Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ

Ngày đăng: 05/10/2018 - 09:10

Nhận diện đúng biểu hiện, bản chất của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, khắc phục và hạn chế tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, bởi nếu không sẽ làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

Ảnh minh họa - Nguồn: dantri.com.vn

1- Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng. 

Bên cạnh những đổi mới, tiến bộ trong thời gian qua, công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí tiêu cực, tham nhũng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đề ra nhiệm vụ quan trọng là phải “ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, một trong những vấn đề đặt ra là cần nhận diện rõ tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ diễn ra ở đâu, như thế nào?

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Vụ lợi là hành vi mưu cầu lợi ích vật chất, tinh thần cho riêng mình mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc giành được thông qua hành vi tham nhũng. Công tác cán bộ là công tác đối với con người, do đó, tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về “vụ lợi” so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế. Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”... Cái lợi người ta nhận được ở đây suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất, nhưng biểu hiện ra lại là lợi ích phi vật chất. Tuy nhiên, về bản chất, những hành vi, hiện tượng đó vẫn là tham nhũng vì đều là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, vi phạm kỷ luật của Đảng, gây hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn. 

Thực tế cho thấy tham nhũng trong công tác cán bộ diễn ra ở nhiều khâu của công tác cán bộ với rất nhiều cách thức từ đơn giản, trắng trợn đến tinh vi; từ dễ nhận thấy đến mập mờ tốt xấu, đúng sai không dễ nhận ra. Có thể nhận diện một số dạng tham nhũng trong công tác cán bộ sau:

“Chạy”: Đây là biểu hiện rõ nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ. “Chạy” gắn liền với nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong công tác cán bộ, dẫn đến tình trạng “mua quan, bán chức” hết sức tệ hại, làm vô hiệu hóa đường lối, chủ trương, chính sách và các quy định đúng đắn trong công tác cán bộ của Đảng; gây nhức nhối dư luận trong nội bộ, ngoài xã hội; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm mất niềm tin của nhân dân và của chính đội ngũ cán bộ, gây hậu họa khôn lường cả trước mắt và lâu dài. Dương Chí Dũng từ một cán bộ quản lý kinh doanh đến đâu thua lỗ đấy nhưng cứ được cất nhắc lên cao dần và cuối cùng là được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam để rồi bị bắt ngay sau đó. Hay Trịnh Xuân Thanh từ một cán bộ quản lý kinh doanh có nhiều khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng, thậm chí phạm pháp nhưng lại được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm thành cán bộ lãnh đạo cấp cao và còn được khen thưởng những danh hiệu cao quý... cho thấy những dạng “chạy khủng” và lắt léo trong công tác cán bộ xảy ra từ cấp thấp đến cấp cao.

Trong các khâu của công tác cán bộ đều có hiện tượng “chạy”, như chạy quy hoạch, chạy đi học, chạy luân chuyển; chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm, chạy bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; chạy nhận xét, đánh giá; chạy nâng ngạch, nâng lương; chạy bằng cấp; chạy huân chương... “Chạy” dường như đã thành thông lệ, thành luật ngầm ai cũng biết nhưng ngại nói ra. Muốn được bố trí, bổ nhiệm vào chỗ này, chỗ kia có nhiều lợi lộc, danh giá, nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí, bổ nhiệm thì “chạy” đã đành, “lệ” này còn làm cho cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cũng phải “chạy” mới yên tâm (!!!) Tệ nạn “chạy” đã làm hình thành, nuôi dưỡng một loại cán bộ cơ hội, thăng tiến bằng “chạy” và cũng làm xuất hiện một bộ phận cán bộ không lo làm tốt chức trách nhiệm vụ mà chỉ lo “đầu tư” xây dựng các “quan hệ” để “chạy” khi cần.

Lạm quyền: Đây là hành vi của người có trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác cán bộ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác cán bộ. 

Biểu hiện của hành vi này là người đứng đầu với quyền lực đã đề xuất, vận động, gợi ý, gây sức ép, hướng lái tập thể lãnh đạo theo ý đồ, thậm chí tự ý quyết định hay áp đặt theo chủ ý của mình về công tác cán bộ, làm tê liệt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, vô hiệu hóa nguyên tắc tập trung dân chủ. Lạm quyền dẫn đến mất dân chủ, độc đoán, sự thao túng, tự tung, tự tác của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Bằng sự lạm quyền này, họ sẽ thực hiện hành vi “bán chức” cho những kẻ hối lộ hoặc bố trí, bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi lộc. Vụ, việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định, vượt thẩm quyền trong thời gian dài tại một số tỉnh, như Cà Mau, Ninh Bình; tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa qua, hay người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2011 - 2015 quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm một số người thân quen không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đúng quy định; tuyển dụng chủ doanh nghiệp tư nhân không qua thi tuyển rồi bổ nhiệm Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - Hội đồng nhân dân tỉnh là những hành vi lạm quyền trong công tác cán bộ. 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Đây là hành vi của người có thẩm quyền trong công tác cán bộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái quy định trong công tác cán bộ vì vụ lợi. Biểu hiện của loại tham nhũng quyền lực này rất đa dạng, từ việc dùng “quyền lực mềm” của cương vị lãnh đạo, quản lý để tác động, gợi ý nhằm ưu ái, vun vén cho gia đình, người thân dẫn đến chuyện “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”, hay sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình đổi chác việc tiếp nhận, bố trí nhân sự cho nhau giữa hai cơ quan, đơn vị theo kiểu “anh giúp tôi, tôi giúp anh”, thậm chí ngầm chia cho nhau giữa các cán bộ lãnh đạo mỗi người một số suất tuyển dụng, bổ nhiệm để ai cũng có “suất” (!) dẫn đến tình trạng lạm phát thư tay, bút phê hay trong cơ quan, đơn vị thấy toàn “cháu” lãnh đạo (!).

Lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, quy định: Đây là hành vi của người có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ đã lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách, quy định về công tác cán bộ để làm những điều sai trái vì vụ lợi, đi ngược lại lợi ích của tổ chức, của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Cơ chế, chính sách, quy định nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, khó tránh khỏi những sơ hở, thiếu sót. Lẽ ra với trách nhiệm của mình, những cán bộ này phải chủ động góp phần bịt kín, khắc phục những sơ hở đó thì họ lại lợi dụng nó để lộng hành, bố trí, bổ nhiệm cán bộ theo chủ ý nhằm vụ lợi. 

Biểu hiện của loại tham nhũng này rất phong phú, như hiện tượng “cả cơ quan làm lãnh đạo”; là “chuyến tàu vét” với việc bổ nhiệm cấp tốc hàng loạt trước khi về hưu; là “loạn cấp phó”; là bố trí, luân chuyển con, cháu theo kiểu “đi tắt” để chưa kịp làm bí thư chi bộ bao giờ nhưng đã được bố trí làm lãnh đạo đảng bộ cấp huyện, tỉnh... Do chỉ quy định cụ thể số cấp phó của cấp sở nên có nơi đã lợi dụng bổ nhiệm cấp phó phòng tràn lan, cả phòng là lãnh đạo, cả sở là lãnh đạo. Tình trạng “cả họ làm quan” là biểu hiện của lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, quy định, vì tuy Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí người thân của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý trực tiếp, nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo khác trong cơ quan, đơn vị do mình lãnh đạo.

Do không quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc về trách nhiệm và thời điểm dừng ký các quyết định về nhân sự, về cán bộ đối với người lãnh đạo, quản lý trước khi nghỉ hưu, chuyển vị trí công tác, nên có cán bộ đã lợi dụng để ký hàng loạt quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động cán bộ trước khi nghỉ hưu, hay chuyển vị trí công tác như một “chuyến tàu vét” mà trong đó cán bộ được bổ nhiệm có cả những nhân sự có vấn đề, không đủ tiêu chuẩn. Những vụ, việc đã bị báo chí phanh phui khiến dư luận xôn xao rằng đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”(!). Tất nhiên, ai cũng biết rằng đằng sau “chuyến tàu vét” xuất bến đó có không ít chuyện khuất tất, chạy chọt, nhờ vả, “đưa - nhận”, “cảm ơn”(?). 

Cố ý làm trái: Hành vi này có trong tất cả các dạng tham nhũng nêu ở trên, tuy nhiên cũng có những đặc trưng. Biểu hiện của dạng tham nhũng này trong công tác cán bộ là cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền, trách nhiệm nhưng coi thường nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định. Hành vi này dẫn đến những quyết định tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, thủ tục, không đúng chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng; những vụ, việc “quy hoạch thần tốc”, “bổ nhiệm thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực... Thực tế cho thấy, phần nhiều những trường hợp cố ý làm trái không chỉ do phong cách gia trưởng, độc đoán của người lãnh đạo hay vun vén cho gia đình mà đều có bóng dáng của vụ lợi, toan tính, thậm chí “há miệng mắc quai”, bị “đại gia” chi phối... 

Biểu hiện của dạng tham nhũng cố ý làm trái còn có thể kể đến hành vi giả mạo trong công tác cán bộ, như làm tài liệu, hồ sơ giả; học giả, dùng bằng giả hay khai báo lý lịch không trung thực để đủ tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Những cán bộ khi làm việc này đều biết sai nhưng cố ý làm để được tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm.

Nhũng nhiễu trong công tác cán bộ: Hành vi này hiện hữu ở nhiều cán bộ lãnh đạo lẫn cán bộ tham mưu về công tác cán bộ. Do những lỏng lẻo, thiếu cụ thể trong quy định phân cấp quản lý cán bộ nên cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể tự ý đưa ra các quy định phân cấp quản lý cán bộ, nhân sự thuộc phạm vi quản lý của mình để thâu tóm hết việc quản lý cán bộ, nhân sự vào thẩm quyền cá nhân mình theo kiểu “be bờ chặn bắt cá”. Một số cán bộ tham mưu, giúp việc được phân công theo dõi địa bàn, giúp lãnh đạo, tổ chức quản lý cán bộ, thậm chí cả cán bộ nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức cũng lợi dụng vị trí công việc của mình gây nhũng nhiễu, nhận quà cáp, thậm chí nhận hối lộ, làm giá, môi giới hối lộ dưới dạng giúp chạy việc này, việc kia.

Từ những nhận diện trên đây, có thể thấy các đối tượng trực tiếp của các hành vi tham nhũng bao gồm “người được chạy”, “người chạy” và các “đối tác” liên quan. “Người được chạy” là thủ trưởng trực tiếp có thẩm quyền quyết định các khâu của công tác cán bộ (quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng, đánh giá...); là tập thể cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo có thẩm quyền quyết định công tác cán bộ; là cá nhân hoặc cơ quan tham mưu công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là người ở các vị trí then chốt nắm thông tin về nhân sự. “Người chạy” cũng vì mục đích vụ lợi cho bản thân mình, có thể là hành vi cá nhân hoặc hành vi tập thể kiểu “chạy theo dây”. Gần đây, dư luận nói nhiều đến “chạy theo dây”, tức một vị trí cấp trên nếu dịch chuyển thì tạo cơ hội cho các vị trí cấp dưới cùng dịch chuyển, nên cấp dưới “đồng hành” với cấp trên “cùng chạy” để tất cả đều có “cơ hội thăng tiến”.

Trong nền kinh tế thị trường, tham nhũng trong công tác cán bộ có quan hệ chặt chẽ với tham nhũng trong hoạch định chính sách, tham nhũng kinh tế. Trong những trường hợp như vậy, người ta thấy các vị trí “chạy chức”, “chạy quyền” thường đem lại quyền lợi “béo bở”, như cấp đất đai, tài chính, dự án đầu tư công... Thấp thoáng đằng sau các hành vi “chạy chức”, “chạy quyền” vào các vị trí “béo bở” thường có sự tham gia của các đại gia, của các nhân tố trung gian môi giới, thông qua các cuộc vận động hành lang hoặc “đầu tư tài chính”. Tất nhiên, khi đã ngồi vào vị trí có quyền hoạch định chính sách, cấp phát tài chính, dự án, đất đai, giấy phép,... thì người cán bộ đó lại phải “có trách nhiệm” đối với người đã “giúp đỡ” mình trước đó. Đây là quan hệ cộng sinhgiữa tham nhũng trong công tác cán bộ với tham nhũng kinh tế, tham nhũng trong hoạch định chính sách. Tính chất nguy hại khôn lường của hành vi tham nhũng “cộng sinh” này không chỉ làm cho chính sách công bị méo mó, nguồn lực công bị phân tán, thiếu công bằng, không tập trung đầu tư được cho các mục tiêu dự kiến, cản trở các nỗ lực của Đảng về chủ trương phân bổ các nguồn lực theo các quy luật của kinh tế thị trường, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ khi đã diễn biến theo kiểu “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ phải bắt đầu bằng triệt tiêu các khả năng, con đường, phương thức tạo nên hành vi tham nhũng của cả chủ thể, đối tượng, đối tác tham gia. Nói một cách giản đơn, chính là phải tác động vào chính người “chạy”, người được “chạy” và người trung gian, người đứng sau “hậu trường” cũng như các phương thức diễn ra tệ “chạy chức”, “chạy quyền”.

Trên đây là một số biểu hiện của tình trạng tham nhũng rất đáng lo ngại trong công tác cán bộ hiện nay. Qua những vụ án lớn đã và đang được điều tra, xử lý vừa qua cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ ngày càng phức tạp, nghiêm trọng về phạm vi, tính chất, hậu quả. 

2- Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú ý một số việc sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và vận động toàn dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chống tham nhũng; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo. Nâng cao nhận thức, phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và đội ngũ cán bộ tham mưu về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, để từ đó thực hiện đúng, tốt chức năng, nhiệm vụ công tác cán bộ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ theo tinh thần Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư, Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, tự quản lý, kiểm soát chính mình trước những tham vọng quyền lực và cám dỗ lợi ích vật chất. 

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi để ban hành những quy định mới về công tác cán bộ. Cần tập trung rà soát, phát hiện, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định về công tác cán bộ không còn phù hợp, khó thực hiện, dễ bị lợi dụng để trục lợi; ban hành những quy định còn thiếu và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Vừa qua đã tiến hành rà soát, bổ sung, sửa chữa, ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, như quy định về quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; quy định về luân chuyển, đánh giá cán bộ. Nhưng đó cũng chỉ mới hướng vào xử lý những sơ hở bị lợi dụng, gây bức xúc và đáp ứng yêu cầu trước mắt. Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các thể chế về công tác cán bộ, nhất là những quy định về đánh giá, thi tuyển, bầu cử, bổ nhiệm, quản lý cán bộ; về kê khai tài sản của cán bộ...

Ba là, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng tăng cường phân cấp quản lý cán bộ cho cấp trực tiếp quản lý, sử dụng; tăng thẩm quyền về công tác cán bộ cho người đứng đầu đi đôi với tăng trách nhiệm và giám sát quyền lực chặt chẽ. Quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Điều chỉnh các quy định, quy chế về công tác cán bộ, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng coi trọng đánh giá, lựa chọn của cấp trưởng đối với cấp phó, đánh giá của người đứng đầu đối với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

Bốn là, khẩn trương xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong công tác cán bộ. Để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều: kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, trong mọi tổ chức của xã hội; kiểm soát của tổ chức kết hợp với thúc đẩy tự kiểm soát của cá nhân cán bộ; kiểm soát của cơ quan chuyên trách việc kiểm soát quyền lực kết hợp với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội. 

Cần đổi mới cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra của Nhà nước để thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, việc thiết lập cơ quan kiểm tra, thanh tra đủ thẩm quyền để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, độc lập tương đối với cấp ủy, cơ quan hành chính là rất cần thiết để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Ủy ban kiểm tra của Đảng cần do đại hội đảng bầu ra; cơ quan thanh tra cần chuyển thành Thanh tra Nhà nước trực thuộc Quốc hội, hội đồng nhân dân để có tính độc lập và phát huy được vai trò kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cơ quan hành chính.

Năm là, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Dân chủ, công khai, minh bạch là hết sức quan trọng để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị để tạo công khai, minh bạch cũng như có cơ sở cho giám sát, kiểm tra. Đổi mới mạnh mẽ cách đánh giá, bổ nhiệm, bầu cử, giới thiệu bầu cử theo hướng dân chủ thật sự. Trong bổ nhiệm, bầu cử, giới thiệu bầu cử cần thực hiện chế độ bắt buộc có ít nhất hai ứng cử viên trở lên cho mỗi chức danh. Xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu đúng sẽ có chế độ khen thưởng, và ngược lại giới thiệu, bổ nhiệm sai thì cũng phải có cơ chế xem xét trách nhiệm cụ thể. Thực hiện việc giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ bằng văn bản và quy định việc chịu trách nhiệm về người mà mình giới thiệu. Cải tiến cách bỏ phiếu bầu ở cấp có thẩm quyền quyết định (cấp ủy, tập thể lãnh đạo) cần bắt buộc ký tên để ràng buộc trách nhiệm trước lá phiếu bầu cử.

Sáu là, đẩy mạnh đồng bộ phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ với phòng, chống tham nhũng trong hoạch định chính sách, tham nhũng kinh tế; ngăn chặn sự can thiệp của “đại gia” vào công tác cán bộ

Do quan hệ cộng sinh nguy hại giữa tham nhũng trong công tác cán bộ với tham nhũng kinh tế, tham nhũng trong hoạch định chính sách nên phải đẩy mạnh đồng bộ phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ với phòng, chống tham nhũng trong hoạch định chính sách, tham nhũng kinh tế. Trong đấu tranh phát hiện tham nhũng kinh tế cần chú ý đấu tranh phát hiện những dấu hiệu tham nhũng trong trong công tác cán bộ, trong hoạch định chính sách.

Những dấu hiệu về sự luồn lách, can thiệp của bàn tay một số “đại gia” vào công tác cán bộ vừa qua phải được coi là phạm “lằn ranh đỏ”, vi phạm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Cần tiếp tục có những quy định chặt chẽ trong công tác tổ chức và cán bộ để loại trừ sự can thiệp nguy hiểm này, nhất là quy định về giới thiệu, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ. Nghiên cứu xây dựng quy định ngăn chặn việc cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức tự ý tham dự các cuộc ăn uống, tiệc tùng với doanh nhân, tự ý nhận quà, nhận lời mời đi du lịch, nhận sự giúp đỡ vật chất, tài chính từ doanh nhân... Cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn là đối tượng mua chuộc, lợi dụng của bộ phận doanh nhân mưu làm giàu bất chính. Do thiếu những quy định chặt chẽ để quản lý quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức nên không ít cán bộ lúc đầu tốt nhưng đã bị mua chuộc dẫn đến tham nhũng, thoái hóa, “há miệng mắc quai”. Đồng thời cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ lãnh đạo để “đại gia” can thiệp vào công tác cán bộ.

Bảy là, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và người làm công tác tổ chức cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sai trái, lạm quyền trong công tác cán bộ. Ðồng bộ hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực và triển khai thực hiện nghiêm túc. Thực hiện chế độ cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ; giám sát từ dưới lên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân. 

Với vị trí công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng và trước tình hình tiêu cực, tham nhũng hiện nay, cần đặt trọng tâm vào công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Tiến hành rà soát toàn bộ công tác cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhất là những nơi có dấu hiệu vi phạm; phát hiện, kiểm tra, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ để răn đe mạnh mẽ. 

Cần đặt đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ trong cục diện đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đổi mới chính sách cán bộ, gắn trực tiếp trách nhiệm với lợi ích của người lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ công tác cán bộ.

Nhân tố quyết định thành công trong đấu tranh chống tham nhũng là quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện ở sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhất là điều tra, xử lý các vụ, việc tham nhũng trong công tác cán bộ.

Nguyễn Văn Giang

PGs. TS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản

 

Bình luận