Công việc trong tương lai: Thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo tài giỏi và tạo ra tổ chức có tính cạnh tranh

Ngày đăng: 29/10/2019 - 09:10

Nơi làm việc của thế kỷ XXI sẽ như thế nào, điều này có ý nghĩa gì với bạn, và bạnsẽ phải làm gì? Đó là những câu hỏi “phổ cập” đối với bất cứ nhân viên, nhà quản lý hay tổ chức nào, khi mà thế giới công việc đang trải qua quá trình thay đổi lớn dưới sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta biết chúng ta cần phải “xê dịch” tư duy, đổi mới suy nghĩ, nhưng điều đó giống như việc có trong tay một địa chỉ mà không có bản đồ. Và Jacob Morgan - một người lãnh đạo có chiều sâu trong chiến lược quản lý đã đưa ra bản đồ với Công việc trong tương lai - kim chỉ nam định hướng chính xác cách để các tổ chức và lãnh đạo truyền cảm hứng, tạo động lực cho đội ngũ nhân lực cũng như cách để chúng ta làm việc hiệu quả mà không cần ngồi 8 tiếng trong phòng làm việc mỗi ngày. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành.

Công việc tương lai: Thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo tài giỏi và tạo ra tổ chức có tính cạnh tranh hướng đến một trong những vấn đề lớn của sự phát triển, đó là công việc trong tương lai, nhằm trả lời câu hỏi: Chúng ta - những nhân viên sẽ làm việc trong tương lai như thế nào? Các tổ chức trong tương lai sẽ làm gì để thu hút nhân tài? Đội ngũ lãnh đạo/ quản lý sẽ được các tổ chức xây dựng ra sao để cạnh tranh trong thế giới công việc đầy biến động như hiện nay?

Với kết cấu 12 chương, cuốn sách lần lượt giải quyết các câu hỏi trên một cách logic, thú vị và đầy sức thuyết phục khi tập trung vào ba vấn đề chiến lược của công việc trong tương lai: nhân viên tương lai, người quản lý tương lai và tổ chức/ công ty tương lai.

Nhân viên tương lai: Cùng với việc phác thảo 5 xu hướng chính giúp định hình công việc trong tương lai: hành vi mới, công nghệ, thế hệ millennials (còn gọi là thế hệ Y - thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội), tính di động và toàn cầu hóa (Chương 1), tác giả đi sâu nghiên cứu cách nhân viên hiện nay làm việc và cách nhân viên tương lai sẽ làm việc (từ Chương 2 đến Chương 4). Trọng tâm của các chương này được xây dựng dựa trên Chương 3: Bảy nguyên tắc của nhân viên tương lai. Bảy nguyên tắc này bao gồm các cách mà họ làm việc và những điều họ mong đợi từ công việc, đó là: có một công việc làm việc linh hoạt, nơi họ có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi; có thể tùy biến công việc của mình bằng cách định hình và xác định con đường sự nghiệp riêng thay vì để chúng được định sẵn cho họ; chia sẻ thông tin nội bộ một cách cởi mở, minh bạch, đúng thời điểm; dùng cách thức mới để giao tiếp và cộng tác; có cơ hội trở thành lãnh đạo mà không cần phải từng là quản lý; chuyển từ lao động tri thức sang lao động học tập; học và dạy theo ý muốn.

Từ đó, có thể thấy “hình mẫu nhân viên lý tưởng” trong tương lai là những người làm việc trong tổ chức vì họ muốn, không phải vì họ cần. Điều quan trọng là họ tin vào những gì công ty làm, họ định hình sự nghiệp của mình, thực sự cảm thấy yêu thích công việc, có tiếng nói và được kết nối. Đó mới là lý do để khi được hỏi điều gì làm họ cảm thấy hạnh phúc, thì “công việc” là một câu trả lời phổ biến. Và có thể khẳng định, sự linh hoạt là một cách để thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu hiện nay. Linh hoạt công việc, linh hoạt thời gian làm việc, linh hoạt nơi làm việc,… để nhân viên có thể làm việc ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào, miễn là họ có kết nối Internet ổn định. Không có lý do gì để buộc nhân viên ngồi cả ngày trong một ô bàn làm việc, trong khi linh hoạt có thể đem lại hiệu quả công việc cao hơn.

Với những nét đặc trưng trên, nền kinh tế tự do chắc chắn là một “môi trường hoàn hảo” để những nhân viên tương lai thực sự muốn. Điều đó lý giải vì sao tác giả lại dành riêng Chương 4 để nói về vấn đề này. Trên thực tế, có rất nhiều cá nhân trên thế giới kiếm sống mà không bị coi là nhân viên truyền thống, và nền kinh tế tự do là nơi mà họ có thể tận dụng các kỹ năng và chuyên môn của mình để chủ động lựa chọn một nghề nghiệp hay dự án mình muốn để trở thành một phần của nhiều công ty trên toàn cầu.

Người quản lý tương lai: Ở Chương 5, tác giả đã nghiên cứu trạng thái quản lý cũng như thực tiễn quản lý lạc hậu - điều còn phổ biến trong các tổ chức hiện nay. Trên cơ sở đó, Chương 6 đã đưa ra 10 nguyên tắc của nhà quản lý trong tương lai, đó là phải trở thành nhà lãnh đạo, dõi theo nhân viên từ phía trước, am hiểu công nghệ, tin tưởng vào sự sẻ chia và trí tuệ tập thể, thích ứng với nhân viên tương lai,… Các nhà quản lý trong tương lai phải trở thành những nhà lãnh đạo, là người chạy phía trước con tàu để dọn đường cho nhân viên tiến tới. Nghĩa là họ tin vào việc phục vụ và trao quyền cho nhân viên chứ không phải kiểm soát hay quản lý nhân viên kè kè. Họ phải coi trọng những phản hồi, ý tưởng, mong muốn của nhân viên, hỗ trợ, truyền lửa và giúp nhân viên của mình thành công. Các chiến thuật quản lý dựa trên “nỗi sợ” đã trở nên “cũ kỹ”, thay vào đó là chú trọng sự gắn kết, truyền cảm hứng, tin tưởng và trao quyền cho những nhân viên của mình. Nhân viên là tài sản quý giá nhất mà mỗi tổ chức sở hữu, làm cho nhân viên hài lòng mới là chìa khóa thành công của các nhà quản lý tương lai.

Chương 7 thăm dò cách các nhà quản lý tương lai sẽ thực hiện với tổ chức của mình thông qua mô hình Công ty không có người quản lý. Quan niệm về công ty không có người quản lý thường gắn liền với phong cách điều hành một tổ chức với tên gọi Holacracy - chủ yếu chú trọng ý tưởng về việc chia sẻ quyền ra quyết định và tự tổ chức. Mặc dù cùng áp dụng phương pháp này, mỗi công ty vẫn có một số cách độc đáo của riêng mình, nhưng điểm cốt lõi là tất cả các công ty đó đều chú trọng đến hạnh phúc của nhân viên. Bởi chắc chắn trong một công ty hoạt động không có người quản lý, vai trò của nhân viên là chủ chốt, sự tôn trọng và những phúc lợi sẽ đi kèm với yêu cầu, trách nhiệm và kỷ luật. Tất cả những điều đó đều nhằm hướng tới sự thành công của công ty và sự trưởng thành, phát triển của nhân viên.

Tổ chức/ công ty tương lai: Nếu Chương 8 vẽ nên một bức tranh về các tổ chức ngày nay và những thách thức mà nhiều tổ chức đang gặp phải, thì Chương 9 đưa ra 14 nguyên tắc của tổ chức trong tương lai, đó là: tập trung tạo dựng nơi làm việc đầy những điều “muốn” thay vì “cần”, hoạt động như một công ty nhỏ, có nhiều phụ nữ giữ vai trò quản lý cấp cao hơn, cơ cấu tổ chức công ty “phẳng” hơn,… đã được phân tích một cách sâu sắc ở chương này. Thông qua đó có thể khẳng định, các tổ chức/ công ty chính là những thể chế làm nên trải nghiệm của nhân viên, tin tưởng và thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhân viên. Tổ chức tin vào nơi làm việc linh hoạt, tin vào việc tạo ra một nơi nhân viên muốn làm việc, chứ không phải nơi họ cần làm việc. Việc phá vỡ những ranh giới, mang đến tiếng nói cho nhân viên, tập trung vào chất lượng công việc thay vì quan tâm đến việc công việc được hoàn thành ở đâu là “tố chất tất yếu” mà các tổ chức tương lai phải đặt mục tiêu đạt được. Hơn thế, việc thích nghi để thay đổi nhanh hơn, “phẳng” hơn, ít phân cấp về bản chất hơn, thậm chí hoạt động không có người quản lý phải là thử thách cho các tổ chức, là những vấn đề mà các tổ chức phải xác định trong kế hoạch phát triển của mình.

Thế nhưng, sẽ không có tổ chức tương lai nếu không có công nghệ, đặc biệt là công nghệ cộng tác. Chương 10 đã đề cập vai trò của công nghệ cộng tác của tổ chức trong tương lai như một hệ thống thần kinh trung ương, đồng thời khám phá 12 thói quen của các tổ chức cấp cao khiến công nhân sử dụng công nghệ hợp tác: tập trung vào giá trị cá thể trước giá trị tập thể, chiến lược luôn đi trước công nghệ, chấp nhận rằng sự cộng tác làm cho thế giới tốt đẹp hơn… Những phân tích về các tổ chức trong tương lai trong Chương 11 với bốn rào cản mà hầu hết các tổ chức phải đối mặt trong quá trình thích nghi và phát triển, đồng thời giới thiệu quy trình mà các tổ chức có thể áp dụng để thích nghi với công việc trong tương lai.

Cuối cùng, Chương 12 đưa ra những thử thách để độc giả suy nghĩ lại ý nghĩa của việc làm, về mong muốn của nhân viên, yêu cầu đối với người quản lý hoặc việc điều hành một tổ chức thực sự có kết nối và biết lắng nghe. Nói một cách đơn giản, trong tương lai, sự thay đổi đối với nhân viên, nhà quản lý và tổ chức đã trở thành tất yếu, và “nếu bạn không nghĩ tới và không lên kế hoạch cho công việc tương lai, thì tổ chức của bạn sẽ không có tương lai”.

                                                                                                                                                                                            Phạm Hương

Bình luận