Một số đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954

Ngày đăng: 20/05/2020 - 09:05

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công cuộc xây dựng chế độ mới và chống giặc ngoại xâm đòi hỏi sự đoàn kết và nỗ lực vô cùng lớn của toàn dân tộc, đặc biệt là sự tham gia góp sức của tầng lớp trí thức cùng các nhà khoa học, trong đó có tập thể y, bác sĩ. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đội ngũ y, bác sĩ là những chiến sĩ chiến đấu thầm lặng để chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho chiến sĩ, Nhân dân, luôn kề vai sát cánh cùng đồng bào cả nước chiến đấu chống giặc ngoại xâm để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đào tạo đội ngũ y, bác sĩ phục vụ kháng chiến

Tháng 10/1945, Trường Đại học Y Dược khoa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoạt động trở lại sau những năm tháng tham gia phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc. Đây là sự cố gắng “phi thường” của thầy và trò ngành y lúc đó. Từ con số không, đội ngũ y, bác sĩ đã ra sức chuẩn bị cơ sở vật chất, lập kế hoạch giảng dạy, giải quyết chế độ đãi ngộ, chuẩn bị lực lượng và triển khai công tác tuyển sinh. Ngày 03/11/1945, Bộ Quốc gia Giáo dục ra nghị định chính thức cử 35 người là các “quyền giáo sư” dạy các bộ môn cho các ban Y, Dược, Nha của trường. Ngày 15/11/1945, lễ khai giảng đã được tổ chức trọng thể với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị bộ trưởng. Chỉ ba tháng sau khi chính quyền thành lập, việc đào tạo y, bác sĩ của ngành đã đi vào ổn định. Số sinh viên tuyển sinh năm thứ nhất Y (1945-1946) đông chưa từng có: 73 người, Niên khóa 1946-1947 là 128 người1.

Trong những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến, ở các tuyến đầu hoặc ở hậu phương, đội ngũ bác sĩ vẫn không quên nhiệm vụ đào tạo tầng lớp kế cận. Trong công tác đào tạo cán bộ, Bộ Y tế đã quan tâm mở các trường, lớp nhằm tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ y, bác sĩ. Điều này thể hiện trong Điều 1, Nghị định số 701-ZY/TĐ, ngày 13/8/1948 của Bộ trưởng Bộ Y tế với việc quy định “Mỗi Liên khu có ít nhất một lớp nữ hộ sinh thôn quê”, hay trong Điều 1, Nghị định số 703-ZY/TĐ cùng ngày quy định “Mỗi Liên khu có một trường huấn luyện y tá” và Sắc lệnh số 234-SL, ngày 20/8/1948 đã quyết định về việc mở Trường Y tế Việt Nam để đào tạo cán bộ y tế cho cơ quan dân y và quân y. Các y, bác sĩ đã tích cực, chủ động tìm tòi, học hỏi và truyền đạt lại kinh nghiệm cho nhau. Có thể kể tới những tấm gương điển hình như: bác sĩ Tôn Thất Tùng – người thực hiện chương trình đào tạo cán bộ y sĩ gửi ra mặt trận; bác sỹ Hồ Đắc Di có đóng góp không nhỏ trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, là sự đóng góp lớn lao của các giáo sư, bác sĩ đầy tâm huyết: Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung... Nhờ đó, kết quả học tập của các y, bác sĩ có sự tiến bộ rõ rệt. Trong tình hình cam go của cuộc chiến, việc dạy và học, cứu chữa thương binh của thầy và trò ngành y vẫn diễn ra đồng thời, tích cực. Với truyền thống lớp trên dìu dắt lớp dưới, những sinh viên mới đã nhanh chóng tiếp thu, thích nghi với công việc thời chiến và chăm lo y tế địa phương.

Từ năm 1947 đến 1954, đã có 38 bác sĩ tốt nghiệp; từ năm 1950 đến 1954, có 54 dược sĩ tốt nghiệp. Trong những năm 1948-1952, Bộ Y tế mở thêm các trường Y sĩ và Dược sĩ để đào tạo các y sĩ và dược sĩ trung cấp, đến năm 1954 đã có 311 y sĩ và 61 dược sĩ trung cấp được bổ sung cho các khu và tỉnh. Mỗi khu đều tổ chức trường đào tạo y tá, dược tá, hộ sinh2. Tính đến năm 1948, “những lớp chuyên nghiệp sơ cấp và những lớp cán bộ nông thôn đã mở và đào tạo được: 185 y tá, 28 nữ y tá hộ sinh, 330 cán bộ vệ sinh nông thôn, 327 nữ hộ sinh nông thôn”3.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhu cầu nhân viên y tế cho quốc phòng ngày một nhiều để phục vụ Nhân dân cũng như quân đội, trong khi số lượng y, bác sĩ và số lượng đang đào tạo cấp tốc lúc đó cũng chỉ đảm bảo được 1/10 yêu cầu. Trường Đại học Y Dược khoa đã hoàn thành tốt vai trò của mình trong thời kỳ này. Ngành y tế Việt Nam đã cố gắng, nỗ lực để đào tạo được những cán bộ chất lượng từ cao cấp, trung cấp, sơ cấp đến cán bộ y tế xã. Để phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến, chương trình giảng dạy được thiết kế kết hợp giữa thời gian học lý thuyết tại trường với thời gian thực tế công tác.

Thành lập bệnh viện, trạm phẫu thuật lưu động

Khi kháng chiến bùng nổ, một số y, bác sĩ, sinh viên trường y đi theo các đoàn Nam tiến. Số khác tham gia cứu thương ở Hà Nội, sau đó tới khắp các chiến trường. Các trạm phẫu thuật lưu động, bệnh viện được thành lập trong thời gian này với các cán bộ chủ lực từ Đại học Y dược và Bệnh viện Phủ Doãn. Có thể kể tên các trạm lưu động: Trạm phẫu thuật A do bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Phạm Hữu Trí phụ trách; Trạm phẫu thuật B do thầy Nguyễn Hữu phụ trách, đóng tại Kim Lũ, Ngọc Bài (Sơn Tây), có nhiệm vụ đưa đón thương binh của mặt trận phía Tây Hà Nội; trạm phẫu thuật lưu động số 10 Hàng Bè, Nhà Phú Lợi 18 Hàng Bè, Nhà Nam Long ở phố Hàng Buồm được thành lập trong nội thành Hà Nội. Các trạm cứu thương và tiểu phẫu đóng ở Chèm và Vẽ, do các sinh viên: Trịnh Kim Ảnh, Đỗ Bá Hiển, Nguyễn Đức Nguyên... phụ trách. Ở phía Nam Hà Nội, có trạm phẫu thuật do bác sĩ Vũ Đình Tụng và sinh viên Vũ Đình Tuân phụ trách, ban đầu đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó rút xuống Văn Điển. Tuyến sau có trạm phẫu thuật tại Cầu Phùng (Đan Phượng) do bác sĩ Trần Hữu Tước phụ trách.

Ngoài ra, tại các vị trí trọng điểm khác đều có sự tham gia của thầy và trò Trường Đại học Y Dược khoa: mặt trận Hồng Quảng, mặt trận Hải Dương, trạm phẫu thuật Vĩnh Yên, mặt trận Nam Định... Khi chiến tranh lan rộng, các trạm phẫu thuật lưu động đã di chuyển linh hoạt để phục vụ cuộc kháng chiến.  

Các trạm làm việc rất căng thẳng, vất vả do số thương binh và nạn nhân chiến tranh được chuyển về rất đông, nhưng trạm nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, Trạm B còn thực hiện cả các cuộc đại phẫu thuật. Riêng trong tháng 4 và tháng 5/1947, Trạm đã mổ 147 trường hợp, tỷ lệ tử vong chỉ dừng lại ở 4%4. Dạy và học trong thời chiến, vì vậy, thầy và trò vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa học hỏi lẫn nhau, sinh viên ghi chép và được thực hành ngay tại mặt trận nên tiến bộ rất nhanh.

Ở miền Bắc, bệnh viện hậu phương được thành lập tại Vân Đình, do thầy Hồ Đắc Di và thầy Tôn Thất Tùng phụ trách. Đây là một cơ sở lớn, trang thiết bị được mang theo từ Bệnh viện Phủ Doãn, sinh viên y khoa và nhân viên kỹ thuật được tập trung đông đảo. Ngoài những sinh viên được quy tụ từ các trạm A, B, bệnh viện còn có bác sĩ Đặng Văn Chung và các sinh viên: Đỗ Dương Thái, Vũ Tam Hoán, Võ Như Tỷ, Trần Quang Việp; các nữ nhân viên và nữ hộ sinh quốc gia, y tá trưởng là những nhân viên cũ của Bệnh viện Phủ Doãn, có nhiều kinh nghiệm về ngoại khoa và gây mê.

Tại miền Trung, Bệnh viện Tuy Hòa được thành lập: Ngày 07/02/1946, đoàn phẫu thuật đầu tiên vào tăng viện cho chiến trường miền Nam do bác sĩ Hoàng Đình Cầu phụ trách. Đoàn cùng đi với đoàn của bác sĩ Vũ Văn Cẩn, có nhiệm vụ kiểm tra công tác quân y từ Huế trở vào. Tuy nhiên, đoàn vào đến Phú Yên thì phải dừng lại (vì Pháp đã đánh ra đến đây) và phối hợp với dân y thành lập Bệnh viện Tuy Hòa. Bệnh viện có khoảng 300 giường để phục vụ thương, bệnh binh từ Khánh Hòa gửi ra.

Có thể thấy, các trạm phẫu thuật lưu động, bệnh viện được thành lập khẩn trương nhằm phục vụ nhu cầu cứu chữa bệnh nhân, tuy quy mô nhỏ, nhưng đã phát huy vai trò rất quan trọng. Đội ngũ y, bác sĩ, sinh viên y chưa tốt nghiệp giữ vai trò là lực lượng nòng cốt để xây dựng các bệnh viện dã chiến. Số nhân viên ít trong khi thương, bệnh binh đông, nhưng đội ngũ y, bác sĩ đã phối hợp tốt với địa phương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.

Bào chế thuốc, sáng tạo trong cứu chữa bệnh nhân

Kháng chiến bùng nổ, mọi hoạt động diễn ra gấp rút, khẩn trương. Bên cạnh nhiệm vụ cứu chữa thương binh, các y, bác sĩ còn phải miệt mài nghiên cứu bào chế ra các loại thuốc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Y sĩ Nguyễn Dược Khôi - cán bộ của Viện Vi trùng học Trung Bộ là một trong những tấm gương lao động trí óc điển hình. Viện Vi trùng dùng dạ dày lợn và axít clohydric chế peptone Martin làm chất dưỡng trung. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh rất khó để mua dạ dày lợn, y sĩ Nguyễn Dược Khôi đã dùng mủ đu đủ để nấu thịt bò thành peptone, công dụng của nó không khác peptone Martin mà lại tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, y sĩ còn dùng mật mía để cất rượu cồn thay cho ngô hoặc gạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sấy đậu, chuyển từ máy đốt bằng dầu sang máy đốt bằng củi. Nhờ sự chăm chỉ, tìm tòi nghiên cứu, y sĩ Nguyễn Dược Khôi đã có những sáng kiến hữu ích, giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian và công sức cho Nhân dân.

Sáng kiến chế thuốc cam thế aspirin của dược tá Nguyễn Đức từ những nguyên liệu trong nước (bạch chì, sắn dây, dưa liên), sau đó chế hòa thành viên, đã được nhiều người dùng rất công hiệu mà giá thành rẻ. Thuốc này rất công hiệu, giá thành rẻ nên nhanh chóng được phân phối ở các bệnh viện, y tế dân công và tủ thuốc các liên khu.

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã điều chế thành công bột Streptomycin – một chất kháng sinh dùng để chữa các vết thương nặng, dùng đậu tương cho phân hóa nấm thành một loại thuốc tiêm giữ sức cho anh em thương binh khi mổ, lấy kẹo mạch nha thay glucô để làm xitơrinin. Đặc biệt, việc sản xuất được “nước lọc Penicillin” của bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã giúp 80% thương binh có thể trở về đơn vị chiến đấu mà không bị cưa chân tay. Bác sỹ Tôn Thất Tùng đã tìm ra cách chữa bệnh dò xương, kết quả đạt tới 90%. Không những thế, ông còn tìm  được phương thuốc làm tê mà không liệt bệnh nhân; dùng phương pháp ngủ để chữa bệnh thần kinh; tiến hành mổ hoàn toàn vô trùng, tỷ lệ tử vong không tới 1%. Bác sĩ Tôn Thất Tùng là người đầu tiên trên thế giới có công trình nghiên cứu về phương pháp cắt gan quy phạm mà sau này được các học giả trên thế giới công nhận là phương pháp kinh điển. Bác sĩ Nguyễn Văn Tấn, phân viện trưởng K43 thuộc Bộ Tư lệnh liên khu IV áp dụng kỹ thuật mổ xẻ, cưa cắt ở những chỗ trọng yếu như óc, phổi, sọ, cải tiến phương pháp cầm máu và cứu sống nhiều chiến sĩ bị thương nặng. Bác sĩ Hoàng Tích Mịnh cùng 20 cán bộ Viện Vi trùng học Bắc Bộ đã sản xuất được các vắcxin ngừa thủy đậu, tả, thương hàn phục vụ công tác phòng bệnh cho Nhân dân và bộ đội vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Bên cạnh những tấm gương y sĩ, bác sĩ cần mẫn, tận tụy, ta còn xây dựng thêm nhiều cơ sở y tế xã, huyện, cơ sở hộ sinh, bệnh viện, bệnh xá củng cố cơ sở điều trị, phát triển y tế nông thôn, vệ sinh phòng bệnh dịch. Từ năm 1950, Ban Y tế dân công chuyên trách được thành lập nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu kháng chiến, chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh cho Nhân dân.

Dưới sự quan tâm, lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ cùng với đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn, cán bộ ngành y tế đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực đưa công tác y tế của đất nước tiến dần vào con đường phục vụ quảng đại nhân dân; chú trọng đến việc phòng bệnh là chính yếu, chữa bệnh là thứ yếu trên cơ sở đào tạo đội ngũ kế cận, phát triển cơ sở y tế nông thôn, đẩy mạnh công tác y tế dân công,... Cùng với đó, cán bộ chủ lực của ngành y có tầm nhìn xa trong việc bố trí các tài năng để xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, từng bước tiến tới thắng lợi hoàn toàn. 

  1. Ban lịch sử Đại học Y Hà Nội: “Lịch sử Đại học Y Hà Nội qua các giai đoạn (1902-2002)”, https://www.hmu.edu.vn/mobile/tID1134_Lich-su-Truong-Dai-hoc-Y-Ha-Noi.html.
  2. Tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Bộ Y tế, Hồ sơ 118.
  3. Phông Bộ Y tế, Hồ sơ 43, tờ 4, 5, 6, 7.
  4. Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.

TS. Nguyễn Thị Như

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả