Tọa đàm Khoa học về Định hướng phát triển Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến năm 2030

Ngày đăng: 04/05/2019 - 10:05

Ngày 18/4/2019, tại Hà Nôi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức toạ đàm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về Đề án Định hướng phát triển Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến năm 2030. Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản chủ trì buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm về phía khách mời có các đồng chí: Nguyễn Bùi Khiêm, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Nguyễn Văn Phương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt; Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO; Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Bộ Nội Vụ.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Về phía Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có các đồng chí: Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Trần Quốc Dân, Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản, Thành viên Tổ soạn thảo Đề án cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản tại Hà Nội; Chủ tịch Công đoàn; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Bí thư Đoàn Thanh niên; lãnh đạo Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học và cán bộ Phòng Quản lý Khoa học.

Đồng chí Trần Quốc Dân, Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản, Thành viên Tổ soạn thảo Đề án phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản đã trình bày khái quát về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Nhà xuất bản. Cũng theo đồng chí Phạm Chí Thành, nhằm đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị công lập, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ra Nghị quyết số 19 – NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan sự nghiệp Trung ương của Đảng, là đối tượng thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương này. Mặt khác, việc hoạt định chiến lược phát triển trên cơ sở giải quyết bài toán tổng thể của Nhà xuất bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu trong tình mới cũng là yêu cầu chung của Đảng, Nhà nước được thể hiện qua: Nghị quyết Trung ương khóa 4 khóa X về đổi mới, kiện toàn bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết Trung ương 5 khóa X tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39 - NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5 khóa XII, Thông báo số 19 –TB/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.. Các văn kiện, văn bản trên là cơ sở, là căn cứ pháp lý quan trọng và cũng chính là yêu cầu của việc tiến hành đổi mới.

Đồng chí Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản mong muốn các đại biểu tham dự dành thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến bổ sung các điều còn thiếu và chưa phù hợp, góp phần hoàn thiện Đề án để bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ trình Ban Bí thư.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Trên cơ sở đề cương chi tiết, các thành viên tham dự tọa đàm nhận định tính cấp thiết của Đề án, việc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nghiên cứu Đề án là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản, góp phần cùng với các nhà xuất bản khác nâng cao hiệu quả truyền thông xuất bản phẩm ở Việt Nam. Đề án có kết cấu, phương pháp nghiên cứu phù hợp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý để Đề án hoàn thiện và có giá trị cao hơn.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi tọa đàm. Cũng theo đồng chí Phạm Chí Thành, các ý kiến đóng góp tại tọa đàm rất xác đáng dưới nhiều góc độ. Đổi mới cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và cán bộ là khâu quyết định đối với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhằm đáp ứng yếu cầu, nhiệm vụ của công tác xuất bản sách lý luận chính trị và pháp luật trong thời kỳ mới. Ban chỉ đạo đề án cũng như Tổ Thư ký ghi nhận đầy đủ, chi tiết các ý kiến để tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh Đề án Định hướng phát triển Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến năm 2030 trình Ban Bí thư Trung ương Đảng trong quý II năm 2019.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả