Hoạt động lập pháp về sở hữu trí tuệ thông qua các bản hiến pháp của Việt Nam

Ngày đăng: 28/09/2020 - 09:09

Theo tiến trình lịch sử Việt Nam, các bản hiến pháp lần lượt ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng và sự phát triển của đất nước. Mỗi bản hiến pháp là một sự tiến bộ mới trong tư tưởng lập pháp, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ. Những cam kết trong hiến pháp vừa là tuyên ngôn của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, khuyến khích đầu tư phát triển tài năng và ứng dụng các sản phẩm sáng tạo vào cuộc sống, vừa là cơ chế bảo hộ công khai, minh bạch về quyền sở hữu trí tuệ.

1. Những bước tiến trong hoạt động lập pháp về sở hữu trí tuệ qua các bản hiến pháp

Ngay từ Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp,... (Điều thứ 10), quyền tư hữu tài sản của công dân (Điều thứ 12), đảm bảo quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay (Điều thứ 13)1 là những quyền cơ bản của công dân nói chung, trong đó có quyền của văn nghệ sĩ, trí thức và nhà khoa học nói riêng. Quyền tự do ngôn luận là quyền được thể hiện tâm tư, tình cảm cá nhân trước thiên nhiên và xã hội. Những cảm xúc cá nhân được bộc lộ thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện dưới các thể loại khác nhau, là quyền ngôn luận cá nhân. Hiến pháp năm 1946 còn cam kết bảo đảm quyền tư hữu về tài sản và quyền lợi của văn nghệ sĩ, trí thức đối với các tài sản hữu hình và vô hình. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, nhưng đã có những quy định rất nhân văn về quyền con người. Tư tưởng lập pháp tiến bộ đó tiếp tục được phát huy trong các bản hiến pháp tiếp theo. 

Ngoài việc tiếp tục thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, Hiến pháp năm 1959 còn tiến đến khuyến khích và giúp đỡ công dân theo đuổi sự nghiệp sáng tạo của mình trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Điều này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức và nhà khoa học, góp phần phục vụ công cuộc tái thiết đất nước sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tinh thần đó đã được ghi nhận tại Điều 34: “Công dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ sự sáng tạo của công dân theo đuổi sự nghiệp khoa học, văn học, nghệ thuật và các sự nghiệp văn hóa khác”2

Sau Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 đã có bước tiến bộ mới, tương xứng với một Nhà nước Việt Nam thống nhất. Tại bản Hiến pháp này, Nhà nước cam kết bồi dưỡng và phát huy khả năng, sở trường, năng khiếu của công dân nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau 30 năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cam kết bảo đảm quyền lợi của tác giả đối với các sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện tại Điều 72: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, sáng tác văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ công dân theo đuổi sự nghiệp khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật nhằm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bồi dưỡng phát huy sở trường và năng khiếu cá nhân. Quyền lợi của tác giả và của người sáng chế, phát minh được bảo đảm”3

Đến Hiến pháp năm 1992, đã xuất hiện một cụm từ mới phù hợp với thuật ngữ quốc tế, thể hiện thái độ tích cực của Nhà nước đối với việc bảo hộ tài sản trí tuệ. Bước tiến bộ này được ghi nhận tại Điều 60: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp”4.

Tới Hiến pháp năm 2013 - bản hiến pháp hiện đang có hiệu lực, quy định: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”5 (Điều 40), “Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”6 (Điều 62.2). Ngoài việc kế thừa những điểm tiến bộ trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, Hiến pháp năm 2013 còn là tuyên ngôn mới và quan trọng của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Như vậy, nếu Hiến pháp năm 1946 quy định về việc thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, đảm bảo quyền tư hữu về tài sản và quyền lợi của trí thức, thì Hiến pháp năm 1959 đã có bước tiến mới, đó là việc Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ công dân theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật. Hiến pháp năm 1980 là một sự tiếp cận mới trong hoạt động lập pháp về quyền của con người, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ghi nhận sự cam kết của Nhà nước về việc bồi dưỡng sở trường và năng khiếu cho công dân, đảm bảo quyền lợi của tác giả, người có sáng chế, phát minh nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo phát triển. Tiếp đó, Hiến pháp năm 1992 đã quy định về việc bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Tiếp tục tư tưởng lập pháp tiến bộ và nhân văn đó, bên cạnh việc khuyến khích đầu tư sáng tạo, Hiến pháp năm 2013 còn cam kết ưu tiên chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Mỗi bản hiến pháp ra đời đều được sửa đổi, bổ sung những nội dung mới về sở hữu trí tuệ: thừa nhận quyền, khuyến khích đầu tư sáng tạo, chuyển giao ứng dụng và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng và sự phát triển của đất nước. Đây là cơ sở cốt yếu để ban hành Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, các luật thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học - công nghệ và các luật khác có liên quan.

2. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Để tiếp tục đưa Hiến pháp vào cuộc sống, thúc đẩy công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có bước tiến mới, bảo vệ tài sản hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, từ đó góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng mở rộng khung pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, cụ thể hóa các chế định pháp luật trừu tượng, phức tạp sao cho dễ hiểu, dễ áp dụng.

- Tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ từ Trung ương đến địa phương. Tập trung đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân sự có năng lực tương xứng để quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngăn chặn có hiệu quả các vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại biên giới, các cửa khẩu, đồng thời tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường nội địa. Đề xuất xét xử hình sự một số vụ việc nghiêm trọng để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và răn đe.

- Nâng cao nhận thức, tri thức và ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu trí tuệ để họ chủ động sử dụng công cụ pháp luật trong bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong xã hội, tạo thành các phong trào, thói quen không dùng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từng bước xây dựng văn hóa bản quyền của một xã hội văn minh.

- Mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ với các nước có nền công nghiệp sáng tạo phát triển, công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả. Thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ, các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. 

Từ khóa: hiến pháp; hoạt động lập pháp về sở hữu trí tuệ

1, 2, 3, 4. Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 10, 41, 100, 156.
5, 6. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 27, 36.

TS. Vũ Mạnh Chu

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận