Tiếp tục phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày đăng: 17/04/2019 - 14:04

Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thư viện; cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: TTXVN

* Ý kiến về dự án Luật Thư viện

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ngay sau phiên họp thứ 32, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát và tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp để hoàn thiện dự án Luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao trong khoảng thời gian ngắn, ban soạn thảo đã chỉnh lý toàn bộ hồ sơ, đặc biệt, đã chỉnh lý, bổ sung Tờ trình Chính phủ; Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật Thư viện; Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Thư viện; đánh giá tác động đối với việc sắp xếp mạng lưới thư viện, tổng kết đánh giá tác động đối với người sử dụng thư viện trong những năm qua để đưa vào Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật... là những cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã điều chỉnh logic hơn, cụ thể là sắp xếp lại các điều, bổ sung một điều mới (Điều 3), tách Điều 29 thành hai điều mới; giảm quy định về quản lý nhà nước đặc biệt các quy định về thủ tục hành chính, tăng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của thư viện để đảm bảo sự cân đối trong tổng thể dự thảo Luật...

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 32. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc đưa dự án Luật Thư viện trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Dự thảo Luật đã dành một số điều, khoản quy định về thư viện số. Dự phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là một nội dung mới, Ban soạn thảo đã tập hợp, nghiên cứu bước đầu về các văn bản liên quan tới thông tin mạng để xây dựng các quy định về nội dung này.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số. Cụ thể nội dung tại khoản 2 Điều 2: “Thư viện số là thư viện có vốn tài liệu số và người sử dụng truy cập thông qua máy tính, thiết bị điện tử và không gian mạng” là chưa bao quát đủ các yếu tố cấu thành thư viện số như: dữ liệu, công nghệ, con người, sản phẩm - dịch vụ thư viện, phương thức hoạt động thư viện số.

Về bản quyền tài nguyên số: để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên dùng chung giữa các thư viện, nhất là các thư viện có ngân sách đầu tư còn hạn chế, tạo điều kiện cho người dùng được tiếp cận với tài liệu số, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hóa và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan.

Dự thảo cần nghiên cứu quy định những nguyên tắc điều chỉnh cơ bản liên quan đến người đọc và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần có các quy định để thúc đẩy phát triển của thư viện số, như: vấn đề mua nguồn tin số và chia sẻ nguồn tin số giữa các thư viện công lập, sự tham gia và quyền lợi của các thư viện ngoài công lập; sự phân công, phối hợp giữa các thư viện, cơ quan thông tin khoa học và công nghệ, vai trò và trách nhiệm của các thư viện trung tâm có vai trò quan trọng trong hình thành nguồn tài nguyên số quốc gia; nghiên cứu - đào tạo - đầu tư cho nguồn nhân lực thư viện số, đầu tư tài chính và phát triển các dự án thư viện số dùng chung để tiết kiệm ngân sách nhà nước; thúc đẩy vai trò nghiên cứu - đào tạo thư viện số của các đơn vị đào tạo…

Quy định về xếp hạng thư viện trong dự thảo Luật có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần có quy định phân hạng thư viện để khắc phục các bất cập hiện nay. Mục đích xếp hạng thư viện nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện; là cơ sở để đầu tư phát triển thư viện phù hợp với từng giai đoạn. Một số ý kiến cho rằng cân nhắc về sự cần thiết và tính khả thi của việc xếp hạng thư viện.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý thư viện, Chính phủ thấy rằng việc xếp hạng thư viện là cần thiết vì thư viện có nhiều loại với quy mô, vốn tài liệu, tiện ích, tính chất, đối tượng phục vụ và phương thức quản lý khác nhau. Hiện nay chỉ có thư viện công cộng được xếp hạng theo quy định cứng, cố định không đảm bảo sự bình đẳng giữa các thư viện và giữa thư viện với thiết chế văn hóa khác, không tạo động lực cho các thư viện phấn đấu để nâng hạng buộc phải duy trì hiệu quả để không bị tụt hạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc cần thiết nên có quy định về xếp hạng thư viện và đồng tình quy định như dự thảo là giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định việc xếp hạng đối với thư viện hạng I.

Thẩm tra nội dung này, thường trực Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về quy định xếp hạng thư viện vì dự thảo Luật quy định về tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng chưa cụ thể nên khó phù hợp với đặc thù của các loại thư viện và khó đảm bảo khách quan, chính xác khi thực hiện.

Trong khi đó quan điểm xây dựng Luật này là Nhà nước đầu tư cho thư viện theo hướng tập trung trọng điểm và thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa nên mục đích xếp hạng thư viện nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện là chưa thật hợp lý.

Trong trường hợp có xếp hạng thư viện, dự thảo Luật cần làm rõ các tiêu chí và tính khả thi của việc xếp hạng. Việc xếp hạng có thể chỉ áp dụng đối với một số loại hình thư viện và để cho các tổ chức đánh giá độc lập hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về thư viện thực hiện.

Dự phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đặc biệt là về thư viện số, quyền của thư viện, những điều cấm... Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chính lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các điều luật, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét dự án Luật Thư viện tại Kỳ họp thứ 7.

** Ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018 của Chính phủ đánh giá năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực hơn trước, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chính sách về tài chính, thuế, ngân sách Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 28,8% (mục tiêu là 25% - 26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra tồn tại, hạn chế đó là công tác thu ngân sách Nhà nước ở hai địa phương (Bình Dương, Đồng Nai) không đạt dự toán, chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Công tác chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế có những chuyển biến tích cực, song chưa đạt kết quả như mong muốn, do nhiều nguyên nhân nên số thuế nợ đọng còn lớn chủ yếu là các khoản nợ không còn khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp chiếm tới 69,3% tổng số tiền thuế nợ; số nợ thuế, phí và nợ các khoản thu về đất chiếm 30,7% tổng số tiền thuế nợ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 phát hiện nhiều đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước sai chế độ.

Việc thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu đề ra, cơ bản hoàn thành xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. 

Công tác đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) đạt được những kết quả bước đầu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Song, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; nhiều lĩnh vực dịch vụ công chưa tính đủ chi phí vào giá. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn bất cập, lúng túng. Nguyên nhân do số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là quá lớn; thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả; trong khi đó các hoạt động xã hội hóa dịch vụ công còn khó khăn do số cơ sở ngoài nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực này còn hạn chế, đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện khó khăn... 

Năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019. Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được Chính phủ nêu ra là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công. Thực hiện nghiêm quy định trong quản lý tài sản công; tổ chức sắp xếp, xử lý xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức; phấn đấu đến năm 2020 giảm 30% - 50% lượng xe ô tô công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,85%. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong báo cáo của Chính phủ còn đánh giá chung chung, chưa thể hiện được tinh thần và mục tiêu của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhiều nhận định, đánh giá thiếu số liệu, dẫn chứng như đề cập tính khả thi của một số quy định pháp luật còn thấp nhưng chưa có thống kê để đề xuất sửa đổi... Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vẫn chưa được khắc phục, đến 31.1. 2019 chỉ đạt khoảng 75% kế hoạch vốn Quốc hội giao, nhiều địa phương giải ngân đạt thấp. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn chậm, giao vốn nhiều lần ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… Các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định. Chính phủ cần tổng kết và đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế trong năm 2018 để có cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thảo luận báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá số liệu báo cáo được tổng hợp đầy đủ hơn năm ngoái; Chính phủ có nhiều nỗ lực thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo liên quan tới việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ 2 mặt còn tồn tại của công tác này. Đó là tình trạng một số đơn vị chạy theo số lượng, cắt giảm cơ học; một số đơn vị lại chạy theo thành tích, cắt giảm rất nhiều. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cũng là tốt. Lấy ví dụ về lĩnh vực vận tải đường bộ, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói, đây là lĩnh vực gây tai nạn giao thông nhiều nhất, nghiêm trọng nhất. Do vậy, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ cần phải được thắt chặt hơn, chứ không phải cắt giảm đi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá cao kết quả của công tác thanh tra, công tác kiểm toán, thời gian qua và khẳng định quan trọng là đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán để phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân gây lãng phí, cũng cần coi trọng công tác khen thưởng với những tập thể, cá nhân làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc tới tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho việc triển khai thi hành luật. Luật Quy hoạch thông qua từ năm 2017, đến ngày 01-01-2019 mới có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay, nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, khiến các địa phương chưa thể triển khai xây dựng hệ thống quy hoạch.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề về tính hiệu quả trong thực thi Thông tư số 129/2017/TT-BTC quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Đến nay, chỉ có 3/34 bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chấm điểm theo thông tư này, 1 cơ quan bỏ trống, 30 cơ quan chưa thực hiện. Không chỉ đề nghị thay đổi văn hóa trong chi tiêu ngân sách, các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân, các cộng đồng thực hiện nếp sống văn hóa mới, thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã đánh giá khá toàn diện mặt được và chưa được; đồng thời cơ bản thống nhất giải pháp được Chính phủ đưa ra. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhìn chung, công tác thực hành tiết kiệm ở cả khu vực công và tư đều có chuyển biến tốt hơn năm ngoái. Sự điều hành của Chính phủ có chuyển biến theo hướng công khai, minh bạch… Báo cáo của Chính phủ khá tốt, nhưng còn một số địa phương chấp hành chưa tốt, như còn 3 địa phương chưa báo cáo, còn 30 địa phương chưa chấm điểm, có địa phương chấm điểm 100% không có tình trạng lãng phí trong khi địa phương đó còn có những phức tạp đang xảy ra... Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu để hoàn thiện báo cáo.

BT: Nguyễn Chắt

(nguồn: TTXVN)

Bình luận