Vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại

Ngày đăng: 08/11/2018 - 16:11

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại như hiện nay, các tổ chức xã hội đã có những đóng góp tích cực trong việc vận động chính sách, phát triển thị trường, tham gia ngày càng hiệu quả và tích cực vào công cuộc phát triển đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. Để làm rõ hơn vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại, có sự so sánh với sự phát triển kinh tế thị trường ở các bối cảnh kinh tế quốc tế khác nhau, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại, là kết quả của Hội thảo quốc tế “Vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại” do viện Triết học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam và Qũy Friedrich Ebert Stiftung (FES) của Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp thực hiện.

Nội dung cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu hơn về vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại

Nội dung cuốn sách tập hợp các bài viết của những học giả và chuyên gia, nhằm trao đổi và bàn luận về vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhằm hướng tới mục đích tìm kiếm những kinh nghiệm và học hỏi những kiến thức bổ ích về vai trò của các tổ chức xã hội áp dụng vào cơ chế thị trường hiện nay ở Việt Nam.

Để độc giả hiểu hơn về vai trò của các tổ chức xã hội, cuốn sách đã đưa ra khái niệm về tổ chức xã hội. Theo đó, tổ chức xã hội là những bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta, được hình thành trên các nguyên tắc tự nguyện, tự quản của người lao động, được tổ chức và hoạt động theo điều lệ hay theo các quy định của nhà nước, nhân danh tổ chức mình khi tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên. Là một bộ phận của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; tham gia tích cực cùng Nhà nước hoàn thiện tốt nhiệm vụ huy động và tổ chức nhân dân trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước, tham gia tích cực vào việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng.

Trong 30 năm đổi mới đất nước, các tổ chức xã hội tiếp tục đóng góp và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Trong vai trò là các nhân tố hữu cơ của xã hội, rất nhiều các tổ chức xã hội đã phát triển thành các tổ chức quần chúng để hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động và tổ chức nhân dân trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước, tham gia tích cực vào việc hiện thực hóa các chủ trương và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, để có thể nhận thức được nét đặc thù và vai trò của các tổ chức xã hội ở Việt Nam, chúng ta cần nắm bắt được đường lối và chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đang tích cực tham gia vào tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong sự phát triển đó không thể không kể đến vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội cần kết hợp với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và trong vấn đề này, các học giả và chuyên gia Việt Nam có thể tham khảo vai trò của các tổ chức xã hội đối với sự phát triển kinh tế thị trường ở các bối cảnh quốc tế khác nhau. Kinh nghiệm phát triển của Đức, Trung Quốc, Inđônêxia, Lào…sẽ rất có giá trị đối với Việt nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế một cách toàn diện.

Trong bài viết “Vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại”, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông cho rằng: Ở Việt Nam, suốt một thời gian dài trong quá khứ, truyền thống tập thể hóa, nhà nước hóa là một nhân tố gây nhiều cản trở cho các tổ chức xã hội. Xét về mặt kinh tế, sự phát triển của các tổ chức xã hội là một tiền đề tốt cho tăng trưởng. Các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, gắn liền với dân chủ và dân trí của người dân, vì vậy mối quan hệ mật thiết giữa các tổ chức xã hội lành mạnh và tiến bộ xã hội là điều có thể chứng minh được. Các tổ chức xã hội có thể hỗ trợ tốt cho Nhà nước trong việc đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội cũng như góp phần giải quyết các vấn đề cơ bản của xã hội Việt Nam ngày nay, như công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.. Theo tác giả, Nguyễn Tài Đông: Nếu nhìn nhận nhà nước và các tổ chức xã hội trong lịch sử kinh tế thị trường thì khó có thể hy vọng các tổ chức xã hội có được ngay địa vị tương đương với nhà nước, dù là ở các nước tư bản phát triển đi chăng nữa. Cũng cần lưu ý rằng, giữa nhà nước và các tổ chức xã hội không phải chỉ có đồng thuận, hợp tác, mà còn có cả những bất đồng, thậm chí xung đột trong lĩnh vực quản lý và xây dựng nhà nước. Ngoài ra, những đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa Việt Nam cũng quy định những sự khác biệt của các tổ chữ xã hội Việt Nam so với thế giới. Khác với một số nước tư bản phương Tây, các tổ chức xã hội ở Việt Nam không phải là một lực lượng đối lập với nhà nước, mà là bổ sung cho nhà nước vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Nhằm cung cấp cho độc giả hệ thống kiến thức phong phú về vai trò của các tổ chức xã hội áp dụng vào cơ chế thị trường hiện nay, TS. Khammanh Siphanhxay - tác giả bài viết “Một số kinh nghiệm trong quản lý tổ chức xã hội ở Lào” đã chỉ ra vai trò và những đóp góp to lớn của các tổ chức xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Theo TS. Khammanh Siphanhxay, chính Phủ Lào luôn coi trọng các tổ chức xã hội, điều này được thể hiện ở chỗ, ngay từ khi có Hiến pháp năm 1991 và sửa đổi, bổ sung năm 2003 lại đây, Chính phủ Lào cho phép thành lập Hội Liên hiệp khoa học và Hội Kiến trúc khoa học quốc gia Lào nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức xã hội hoạt động theo pháp luật, từ đó tạo cơ sở cho hoạt động của các tổ chức xã hội tuân thủ đúng cơ chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường cũng như những đặc trưng văn hóa của quốc gia nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Qua thực tiễn công cuộc quản lý các tổ chức xã hội ở Lào, các tổ chức xã hội đã trở thành lực lượng quan trọng, vừa góp phần thực hiện đường lối, chính sách, vừa mở rộng liên kết kinh tế - xã hội với quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn một số khuyết điểm, các nguyên tắc pháp luật về quản lý chưa thành hệ thống đồng bộ, thiếu cơ sở cho việc nghiên cứu, xem xét…Từ những phân tích trên, tác giả đã đưa ra 4 điểm cần chú ý như: Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật, sửa đổi những quy tắc không còn phù hợp; các tổ chức xã hội cần tăng cường và chú ý tham gia thực hiện các chính sách quốc gia như: pháp triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo…

Ngoài những nội dung về vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại thực tiễn ở Việt Nam và một số nước trên thế giới thì cuốn sách còn đề cập đến việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Qua bài viết “Một số vấn đề về tổ chức xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới”, trên cơ sở phân tích về tình hình phát triển của các tổ chức xã hội ở Việt Nam, tác giả  đã chỉ ra 8 vai trò của các tổ chức xã hội, đó là: góp phần tích cực thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn mình”, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội; là cầu nối gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; là nơi phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nơi thể hiện sinh động thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội - xã hội Việt Nam; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và giám sát, phản biện xã hội với cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội....

Cùng với các bài viết được giới thiệu trong cuốn sách, PGS.TS. Ngô Đình Xây  trong bài viết “Hoàn thiện thể chế quản lý đối với các tổ chức xã hội ở Việt Nam”, lập luận: Để hoàn thiện thể chế quản lý đối với các tổ chức xã hội ở Việt Nam hiện nay, qua đó nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tổ chức xã hội trong tiến trình đổi mới đất nước, cần hoàn thiện cơ chế quản lý theo các hướng như: Đảng phải tiến hành và triển khai thực hiện sâu rộng một số việc vừa cơ bản vừa cấp thiết trong quá trình lãnh đạo xã hội, trong đó có các tổ chức xã hội. Cụ thể, cần nắm vững và chỉ đạo kiên quyết để hiện thực hóa một số quan điểm có tính nguyên tắc. Thứ hai, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức hoạt động của các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện tốt một số nội dung trong hoạt động quản lý xã hội của mình, cụ thể: phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về các tổ chức xã hội nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội. Cùng với đó, phải đổi mới sâu sắc phương thức quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội. Một nội dung rất quan trọng, không thể thiếu trong việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội là phải đổi mới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội. Muốn vậy, cần phải có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội. Ngoài ra, cần phải kiện toàn và nâng cao chất lượng của các cơ quan chuyên môn trên cơ sở hoàn thiện bộ máy quản lý từ Trung ương đến cơ sở, có sự phân công rành mạch từng cơ quan nhưng cũng có quy chế phối hợp giữa các cơ quan.

 Đặc biệt, là chủ thể trực tiếp đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, các tổ chức xã hội cần phải thể hiện được chính mình để xã hội thấy được sự tồn tại của mình là cấn thiết và hợp lý, nghĩa là minh chứng được vai trò, vị trí của mình đối với xã hội; mặt khác, để hội viên thuộc các tổ chức xã hội đó thấy được mình là người bảo vệ và được hưởng quyền lợi chính đáng. Như vậy, ngoài trách nhiệm của Đảng, Nhà nước thì bản thân các tổ chức xã hội cũng phải có trách nhiệm làm cho cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò thiết thực của các tổ chức xã hội đối với đất nước và đối với hội viên của mình.

Có thể nói, qua cuốn sách, độc giả sẽ có được lượng kiến thức phong phú về sự hình thành, vai trò cũng như những đóng góp của các tổ chức xã hội. Mỗi bài viết được giới thiệu trong cuốn sách đều được phân tích một cách lôgích, khoa học nhằm tìm kiếm những kinh nghiệm và kiến thức bổ ích đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích, cũng rất dễ hiểu, dễ tiếp cận cho các học giả và những người quan tâm đến vấn đề vai trò của các tổ chức xã hội ở Việt Nam hiện nay, nhằm góp phần mở ra những định hướng hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.

 

Bình luận