Tư tưởng Hổ Chí Minh với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngày đăng: 04/10/2019 - 09:10

74 năm sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta nhìn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng, đầy gian nguy, thử thách, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, với trí tuệ và bản lĩnh đặc biệt, Nhân dân ta đã làm nên chiến công hiển hách, rũ bùn đứng dậy, tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.(Ảnh: Tư liệu – TTXVN)

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là mốc son chói lọi ghi dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản. Tư tưởng đó thấm vào đường lối cách mạng của Đảng, vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, vào từng con người Việt Nam làm nên thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tư tưởng độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội

Tư tưởng này xuất hiện ngay từ khi Người bắt gặp ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin với khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1. Theo Người, độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tất yếu không chỉ do con đường phong kiến và con đường tư sản thất bại, mà “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”2. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”3,… Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, Người khẳng định: “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”4, và “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”5.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời khẳng định “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”6. Đây chính là mối quan hệ giữa độc lập dân tộc - dân chủ nhân dân - chủ nghĩa xã hội, nói gọn lại là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, giai đoạn từ 1930 đến Cách mạng Tháng Tám, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có một sắc thái biểu hiện riêng, khá độc đáo. Độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt, nhiệm vụ hàng đầu, cốt yếu của Đảng và toàn dân tộc. Hồ Chí Minh phân tích rõ, Pháp - Nhật không phải chỉ là kẻ thù của giai cấp công - nông mà là kẻ thù của cả dân tộc. Vì vậy, trước hết phải giải phóng dân tộc khỏi giặc Pháp - Nhật. Nói như thế không phải là Đảng thủ tiêu vấn đề giai cấp đấu tranh. Vấn đề giai cấp đấu tranh vẫn tồn tại mãi mãi. Nhưng đây là giai đoạn quốc gia trước hết, Tổ quốc trên hết, nên vấn đề giai cấp phải gác lại để giải quyết sau. Nói cách khác, giai đoạn này, chủ nghĩa xã hội mới ở dạng định hướng tiến lên của độc lập dân tộc nhưng mang lại cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc tính triệt để cách mạng hơn bao giờ hết. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) nhấn mạnh: “vô sản giai cấp sẽ bước những bước vĩ đại của lịch sử để tiến lên cách mạng vô sản, lập nền chuyên chính vô sản, kiến thiết xã hội chủ nghĩa để qua cộng sản chủ nghĩa”7. Đây là một trong những lý do cắt nghĩa tại sao trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam không giành được thắng lợi, nhưng từ khi có Đảng lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là minh chứng hùng hồn đầu tiên cho sự đúng đắn của tư tưởng độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Xác định kẻ thù của cách mạng

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Hồ Chí Minh nêu “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng”, nên kẻ thù phải đánh đổ là đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Hội nghị Trung ương 8 xác định giai đoạn hiện tại chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp là “dân tộc giải phóng”. Vì vậy, kẻ thù của cách mạng là giặc Pháp - Nhật. Sáng tạo đặc biệt của Hồ Chí Minh và Đảng ta ở Hội nghị Trung ương 8 là thay đổi chiến lược. Khi nguyện vọng của toàn dân tộc là đánh đuổi Pháp - Nhật, giành quyền độc lập thì không thể đưa thêm một nhiệm vụ thứ hai chưa cần thiết là đánh đổ địa chủ, vì điều đó có hại cho nhiệm vụ thứ nhất. Đưa nhiệm vụ điền địa ra giải quyết, tức là phải đánh đổ địa chủ, như thế không thể tập hợp mọi người Việt Nam cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định rõ: “Ngay bây giờ nếu ta nêu khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày, như thế chẳng những ta bỏ mất một lực lượng đồng minh, một lực lượng hậu thuẫn trong cuộc cách mạng đánh đuổi Pháp - Nhật mà còn đẩy lực lượng ấy về phe địch làm thành hậu bị quân cho phe địch nữa”8. Ngược lại, tuy chỉ nêu khẩu hiệu đánh đuổi Pháp - Nhật nhưng nông dân vẫn không giảm bớt sự hăng hái tranh đấu mà còn nỗ lực tranh đấu mạnh hơn vì trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc họ cũng được hưởng nhiều quyền lợi to tát. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi có một nguyên nhân quan trọng là nhờ xác định đúng kẻ thù chủ yếu.

Tư tưởng về lãnh đạo và lực lượng cách mạng

Tư tưởng này được quy định bởi việc xác định tính chất cách mạng và kẻ thù của cách mạng. Chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc là nhằm giải quyết mâu thuẫn dân tộc giữa một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam với bên kia là bọn xâm lược và tay sai của chúng. Từ những bài giảng đầu tiên về Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh phân tích khoa học rằng “vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh… Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, nên công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”9.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta và Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung, đánh đổ các đảng phản cách mạng như Đảng Lập hiến, v.v...”10. Tại Hội nghị Trung ương 8, với nhận thức “quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”, Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương “tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta”11. Một trong những thành công lớn của Hồ Chí Minh là lập tổ chức Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) với chủ trương “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, chiến đấu đánh đổ chủ nghĩa đế quốc phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho nước Việt Nam”12. Trong Kính cáo đồng bào (06/6/1941), Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào, các bậc phụ huynh, hiền huynh chí sĩ, các bậc phú hào yêu nước, thương nòi, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương... “Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.

Tất cả các lực lượng đó phải do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Đảng phải vững chí, bền gan, hy sinh, thống nhất. Cách mạng phải có Đảng lãnh đạo “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”13. Xác định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đưa cách mạng thắng lợi có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Tư tưởng về nền tảng lý luận của Đảng

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh dẫn lời Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”14. Cuộc hành trình tìm đường cứu nước và chuẩn bị thành lập Đảng là quá trình Hồ Chí Minh nghiên cứu, khảo sát, so sánh các học thuyết trên thế giới. Tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Mỹ năm 1776 và Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, Người đã rút ra kết luận: “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở tư tưởng của Đảng, trang bị thế giới quan, phương pháp luận cho những chiến sĩ cách mạng. Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin giúp Đảng giữ vững nguyên tắc tổ chức, hiểu rõ những vấn đề chiến lược cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lênin làm cho Đảng trở thành trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Không nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin giống như người một mắt sáng một mắt mờ, dễ xa rời con đường cách mạng.

Nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng điều đó không có nghĩa là học thuộc lòng chủ nghĩa Mác - Lênin, máy móc, rập khuôn, giáo điều. Theo Hồ Chí Minh, “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng… Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải ở đâu người ta cũng làm cộng sản, cũng làm Xôviết”15. Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin là quán triệt những vấn đề thuộc nguyên lý, quan điểm, lập trường, phương pháp. Phải học tinh thần xử trí mọi việc của Mác, Lênin để vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta là một nước thuộc địa, trên cơ sở đó bổ sung, làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin. Học Mác - Lênin là để giữ vững lập trường cách mạng, nâng cao tư tưởng; học để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp, dân tộc và nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin giúp cho Đảng ta trở thành một Đảng đạo đức, văn minh. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động sẽ không rơi vào chủ nghĩa biệt phái, giáo điều, mà luôn luôn đổi mới và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh và tình thế. Bàn về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là nhờ Đảng luôn nắm vững, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh nước ta.

Những khía cạnh về phương pháp cách mạng

Ngay từ tuổi thiếu niên, khi còn ở trong nước, mặc dù rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Bởi vì cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là cách làm “xin Pháp rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, đó là cách làm “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng vẫn còn nặng cốt cách phong kiến. Hồ Chí Minh xác định phải đi ra nước ngoài, tìm hiểu, khám phá thế giới, xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Đó là tư duy về một phương pháp cách mạng khoa học và cách mạng. Cuộc khảo nghiệm lịch sử của Hồ Chí Minh ở các nước thuộc địa và tư bản, từ cách mạng tư sản đến cách mạng vô sản đã đem lại cho Người nhiều điều bổ ích về phương pháp cách mạng.

Sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, Hồ Chí Minh đã rút ra nhận xét, những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp lớn”16. Theo Người, muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn ai hết sự xâm lược, bành trướng của chủ nghĩa thực dân là một hành động bạo lực phản cách mạng. Vì vậy, chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại chúng. Bạo lực đó trước hết phải là “công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”17. Tư tưởng tự lực tự cường đã được truyền đạt trong các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu thời gian 1925-1927. Trong các bài giảng, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến yếu tố cách mạng thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công, phải tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và nhân dân thế giới. “Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”18. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc lập tổ chức vững bền là Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Cách tổ chức của Việt Minh có tính chất dân tộc hơn, tạo ra một xung lực dễ hiệu triệu hơn. Phương pháp cách mạng, phương pháp tổ chức của Hồ Chí Minh quy về một điểm: đặt dân tộc quốc gia cao hơn hết. Người nhấn mạnh: “Trong khi đi tổ chức một đoàn thể cứu quốc điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”19.

Tổ chức vững bền, tự lực cánh sinh, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức là những nhân tố tạo nên phương pháp cách mạng khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. Sức mạnh của phương pháp đó đã được nhân lên khi Hồ Chí Minh khôn khéo xử lý mối quan hệ thời, thế, lực; thiên thời, địa lợi, nhân hòa “dĩ bất biến ứng vạn biến". Để đi tới Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh kêu gọi “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”; “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Khi thời cơ đến, nhanh chóng chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Giữa tháng 8/1945, Hồ Chí Minh có Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”20.

Cách mạng Tháng Tám thành công là nhờ vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đúng đắn của Đảng. Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn, nhưng không phải là kinh thánh. Nó là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi. Chủ nghĩa Mác - Lênin chủ yếu bàn về cách mạng vô sản, ở các nước tư bản, trên địa bàn châu Âu.

Giữa thế kỷ XIX, trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản, nhân loại cần có lý luận khoa học giúp giai cấp vô sản nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản và kẻ thù của mình, tìm ra phương pháp đấu tranh thích hợp, dự báo một xã hội tương lai tốt đẹp. Các Mác đã đáp ứng đòi hỏi của nhân loại, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong thời kỳ của chủ nghĩa đế quốc, nhân loại cần một "gương mặt" phát triển chủ nghĩa Mác, biến lý luận khoa học của ông thành hiện thực, V.I. Lênin đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, thành lập Nhà nước Xôviết, mở ra thời đại mới cho nhân loại.

Trong thời kỳ chủ nghĩa thực dân “làm mưa làm gió” trên khắp hành tinh, khi 3/4 loài người đắm chìm dưới ách áp bức, nô dịch của bọn thực dân độc ác, nhân loại cần có những con người đủ trí tuệ, bản lĩnh và ý chí cách mạng tiêu biểu cho sự thức tỉnh và vùng lên của các dân tộc bị áp bức. Con người ấy đã xuất hiện ở Việt Nam, đó là Hồ Chí Minh. Gớthôn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ viết: “Hồ Chí Minh là con người cần thiết, xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử với những tư tưởng và ý kiến đúng. Chính vì vậy mà đồng chí đã làm ra lịch sử”21.

Hồ Chí Minh làm ra lịch sử, bởi Người sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mở đầu cho mọi thắng lợi là cùng với sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, nhờ tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội; về đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự lãnh đạo của Đảng; về lý luận và phương pháp cách mạng khoa học, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi. Từ đây, chúng ta có một di sản vô cùng quý báu, đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

1, 2, 3, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.9, 40, 496, 540.

4, 5, 9, 13, 14, 17, 18.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289, 304, 288, 289, 279, 138, 320.

6, 12, 20.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.8, 629, 596.

7, 8, 11, 19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7,  tr.121, 120, 112, 125.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.2, tr.6.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.368-369.

21. Xem báo Nhân dân, ngày 17/9/1969.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS. TS. Phạm Ngọc Anh (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do - giá trị dân tộc và thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

3. Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Vũ Thị Kim Yến (Sưu tầm và biên soạn): Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Sự kiện, hình ảnh và ký ức), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Bình luận