Cách dạy - Cách học - Cách sống trong thế kỷ XXI (Khảo sát triết lý giáo dục của Dewey và Makiguchi để đưa ra phương thức giáo dục mới cho nhân loại)

Ngày đăng: 24/12/2019 - 16:12

John Dewey là nhà triết học vào hàng lớn nhất nước Mỹ nửa đầu thế kỷ XX, đồng thời là nhà giáo dục vĩ đại, đóng góp lớn lao vào công cuộc cải cách giáo dục của nhân loại. Tư tưởng triết học và sự nghiệp giáo dục đồ sộ của John Dewey đã bao trùm đời sống trí thức Mỹ, có ảnh hưởng to lớn làm thay đổi nền giáo dục Mỹ suốt thế kỷ XX. Đồng thời, tư tưởng của ông cũng ảnh hưởng đến nền giáo dục nhiều nước trên thế giới. Cách đây non nửa thế kỷ, triết học giáo dục của John Dewey đã thâm nhập Nhật Bản và Trung Quốc.

Tsunesaburo Makiguchi là chủ tịch đầu tiên của phong trào Soka Gakkai, một nhà giáo lỗi lạc của Nhật Bản với những tư tưởng để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo học sinh, sinh viên. Lý thuyết giáo dục sáng tạo (Giáo dục Soka) của ông vẫn có giá trị thiết thực với nền giáo dục hiện nay.

Dewey và Makiguchi đều là những con người sống trong thời kỳ thế giới có nhiều biến động và tư tưởng của họ đã gặp nhau. Cốt lõi của triết lý giáo dục mà hai ông đưa ra là: giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống, giáo dục tự nó gắn liền với cuộc sống. Cả hai ông đều là những nhà giáo dục đầu tiên đi từ quan điểm mục đích của giáo dục là “vì trẻ em”. Những điểm tương đồng của hai ông về các vấn đề như sức mạnh của giáo dục, chủ nghĩa dân sinh, hay khoa học triết học tôn giáo… đều được đề cập trong cuốn sách “Cách dạy - Cách học - Cách sống trong thế kỷ XXI” (Khảo sát triết lý giáo dục của Dewey và Makiguchi để đưa ra phương thức giáo dục mới cho nhân loại).

Nội dung cuốn sách được trình bày dưới hình thức một cuộc đối thoại cởi mở và đầy trách nhiệm giữa Tiến sĩ Daisaku Ikeda – học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng ở Nhật Bản cũng như trên thế giới và hai triết gia nổi tiếng người Mỹ - Jim Garrison và Larry Hickman.

Các chủ đề luận bàn trong cuộc đối thoại hết sức thiết thực và sâu sắc, các chuyên gia cùng trao đổi, phân tích một số vấn đề quan trọng mà xã hội con người ngày nay đang phải đối mặt, như vai trò của giáo dục trong việc đào tạo công dân toàn cầu, môi trường học tập trong gia đình, nhà trường và tầm quan trọng của việc học tập suốt đời; làm thế nào để khoa học kỹ thuật có thể mang lại hạnh phúc cho con người, làm thế nào xung đột có thể giải quyết thông qua đối thoại, làm thế nào để những người dân có tập quán và sự quan tâm khác nhau có thể cùng chung sống trong những cộng đồng dân chủ… Đặc biệt, ý nghĩa xuyên suốt cuốn sách mà nhóm tác giả muốn gửi gắm trong đó là sự động viên, khích lệ thế hệ thanh niên hiện nay và mai sau cần phát triển và sáng tạo nhiều giá trị hơn nữa, nhằm bảo đảm một tương lai thành công ở thế kỷ XXI.

Bình luận