Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em

Ngày đăng: 31/10/2022 - 00:10

Xây dựng danh mục sách phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ; lựa chọn không gian phù hợp để đặt tủ sách... là các tiêu chí khi tạo dựng tủ sách cho thiếu nhi.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày này, các gia đình, tổ chức xã hội đã chú trọng hơn việc xây dựng tủ sách cho trẻ tuy nhiên những tiêu chí vẫn còn rời rạc và chưa trở thành một quy định cụ thể.

Lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi trẻ là yếu tố quan trọng.

Đa dạng tủ sách cho trẻ

Bắt đầu từ năm 2018, chị Phạm Anh Thư (nhân viên văn phòng, trú tại một khu đô thị ở Văn Giang, Hưng Yên) đã bắt đầu xây dựng tủ sách cho gia đình mình. Với mong muốn con cái có thể tiếp cận với nhiều tri thức khoa học xã hội hơn, chị Thư chủ động lựa chọn những cuốn sách đem lại nhiều thông tin và nằm trong danh sách bán chạy của nhiều bảng xếp hạng.

Không chỉ vậy, một trong những tiêu chí chị Thư hướng đến là tìm những cuốn văn học kinh điển bởi theo chị Thư đây đều là các cuốn sách có thể hình thành một lập trường riêng, giáo dục những điều trong sáng, giá trị nhân văn từ sớm cho trẻ.

Không chỉ chú trọng vào đầu sách, chị Thư còn chú trọng đến việc xây dựng một không gian đọc sách cho trẻ. Ngoài ban công, chị đã trồng những chậu hoa nhỏ, bố trí những chiếc ghế dài để đọc sách và bàn làm việc. “Không gian chiếm vai trò quan trọng ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của trẻ vì đôi khi mình lên làm việc thì những đứa trẻ có thể vào đấy nghỉ ngơi, chán thì có thể mở sách ra xem”, chị Anh Thư chia sẻ.

Bên cạnh tủ sách gia đình, các tủ sách cộng đồng ở địa phương cũng đang ngày một phát triển hơn. Trong năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững (CSDS) đã thành lập thư viện cộng đồng Tuổi trẻ tại huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Theo chị Nguyễn Thị Kim Quế (người điều phối dự án), nếu dừng lại ở việc tạo ra nơi đọc sách cho trẻ, chương trình sẽ không thu hút được, vì vậy cần phải có thêm các workshop, sự kiện dạy kỹ năng sống hay tiếng anh cho trẻ.

Nhờ vậy, dự án này đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm của các em học sinh từ cấp 1 cho tới cấp 3. Trong đó, các em học sinh THPT đã được tập huấn kỹ năng và tham gia vào dự án, thực hiện các công việc quản lý thư viện, mở cửa và chia sẻ về sách.

Tuy nhiên, theo chị Quế, các tiêu chí để lựa chọn sách tại đây chưa thực sự rõ ràng vì tủ sách chỉ mới được thành lập. “Hiện tại, chúng tôi chỉ chọn sách dựa trên quy định về nội dung làm sao cho trẻ có thể tiếp cận được những cuốn sách hay phù hợp với lứa tuổi. Loại bỏ những cuốn sách có yếu tố dung tục, phản cảm”, chị Kim Quế cho biết.

Tủ sách cho trẻ cần dựa trên các tiêu chí nào

Theo TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin, các phương tiện truyền thông mới ra đời, việc xây dựng tủ sách cho trẻ có tác dụng bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ.

Thông qua các tủ sách, trẻ em có điều kiện tiếp cận tác phẩm văn học nghệ thuật giúp các em phát triển tư duy ngôn ngữ đẹp, mạch lạc, để các em hiểu được vốn từ tiếng Việt phong phú và đa dạng, tránh tình trạng các em bị những ngôn từ lệch chuẩn trên mạng xã hội làm ảnh hưởng.

Hơn nữa, nếu có nhiều tủ sách với thể loại phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ sẽ dạy cho trẻ nhiều điều nhân văn trong cuộc sống để các em biết chia sẻ, cảm thông và yêu thương mọi người.

Dựa trên vai trò và thực trạng đó, các tiêu chí để lựa chọn tủ sách cho trẻ cần đảm bảo những yếu tố sau: Xây dựng các danh mục sách phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ; phù hợp với điều kiện chi trả của phụ huynh; lựa chọn không gian phù hợp để đặt tủ sách; Phụ huynh và trường học, xã hội dành thời gian quan tâm lựa chọn, tạo thói quen đọc sách cho trẻ.

Cùng sự phát triển của công nghệ, xuất bản điện tử cũng đang trở thành một xu hướng, vì vậy, các tủ sách của trẻ hoàn toàn có thể được xây dựng trên các ứng dụng nền tảng chuyên về sách nói hay sách đa phương tiện.

“Đối với các ứng dụng này, cần chú ý các thiết kế giao diện bắt mắt, hấp dẫn, dễ tìm, dễ sử dụng đối với trẻ em. Sử dụng nhiều giọng đọc khác nhau của các miền để phù hợp với thị hiếu của trẻ em, đảm bảo tiêu chí dễ nghe dễ nhớ. Thiết kế thêm các trò chơi gắn liền với nội dung sách để kích thích trí tò mò, khám phá của trẻ”, TS Vũ Thùy Dương cho biết.

Theo Zing.vn

Bình luận