lần sai cầm quân đánh giặc ở nơi biên viễn.
Mạnh tay trấn áp các đối tượng bất hảo, thổ phỉ, hải tặc Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc
Thời kỳ quyền lực đỉnh cao của Nguyễn Công Trứ là khoảng thời gian ông được bổ làm Thượng thư Bộ Binh, kiêm Tổng đốc Hải Yên (1833), trấn giữ hai tỉnh trọng yếu phía Đông Bắc Tổ quốc là Hải Dương và Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Là một địa phương giáp giới Trung Quốc cả đất liền và hải đảo, Quảng Yên là địa bàn nóng bởi các tệ nạn, sự vụ, tình huống có liên quan đến an ninh quốc gia và chủ quyền dân tộc. Từ khi nhậm chức tại Quảng Yên, Nguyễn Công Trứ luôn phải đối diện và xử lý các tệ nạn liên quan đến các phần tử bất hảo người Thanh xâm nhập từ bên kia biên giới, hoặc ẩn náu trong các cộng đồng người Thanh sinh sống trên địa bàn.
Về xử lý nạn dân buôn lậu vùng biên câu kết với lái buôn người Thanh (Trung Quốc) lũng đoạn thị trường lúa gạo các tỉnh phía Bắc: Tháng 3 năm Ất Mùi (1835), Nguyễn Công Trứ dâng lên triều đình tập Thỉnh an1 với nội dung: “Dân hạt Quảng Yên phần nhiều đóng thuyền đi khắp các tỉnh lân cận mua gạo, chuyển bán cho lái buôn nhà Thanh. Vậy xin ra lệnh cho quan tỉnh xét theo cái số cần mua mà cấp cho quan văn để phòng điều tra xét nghiệm”2. Sau khi triều đình nhận được thỉnh an của Nguyễn Công Trứ, “việc được giao xuống bộ Hộ xét bàn. Bộ cho rằng 6 châu huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Tiên Yên, Hoa Phong, Vạn Ninh và Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Yên phần nhiều là đất nước mặn ven biển. Thóc gạo cần dùng thường thường do tỉnh bên cấp cho. Trong đó, Yên Hưng, Hoành Bồ, Tiên Yên và Hoa Phong đều ở phía trong sông, có đi sang tỉnh bên mua gạo thì chỉ chở theo đường cảng. Duy hai châu Vạn Ninh, Vân Đồn ở hẻo lánh trên hải đảo, thuyền đi phải do đường biển. Một khi đã ra khơi, thì tùy ý muốn đi đông, đi tây không ai biết đi đâu nữa. Quan địa phương thực không thể xét hỏi được. Do đấy, những kẻ tiểu nhân tham lợi, chở lậu gạo, lén lút bán cho lái buôn nhà Thanh. Đó là tình thế tất phải có. Cần có luật nghiêm cấm cụ thể... Vua y lời bàn”3.
Về đối phó với nạn săn bắt, đánh cá trái phép của ngư tặc Trung Quốc tại vùng biển phía Đông Bắc nước ta: Tháng 5 năm Mậu Tuất (1838), Nguyễn Công Trứ tâu với vua rằng: “Từ trước đến nay, từ tháng 8, 9 đến tháng 3, 4 người nhà Thanh có 500, 600 chiếc thuyền, tụ họp thành đoàn ở ngoài phận biển Quảng Yên đánh cá, phái thuyền quân ra, liền lại đi xa, mùa xuân năm nay đã phái người được việc ở địa phương ấy đi đến núi Chàng Sơn tra xét, có người phường Khai Vĩ là Lương Bình Tổ nói: “Phường của hắn, nhân khẩu kể có hàng nghìn người, vốn là lương thiện, nếu được đánh cá ở ngoài biển, xin tự ra sức bắt giải bọn ác ở phường đánh lưới tôm”. Xét ra một giải Chàng Sơn, vòng quanh suốt vài dặm, có đất cấy trồng được, có suối uống được, có vụng đậu thuyền được, người nước Thanh, nhiều người làm nhà ở trên núi, cấy trồng lấy hoa lợi, phàm các thuyền bè đều đỗ ở đây, nếu một phen bắt bớ đốt phá, chúng tất tan đi, khi quan quân đã về, thế ắt trở lại, nếu muốn vĩnh viễn cấm tuyệt, thực khó xếp đặt, nghĩ nên theo lòng mong muốn của Bình Tổ, cho tự trông coi, thì chúng được lợi, tự nhiên cũng ngăn cấm nhau, tưởng quan quân không đến tốn sức, mà giặc biển yên được”4.
Đề xuất của Nguyễn Công Trứ hoàn toàn có cơ sở thực tế bởi ông đã có thời gian dài điều tra nghiên cứu và theo dõi tình hình ở vùng biển Quảng Yên khi đó. Đây là nơi vô cùng phức tạp, số người Thanh bất hảo tụ tập đông, bám rễ lâu năm trên địa bàn, hoạt động công khai và thách thức, trong khi quân triều Nguyễn lực lượng mỏng, không thể thường xuyên tuần tra, trấn áp. Bởi thế, kế sách của ông đưa ra là dùng lực lượng đông đảo ngư dân sinh sống ngay tại địa phương ngày đêm bám biển, vừa đánh bắt hải sản, vừa cùng với quan quân đánh đuổi, trấn áp ngư tặc và các thành phần bất hảo người Thanh, giữ cho an ninh biển đảo vùng biên được lâu dài. Tuy nhiên, vua và triều đình nhà Nguyễn không tin vào kế hoạch của Nguyễn Công Trứ, đã quở trách và giáng chức ông. Ngay sau đó, triều Nguyễn cũng có tiến hành một số biện pháp khá quyết liệt, vừa kiên quyết trấn áp tội phạm, vừa khuyến khích cư dân địa phương mở rộng địa bàn cư trú đến các khu vực có người Thanh sinh tụ để làm tai mắt cho triều đình, song không dễ thực hiện và có kết quả như mong muốn. So sánh giữa hai kế sách có thể thấy, trước thực trạng vô cùng phức tạp như vậy, kế sách của Nguyễn Công Trứ có nhiều yếu tố hợp lý, đáng được tiếp nhận bởi đây là kế “dĩ độc trị độc” giúp triều Nguyễn đánh giá đúng tình hình, đủ thời gian thực hiện kế sách “sâu rễ, bền gốc” sau này.
Về việc trấn áp, tiêu diệt hải tặc người Thanh tụ tập, hoành hành trên các đảo và vùng biển nước ta: Tháng 9 năm Mậu Tuất (1838), Nguyễn Công Trứ đã đem đại đội binh thuyền chia đường thẳng đến Chàng Sơn vây bắt giặc biển, thu giữ được nhiều thuyền mành khí giới… Nguyễn Công Trứ cùng với Lê Đức Hảo - Suất đội giám thành ở Kinh thành đã cùng xem xét địa hình núi Chàng Sơn và vẽ thành bản đồ dâng lên vua. Bản sớ có ghi: “Hai bên tả hữu Chàng Sơn có Đông Chàng, Tây Chàng, Nam Chàng, Đàm Chàng (…), một dải Tây Nam núi non thấp phẳng, phía dưới rộng và phẳng, đất cát màu mỡ, người nước Thanh tụ ở đấy thường đến trên 500 nhà (…) thành sào huyệt của giặc cướp (…). Nghĩ định ở Chàng Sơn, vụng Đàm Úc ở phía Đông, vụng Thảng Úc ở phía Tây Nam, đều làm một đồn lớn, mỗi đồn đặt một Quản vệ hoặc một Quản cơ, 500 binh, 20 thuyền. Bên tả Thảng Úc, bên hữu Đàm Úc làm một pháo đài, những nơi cao đều đặt lầu canh, chỗ đốt lửa (…), như thế thì tin tức cũng thông, chiếu cố được nhanh chóng, bờ biển có thể yên hẳn”5. Sớ tâu vào. Vua bảo rằng: “… thế là tốt”6.
Thêm nữa: “Tháng 10, thuyền binh đi tuần bắt giặc của Tổng đốc Hải - Yên Nguyễn Công Trứ ở phận biển Chân Châu (tên xã) thuộc Hoa Phong, gặp thuyền giặc người Thanh trên 60 chiếc, đánh nhau, Quản vệ bọn Nguyễn Văn Ngữ thu được ba chiếc thuyền sam bản nhỏ và khí giới”7.
Về hoạt động khai thác các mỏ vàng của nước ta ở miền núi phía Bắc, khu vực giáp giới với Trung Quốc: Nguyễn Công Trứ đã có kế sách dâng lên triều đình với mong muốn để kiểm soát chặt chẽ nguồn vàng khai thác được, không để cho người Thanh thao túng, giữ vững an ninh vùng biên và giúp cho ngân quỹ quốc gia thêm dồi dào.
Sau cuộc hành binh lần thứ nhất đánh dẹp cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân tại châu Bảo Lạc vào cuối năm Minh Mạng thứ 14 (1833), trên đường về, Nguyễn Công Trứ dâng lên vua tập Thỉnh an, trình bày vị trí chiến lược của vùng đất An Biên, Hà Giang8, xin đặt tỉnh thành tại đây để chế ngự vùng thượng du phía Bắc, đồng thời nói về công việc khai thác mỏ vàng ở khu vực này. Ông viết: “… các sở mỏ vàng, mỗi năm nộp thuế từ 1 đến 4 lạng, mỗi lạng tính 80 quan tiền. Những người nhà Thanh làm mỏ, mỗi nơi tụ tập để kiếm ăn đến trên dưới 700, 800 người, đều là những kẻ du đãng trốn tránh. Chúng đào xẻ mạch đất, quấy nhiễu dân địa phương, thường gây ra xích mích. Ngày nọ, giặc Vân đi đến đâu, chém giết bừa bãi đến đấy, đều do bọn này hùa đảng, giúp nó làm bậy cả. Số thuế vàng thu nhập ấy, có hay không, đều không đáng kể. Nay hãy xin tạm bắt các mỏ vàng đóng cửa. Ðuổi hết về nước những bọn người Thanh tụ tập kiếm ăn ở đấy. Sau này, có ai xin trưng, cứ quan địa phương xét thực, sẽ chiếu theo cái lệ “Hộ làm vàng” ở Quảng Nam mà đánh thuế. Rồi thường cho kiểm soát, không để chúng tự giấu bớt như trước. Như vậy, đã dứt được cái lo bất ngờ, mà lại làm dồi dào thêm việc tiêu dùng của nhà nước”9. Điều đáng tiếc là nội dung này dù được vua Minh Mạng cho là có lý nhưng sau đó lại bỏ qua.
Với những kế sách và việc làm của Nguyễn Công Trứ, có thể thấy ông là người luôn đau đáu trong lòng nỗi lo về những bất ổn ở nơi vùng biên, về an ninh và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, nhất là khu vực biên giới và vùng biển phía Bắc của Tổ quốc.
Kiên quyết chặn đánh quân Xiêm và giặc Xiêm - Lạp hoành hành ở vùng biên giới phía Tây Nam
Sau khi kết thúc thời kỳ trị nhậm ở vùng Đông Bắc đất nước, Nguyễn Công Trứ về triều rồi tiếp tục được cử đi đánh dẹp và củng cố Trấn Tây (Chân Lạp). Khoảng năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Nguyễn Công Trứ thấy Trấn Tây chưa được dẹp yên, bèn dâng sớ xin đi. Khi Nguyễn Công Trứ vào từ biệt trước thềm để đi, vua dụ rằng: “Bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Tiến Lâm, không lo là không mạnh, chỉ lo không có mưu, mà trong quân chỉ có văn viên tứ phẩm là Đinh Văn Huy, bàn bạc việc quân, sợ hoặc chưa trúng khớp. Khanh là nho tướng, việc quân lữ vốn đã quen thạo, cốt nên cùng nhau đắn đo cơ nghi, sớm được thành công lớn để xứng với ủy nhiệm”10.
Trong việc bình định xứ Chân Lạp, điều đáng lưu ý là Nguyễn Công Trứ được vua Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị) giao trọng trách xử lý hậu quả những sai lầm của các quan lại triều Nguyễn trị nhậm và trấn giữ xứ này. Vì thế, nhiệm vụ chính của ông không chỉ là trấn áp, mà còn là tìm hiểu nguyên nhân chống đối và xử lý sao cho tình hình trở nên ổn thỏa. Sau khi nghiên cứu tình hình, nhận thấy Đại Nam không thể kéo dài sự chiếm đóng và cai trị Chân Lạp, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất lên vua Thiệu Trị kế hoạch rút quân, chấp nhận phân chia ảnh hưởng với nước Xiêm bảo hộ xứ Chân Lạp, phục hồi sự cân bằng, ổn định trong khu vực. Từ năm 1843, nước Đại Nam chấm dứt việc cai trị xứ Chân Lạp, rút toàn bộ lực lượng về An Giang, kết thúc sự xung đột, đổ máu kéo dài cho hai dân tộc Việt - Khmer. Với đề xuất trên, Nguyễn Công Trứ là người trực tiếp giải quyết một vấn đề lớn của lịch sử quan hệ Đại Nam - Chân Lạp, thông qua đó là mối quan hệ giữa nước ta với nước Xiêm và khu vực.
Với cương vị mới là Tuần phủ tỉnh An Giang, một tỉnh giáp giới với Chân Lạp, Nguyễn Công Trứ tiếp tục công việc tiễu phạt, chặn đánh giặc ngoại bang xâm lấn, cướp phá ở phía Tây Nam đất nước. Theo sách Đại Nam thực lục chính biên: Tháng 2 năm Nhâm Dần (1842),“…Tướng Xiêm là Ca La Hâm, Phì Phạt đem hơn 500 quân Xiêm, hơn 1000 quân Thổ và hơn 40 chiếc thuyền đến đóng ở bến phủ Quảng Biên; lại chở muối gạo lên bờ chứa tại một nhà để tạm ở Quảng Biên... Vua nghe biết việc ấy, nói rằng: “… Nay thuyền đồng ở Gia Định, đã sắp tới cõi, nên báo cho Nguyễn Công Trứ đi tới ngay, hợp sức cùng đánh…””11. Binh thuyền của Ô Thiệt Vương nước Xiêm đến đỗ ở Quảng Biên và địa phận biển đảo Nhĩ Dữ, núi Bạch Mã, số binh có tới vài vạn đóng đồn mọi chỗ, định mưu trước hết đánh úp Lô Khê rồi lấy Tô Môn, kéo đến bức tỉnh thành. Tỉnh Hà Tiên hoảng sợ, cấp tốc gửi công văn khẩn cho tỉnh Vĩnh Long mau đem binh thuyền đến giúp. Ngay sau đó, ở dải sông Vĩnh Tế, thổ phỉ kéo đến quấy nhiễu. Nguyễn Công Trứ nghe báo liền đem quân bản đạo đi gấp đêm ngày về An Giang; Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Lương Nhàn chia nhau đi đến Tiền, Hậu Giang dẹp bắt12.
Nguyễn Công Trứ là một nhà chính trị - quân sự xuất sắc, có nhiều cống hiến quan trọng trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Tài năng của ông không chỉ thể hiện trong việc dẹp loạn ở phía Bắc, đuổi giặc ở phương Nam, góp phần giữ yên bờ cõi, mà còn thể hiện ở tư duy kinh tế, tổ chức khai hoang lấn biển, khả năng chinh phục lòng dân, tổ chức cai trị trên nhiều vùng đất mà hiếm có một nhân vật nào trong lịch sử đất nước sánh kịp. Ông là một Nho tướng văn võ song toàn, là tấm gương sáng cho đời sau học tập và noi theo. ◈
1. “Thỉnh an” nghĩa là hỏi thăm sức khỏe vua, nhưng thực chất là bản báo cáo hằng tháng, do các Tổng đốc dâng lên triều Nguyễn.
2, 3, Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, năm 2002, phần IV, tập IV, tr. 905, http://vnmilitaryhistory.net.
4, 7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phần V, tập V, tr. 337, 413.
5, 6. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phần V, tập V, tr. 382.
8. Thời vua Minh Mạng, đất Hà Giang nằm trong tỉnh Tuyên Quang.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phần III, tập IV, tr. 92-94.
10. Hồng Nhung: “Hoạn lộ thăng trầm của Nguyễn Công Trứ qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn”, https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hoan-lo-thang-tram-cua-nguyen-cong-tru-qua-tu-lieu-chau-ban-trieu-nguyen-597489.ldo.
11, 12. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phần VIII, tập VI, tr. 302, 303-304.
PGS.TS. PHẠM QUỐC SỬ
Đại học Thủ đô Hà Nội
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Lan tỏa nội dung và phát huy giá trị Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
- Nhiều hoạt động giới thiệu, trưng bày sách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
- Những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam
- Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác
- Số phận thăng trầm của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ nhiệm Phó Giám đốc
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển lao động hợp đồng
- Xuất bản sách lý luận, chính trị trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển
- Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước
- Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ