Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 01/6/1904, là một người cộng sản trung kiên, người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp.
Đồng chí Hoàng Đình Giong, người dân tộc Tày (bí danh: Hoàng Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức), sinh ngày 01/6/1904, tại làng Thâm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng). Đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ và bồi dưỡng.
Xuất thân từ gia đình nông dân, lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu cảnh nô lệ lầm than, từ thuở nhỏ, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, sớm tiếp cận các tư tưởng yêu nước tiến bộ, tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh ở một số địa phương của tỉnh Cao Bằng. Những năm 1925 - 1926, đồng chí về Hà Nội học Trường Bách Nghệ và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Vì lý do này mà Hoàng Đình Giong bị đuổi học, trở về Cao Bằng tham gia tuyên truyền cách mạng.
Năm 1927, Hoàng Đình Giong ra nước ngoài để bắt liên lạc với tổ chức Hội. Tháng 12/1929, đồng chí cùng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc). Ngày 01/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Với thành tích xuất sắc trên, đồng chí Hoàng Đình Giong được dẫn đầu đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ tham dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Macao (Trung Quốc) tháng 3/1935 và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1936, đồng chí trở về nước, tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh và bị thực dân Pháp bắt đầy đi biệt xứ tận đảo Mađagátxca (châu Phi).
Năm 1944, được trở về Tổ quốc, đồng chí Hoàng Đình Giong tích cực hoạt động cách mạng. Sau ngày 9/3/1945, đồng chí cùng Đảng bộ Cao Bằng lãnh đạo nhân dân xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, thành lập chính quyền cách mạng ở hầu hết các châu trong tỉnh, bao vây quân đội Nhật, trấn áp bọn phỉ phản động. Thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Tỉnh ủy Cao Bằng cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban khởi nghĩa, lãnh đạo lực lượng vũ trang cùng với quần chúng nổi dậy, từ ngày 20 đến 22/8/1945, giành chính quyền cách mạng trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta.
Tháng 10/1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Bác Hồ và Trung ương Đảng đổi tên là Võ Văn Đức để bảo đảm bí mật cho việc hoạt động và được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến.
Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23/11/1945, Hội nghị quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Đức (đổi tên thành Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12/1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9.
Khu bộ trưởng Vũ Đức đã cùng một đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau, miền đất tận cùng của Tổ quốc. Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ, trừ Cà Mau. Đồng chí Vũ Đức chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực còn lại ở các nơi tập trung về Cà Mau để củng cố tổ chức. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Khu bộ trưởng Vũ Đức, cùng các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Lê Hiến Mai…, chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Ở Sóc Trăng, ta thành lập được đại đội chủ lực, lấy tên là Đại đội Hồ Chí Minh. Đồng chí Vũ Đức đã đến dự và công nhận đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Đồng bào các dân tộc miền Tây Nam Bộ rất yêu mến đồng chí Vũ Đức, bởi ông sống chan hòa, gần dân, thương dân vô hạn. Bà con dân tộc Hoa thấy ông nói thạo tiếng Quảng Đông, Quảng Tây nên xem như đồng hương. Đầu năm 1946, đồng chí đã hòa giải thành công vụ xung đột sắc tộc tại Sóc Trăng. Bọn phản động đã ám sát nhà sư người Khơme, rồi phao tin do Việt Minh gây ra. Đồng bào Khơme bị kích động, đã bất hợp tác với bộ đội. Bằng uy tín của mình, đồng chí Vũ Đức đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động để đồng bào hiểu rõ âm mưu của thực dân Pháp.
Cuối tháng 11/1946, Trung ương điều đồng chí Vũ Đức ra Bắc họp. Khi đồng chí di chuyển đến Khu 6 thì nhận được quyết định của Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Một buổi sáng tháng 3/1947, đồng chí Vũ Đức đang biên soạn tài liệu huấn luyện dân quân, du kích thì một toán quân Pháp từ phía Đà Lạt, vượt đỉnh núi Thiên Thai, đánh vào sau lưng chiến khu. Giặc ập đến quá nhanh, Khu bộ trưởng Vũ Đức đã lệnh cho những người bên cạnh đi hủy tài liệu, còn mình sử dụng súng ngắn chặn địch. Đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng.
Khi đất nước thống nhất, năm 1980, Trung ương Đảng quyết định chuyển hài cốt đồng chí về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Năm 2009, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Để tưởng nhớ và ghi tạc công lao to lớn của đồng chí, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong, ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám (quê nội của đồng chí). Khu di tích được xây dựng với các hạng mục đẹp đẽ, trang nghiêm, trở thành địa chỉ quen thuộc để thế hệ trẻ tổ chức các hoạt động sinh hoạt giáo dục truyền thống.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
***
Để tỏ lòng tri ân sâu sắc về những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 - 01/6/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc một số ấn phẩm về đồng chí Hoàng Đình Giong.
Ấn phẩm về đồng chí Hoàng Đình Giong do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành
HOÀNG ĐÌNH GIONG - TIỂU SỬ
Cuốn sách Hoàng Đình Giong - Tiểu sử, thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, ghi lại cuộc đời và những chặng đường hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Hoàng Đình Giong, nhằm tri ân, tôn vinh người con ưu tú, tiêu biểu của dân tộc, làm phong phú thêm truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng. Cuốn sách là tư liệu nghiên cứu hữu ích cho các nhà khoa học, độc giả quan tâm, nghiên cứu về lịch sử nói chung, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong nói riêng, góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
ĐỒNG CHÍ HOÀNG ĐÌNH GIONG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ QUÊ HƯƠNG CAO BẰNG
Cuốn sách tập hợp bài viết, tham luận của các nhà lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học trong cả nước tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Hoàng Đình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng”, tập trung làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp, cống hiến và hy sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực
- Xuất bản ấn phẩm đặc sắc nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris