Xu hướng mới về quyền con người - một số nhận thức chung
Quyền con người là thành quả của quá trình đấu tranh của cả nhân loại. Quyền con người đã và đang xuất hiện các xu hướng phát triển mới, gắn liền với sự phát triển không ngừng của xã hội. Dựa trên nền tảng lý luận chung về quyền con người, bài viết làm rõ một số câu hỏi: Xu hướng mới về quyền con người là gì? Bản chất của các xu hướng mới này là gì? Và liệu xu hướng mới về quyền con người có đồng nghĩa với việc hình thành các quyền mới so với các quyền truyền thống đã có hay không?
Khái quát về quyền con người
Trong lịch sử chính trị tư tưởng của nhân loại, thuật ngữ “quyền con người” vẫn thường được sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có quan niệm thống nhất về thuật ngữ này. Phải đến thế kỷ XVII, XVIII, quyền con người mới được các nhà tư tưởng bàn đến như một học thuyết1. Chính cách tiếp cận khác nhau đã dẫn tới những định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights)2. Các cuộc tranh luận về quyền con người thường tập trung vào vấn đề: Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Có hai cách tiếp cận vấn đề này. Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh thuộc tính tự nhiên của các quyền con người, đã là con người thì có các quyền. Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh thuộc tính nhân tạo của quyền con người, cho rằng các quyền của con người là do con người thỏa thuận với nhau hoặc do nhà nước quy định.
Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý mang tính phổ quát (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm và tự do cơ bản của con người”3. Định nghĩa này có thể bị phê phán khi cho rằng quyền con người có sau luật pháp, có sau sự bảo vệ ở phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh tính chuẩn mực chung (phổ quát) của các quyền con người, dễ làm căn cứ cho sự đồng thuận cũng như thuận tiện cho việc vận động các quốc gia tôn trọng các tiêu chuẩn chung trong hoạt động lập pháp và thực tiễn4. Bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, ở Việt Nam còn hay sử dụng thuật ngữ “nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều có nội hàm như nhau và tương ứng với thuật ngữ “human rights” trong tiếng Anh.
Trong lịch sử, những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights), tiêu biểu như: Zeno (333-264 TCN), Thomas Hobbes (1588-1679), Thomas Paine (1731-1809),... cho rằng quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng. Các quyền con người, do đó, không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào và không một chủ thể nào, kể cả nhà nước có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người. Ngược lại, những người theo học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights), tiêu biểu như: Edmund Burke (1729-1797), Jeremy Bentham (1748-1832),… cho rằng các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà phải do nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy, theo học thuyết này, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố như: phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa,... của xã hội ấy.
Cho đến nay, cuộc tranh luận về tính đúng đắn của hai học thuyết trên vẫn còn diễn ra. Việc phân định tính chất đúng, sai, hợp lý và không hợp lý của hai học thuyết này là không đơn giản. Mặc dù vậy, bất cứ quan điểm cực đoan nào phủ nhận một trong hai học thuyết trên đều không phù hợp. Bởi lẽ về hình thức, hầu hết các văn kiện pháp lý của các quốc gia đều thể hiện các quyền con người là các quyền pháp lý thì trong Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người năm 1948 hay một số văn kiện pháp lý và văn kiện chính trị pháp lý của một số quốc gia, quyền con người lại được khẳng định rõ ràng là các quyền tự nhiên, vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân.
Vì vậy, có lẽ quan điểm hài hòa nhất là dung hòa hai học thuyết nói trên. Theo đó, quyền con người là đặc quyền (quyền tự nhiên) nhưng để hiện thực hóa thì phải được pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực thi. Pháp luật ghi nhận quyền không phủ nhận bản chất đặc quyền tự nhiên của quyền con người và nó còn phụ thuộc vào các đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia. Các quyền con người thực ra mới ở dạng các khả năng, xu hướng và nhu cầu. Nó chỉ có ý nghĩa khi được xã hội thừa nhận qua các quá trình giáo dục, đấu tranh và phát triển. Tổng kết lại, có thể nói quyền con người trước hết được hiểu là những đặc quyền (quyền tự nhiên) mà con người có. Đó là khả năng hành động một cách có ý thức, trách nhiệm, nhất là khả năng tự bảo vệ. Tuy nhiên, các đặc quyền ấy chưa phải đã là quyền của con người. Để đạt tới cái gọi là “quyền” thì cần phải có yếu tố thứ hai, đó là quy chế pháp lý (pháp luật) tức là, các đặc quyền được pháp luật ghi nhận thì mới trở thành các quyền của con người5.
Dựa trên những tiêu chí khác nhau, có thể chia quyền con người thành những nhóm khác nhau6. Cụ thể, xét về lĩnh vực điều chỉnh, có thể phân thành nhóm quyền chính trị, dân sự và nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Xét về chủ thể của quyền, có thể phân thành các quyền cá nhân và các quyền của nhóm. Xét về mức độ pháp điển hóa, có thể phân thành các quyền cụ thể và quyền hàm chứa. Xét về phương thức bảo đảm, có thể phân thành các quyền chủ động và quyền bị động. Xét về tính chất, có thể phân thành các quyền tuyệt đối và quyền không tuyệt đối. Xét về điều kiện thực thi, có thể phân thành các quyền có thể bị hạn chế và quyền không bị hạn chế, quyền bị tạm đình chỉ áp dụng và các quyền không thể bị đình chỉ áp dụng trong mọi hoàn cảnh.
Các thế hệ quyền con người
Theo lý thuyết về thế hệ quyền, quyền con người được chia thành ba thế hệ gắn với sự phát triển của xã hội. Sự phân chia này được đề xuất vào năm 1977 bởi luật gia người Séc, ông Karel Vasak nhằm phân tích lịch sử phát triển của quyền con người. Lý luận của Vasak bắt nguồn từ lịch sử phát triển của tư tưởng và pháp luật về quyền con người ở châu Âu, tuy nhiên vẫn có ý nghĩa trong việc nghiên cứu về lịch sử phát triển quyền con người trên thế giới nói chung. Ba nhóm quyền này tương ứng với ba nguyên tắc của cách mạng Pháp, đó là tự do, bình đẳng và bác ái. Ba thế hệ quyền con người gồm: thế hệ thứ nhất: các quyền con người trong lĩnh vực dân số - chính trị, thế hệ thứ hai: các quyền con người trong lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa, thế hệ thứ ba: các quyền tập thể - phát triển.
Các thế hệ quyền con người được nêu trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế khá đa dạng và phong phú. Ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights - UDHR). Bản Tuyên ngôn này có giá trị luân lý như một điều ước quốc tế, đóng vai trò nền tảng để xây dựng hệ thống văn bản pháp luật nhân quyền quốc tế hiện đại, bao gồm hơn 30 điều ước và nhiều văn bản khác như: tuyên ngôn, khuyến nghị, bộ quy tắc, bộ nguyên tắc,... Hiện nay, có 9 công ước quốc tế cơ bản nhất về quyền con người gồm:
(1) Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc năm 1965 (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination - ICERD);
(2) Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR);
(3) Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights - ICESCR);
(4) Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women - CEDAW);
(5) Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục khác năm 1984 (Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment - CAT);
(6) Công ước về quyền trẻ em năm 1989 (Convention on the Rights of the Child - CRC);
(7) Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ năm 1990 (International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families - ICRMW);
(8) Công ước về quyền của những người khuyết tật năm 2006 (Convention on the Rights of Persons with Disabilities - CRPD);
(9) Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị đưa đi mất tích năm 2006 (International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance - ICPPED);
Xu hướng mới về quyền con người
Cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành khoa học và quá trình toàn cầu hóa, quyền con người cũng đã và đang xuất hiện các xu hướng phát triển mới7. Có thể kể đến một số xu hướng mới về quyền con người như sau:
Thứ nhất, quyền con người và phát triển bền vững
Nếu như trước đây, người ta chỉ đặt ra vấn đề về quyền được phát triển hay phát triển dựa trên quyền, thì hiện nay vấn đề quyền con người và phát triển bền vững lại được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn về quyền con người. Sự phát triển bền vững các lĩnh vực của đời sống là tiền đề cho sự phát triển về quyền con người, đồng thời, bảo đảm quyền con người cũng là tiền đề quan trọng để phát triển bền vững mọi mặt.
- Quyền con người và phát triển bền vững về môi trường. Nếu như giai đoạn trước, người ta chỉ quan tâm đến quyền được sống trong môi trường trong lành thì ngày nay, trước các vấn đề về biến đổi khí hậu, việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, quyền được tham gia vào các quyết định về môi trường,… đã trở thành vấn đề thường trực hằng ngày của mỗi đất nước, mỗi cộng đồng. Đồng thời, phát triển bền vững về môi trường cũng là để bảo đảm quyền “công bằng giữa các thế hệ”. Đó không chỉ là quyền của những người đang sống, mà đó còn là quyền cho thế hệ mai sau. Quyền công bằng giữa các thế hệ đặt ra vấn đề cho những người đang sống hiện nay phải “cư xử” và khai thác thiên nhiên như thế nào để bảo đảm quyền công bằng với các thế hệ tương lai.
- Quyền con người và phát triển bền vững về văn hóa. Mục tiêu “hòa nhập nhưng không hòa tan” đã đặt mỗi con người, mỗi cộng đồng, quốc gia và khu vực vào trong quá trình phát triển nhưng phải giữ được những nét đặc trưng về văn hóa, bảo vệ bền vững các giá trị văn hóa, gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc thiểu số,…
- Quyền con người và phát triển bền vững về kinh tế. Phát triển kinh tế cũng là để bảo đảm phát triển quyền con người. Hơn thế, phát triển kinh tế cũng tạo tiền đề để thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác. Vì thế, quyền con người luôn gắn với sự phát triển bền vững về kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng nhà nước phúc lợi,... Việc gắn quyền con người với phát triển bền vững mọi mặt của đời sống xã hội đã trở thành một xu thế tất yếu. Chính vì thế, tại nhiều nước trên thế giới, các chiến lược phát triển con người, quyền con người luôn được gắn với các chiến lược phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.
Thứ hai, quyền con người gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật
Xu hướng này gắn liền với sự phát triển của hai lĩnh vực quan trọng là internet và y học. Có thể thấy, chưa bao giờ internet lại tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người như hiện nay. Cuộc cách mạng công nghệ đã khiến quyền con người có những hình thức mới. Các phương tiện truyền thông và công nghệ mới đã góp phần bảo vệ quyền con người, tuy nhiên, các phương tiện này cũng trở thành nguy cơ đe dọa đến quyền con người nếu không được quản lý tốt. Dựa vào công nghệ truyền thông, nhiều hoạt động của các chính phủ, khu vực tư nhân hoặc của các tổ chức khác có khả năng được thực hiện và mở rộng tầm ảnh hưởng. Internet cũng đã đóng góp rất tích cực cho các phong trào nhân quyền trên thế giới, tăng cường giáo dục về quyền con người, đồng thời nhờ có internet mà quyền tiếp cận thông tin của người dân được mở rộng, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc hơn. Tuy nhiên, internet cũng đặt cho các nhà quản lý những vấn đề nhạy cảm và rất khó giải quyết. Ví dụ như, thời gian vừa qua, nhiều cuộc biểu tình, tuần hành lớn tại nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra từ những lời kêu gọi qua một số mạng xã hội.
Với sự mở rộng của internet, các vấn đề nhạy cảm đã không còn là của riêng ai. Chưa bao giờ đời sống riêng tư của con người, đặc biệt là của những người nổi tiếng lại dễ bị xâm phạm như bây giờ. Việc thời gian vừa qua xảy ra hàng loạt vụ tự tử của các ngôi sao trong giới giải trí ở Hàn Quốc do liên quan đến các tin đồn trên mạng đã đặt ra không chỉ cho Chính phủ nước này mà cả các nước khác, trong đó có Việt Nam, về việc quản lý các nguy cơ và biện pháp đối phó với các tin đồn trên mạng internet. Những quyền con người cần được quan tâm dưới góc độ này có thể kể đến như: quyền tự do hội họp (kể cả trên mạng), quyền riêng tư, quyền sử dụng các trang mạng xã hội,…
Bên cạnh đó, ngày nay, với sự phát triển của y học, đặc biệt là trong lĩnh vực thụ tinh nhân tạo, nhiều người đã có thể thực hiện ước mơ được làm cha mẹ khi điều kiện sức khỏe của họ không cho phép. Tuy nhiên, thành tựu y học này cũng kéo theo một vấn đề có liên quan đến quyền con người, đó là quyền được nhờ hoặc thuê người mang thai hộ. Đó là quyền của những người mong muốn có con nhưng vì lý do sức khỏe mà không thể mang thai và sinh con bình thường, đồng thời, đó cũng là quyền của những người được nhờ hoặc thuê mang thai hộ. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp phòng chống đối với các trường hợp có sức khỏe bình thường để mang thai nhưng vì lý do nào đó mà họ dùng tiền để thuê người mang thai hộ cho mình. Thông thường, khi xem xét ghi nhận quy định về quyền này, các quốc gia quan tâm đến phạm vi của quyền như: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay có thể cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại? Phạm vi chủ thể có quyền (chỉ trong phạm vi họ hàng, thân thích với nhau hay có thể mở rộng) mang thai hộ? Hình thức mang thai hộ?...
Thứ ba, quyền của đối tượng dễ bị tổn thương (nhóm yếu thế)
Trước đây, nói đến quyền của các đối tượng dễ bị tổn thương, người ta thường nghĩ tới quyền của phụ nữ và trẻ em. Hiện nay đã xuất hiện một số chủ thể mới của các đối tượng dễ bị tổn thương, đó là nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới; người cao tuổi; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; nhóm lao động di dân;… Tuy nhiên, quan điểm về vị trí quyền của đối tượng này trong hệ thống các thế hệ quyền con người chưa thực sự thống nhất. Có ý kiến cho rằng đây có thể xem là quyền tập thể (nhóm) nên có thể xem xét ở thế hệ nhân quyền thứ ba8. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng đây là những xu hướng mới về quyền con người, có thể xem xét cấu thành thế hệ quyền con người thứ tư. Như đã nêu, cơ sở hình thành thế hệ quyền con người thứ ba là sự liên đới và những quyền này bao quát quyền tập thể của một xã hội hoặc một dân tộc, như quyền phát triển bền vững, quyền sống trong hòa bình hoặc một môi trường trong lành,... Trong khi đó, quyền của một số đối tượng dễ bị tổn thương lại gắn liền với những xu hướng mới trong xã hội như xu hướng tính dục, bản dạng giới9, sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa,... Có thể thấy, các quyền của đối tượng dễ bị tổn thương có thể có ở cả ba thế hệ quyền con người nhưng chúng là xu hướng mới vì phạm vi đối tượng rộng hơn (ví dụ quyền kết hôn truyền thống chỉ là sự kết hợp giữa nam và nữ nhưng hiện nay đã xem xét giữa cặp đôi cùng giới) và hoàn toàn có thể có quyền mới (ví dụ quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới,...).
Như vậy, về tổng thể, bản chất của các xu hướng mới về quyền con người gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người. Xu hướng mới về quyền con người hoàn toàn có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với các quyền đã có, ví dụ như: quyền dân sự, quyền kinh tế, quyền văn hóa,… nhưng cũng có thể hình thành nên quyền mới so với các quyền truyền thống trước đây. Việc hình thành các xu hướng mới về quyền con người là điều tất yếu trong bối cảnh xã hội thay đổi và phát triển từng ngày. Điều đó cũng cho thấy quyền con người là vấn đề đa dạng và phức tạp khi xét dưới nhiều góc độ khác nhau.
NCS. TRƯƠNG HỒNG QUANG
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
1, 5. Trần Ngọc Đường: Quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 12, tr. 20, 21.
2, 4, 6. Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao: ABC về các quyền dân sự chính trị cơ bản, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, World Bank Group, tài liệu lưu hành nội bộ, 2017, tr. 15, 15, 21.
3. United Nations: Human Rights: Questions and Answers, New York and Geneva, 2006, p. 4.
7. Xem Nguyễn Linh Giang: "Một số xu hướng mới về quyền con người", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23, 2012, tr. 13-18; Trương Hồng Quang, Nguyễn Linh Giang: "Một số xu hướng mới về quyền con người tại Việt Nam hiện nay", Đặc san Thông tin Khoa học pháp lý, số 4.
8. http://hr.law.vnu.edu.vn/sites/default/files/resources/quyen_cua_nhung_nhom_nguoi_de_bi_ton_thuong-15022011.pdf.
9. Chỉ việc một người tự nhận mình mang giới tính giống hoặc khác với giới tính sinh học khi sinh ra.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Lan tỏa nội dung và phát huy giá trị Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
- Nhiều hoạt động giới thiệu, trưng bày sách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
- Những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam
- Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác
- Số phận thăng trầm của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ nhiệm Phó Giám đốc
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển lao động hợp đồng
- Xuất bản sách lý luận, chính trị trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển
- Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước
- Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ